- Sau thời gian đội tập trung, xin ông cho biết đánh giá của mình về lứa cầu thủ U18 Việt Nam hiện tại?
Về khả năng chuyên môn, chiến thuật, kĩ thuật, tư duy của lứa cầu thủ U18 hiện tại, tất cả mọi mặt các cầu thủ cần phải cải thiện nhiều hơn. Đặc biệt, toàn đội đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu sau hai trận thua Phố Hiến 2-3 và thua 0-2 đội Hạng Nhì Hà Nội.
- Ở lần tập trung này đội U18 đều là những cầu thủ mới. Bản thân ông luôn được đánh giá là người luôn biết khơi gợi và cách làm tâm lý cho các cầu thủ mới. Ông nghĩ sao về điều này?
Cái đó tôi nghĩ ai cũng có thể làm. Mỗi người có một phương pháp khơi gợi tâm lý cho học trò. Tôi cũng có phương pháp của riêng mình. Vấn đề là khơi gợi cho tuổi trẻ có hai điểm quan trọng gồm chuyên môn và đạo đức.
Hai vấn đề đó có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thái độ thi đấu, tinh thần thi đấu chuyên nghiệp do đạo đức của cầu thủ chứ không phải về tinh thần thi đấu đơn thuần. Chúng ta cần cả một quá trình để xây dựng nó. Nhìn lại các cầu thủ U23 thì sẽ thấy để có thành tích ngày hôm nay là do nền tảng có sự chuyên nghiệp, có đạo đức rất tốt.
- Về mặt chiến thuật, có vẻ như các cầu thủ chưa thể làm quen với sơ đồ 3 trung vệ mà ông hướng tới từ khi tập trung?
Trong quá trình đào tạo, các các cầu thủ cần phải biết các hệ thống chơi khác nhau. Khi chưa quen với sơ đồ 3 hậu vệ mà phải chơi sơ đồ 3, 4, 5 hậu vệ như đội tuyển quốc gia thì mỗi cầu thủ cần phải biết cách thích nghi. Chính vì thế các cầu thủ chắc chắn chưa thể thực hiện hoàn hảo. Các em cần phải có nhiều thời gian hơn nữa.
Đương nhiên về kĩ năng các em cần phải thích nghi với nhiều sơ đồ chiến thuật. Cũng có thể trong tương lai sẽ có một HLV khác, có ý tưởng khác, nhưng các em có một quá trình chuẩn bị tập luyện, tìm hiểu sơ đồ hệ thống lối chơi thì tương lai rất thuận lợi. Các em rất dễ thích nghi với bất kì lối chơi nào, với triết lí của HLV nào.
- Ở hai trận đấu giao hữu cọ xát vừa rồi đội đều nhận bàn thua với kịch bản giống nhau. Theo ông hàng thủ của U18 Việt Nam đang gặp vấn đề gì?
Về khái niệm hàng thủ, tôi chưa rõ các bạn hiểu như thế nào. Ai là hậu vệ, ai là tiền đạo? Trong bóng đá, hậu vệ đầu tiên chính là tiền đạo. Vì thế sai số trong hai trận đấu vừa rồi là sai số toàn cục, chứ chúng ta không nói về hậu vệ hay hàng phòng ngự.
Ở trận thua với đội hạng Nhì Hà Nội, chúng ta mất bóng ngay ở tình huống phạt góc và sau đó phải nhận bàn thua. Tình huống đó không phải là lỗi của một nhóm hay một cá nhân nào mà do chúng ta chơi chưa tốt, khả năng phòng ngự từ xa của chúng ta chưa tốt. Như tôi đã trả lời các em cần thêm thời gian, thích nghi để nhìn thấy nhược điểm của mình.
- Với tốc độ hiện tại, các cầu thủ U18 liệu có thể góp mặt tại SEA Game 30 ở Philippines vào cuối năm nay hay không?
Thật ra nếu SEA Game cuối năm nay có lẽ hơi sớm. Nhưng tôi nghĩ để dự bị cho một chiến lược lâu dài thì khả năng một số em được xuất hiện trong đội dự bị thì hoàn toàn có thể. Như thế giúp các em được học hỏi, đúc rút kinh nghiệm cho tương lai.
- Các cầu thủ của U18 Việt Nam hiện nay xuất thân từ rất nhiều lò đào tạo khác nhau. Ông đã có sự thay đổi như thế nào để gắn kết các cầu thủ lại với nhau?
Tôi đã nói rồi, các em ở đây vẫn đang nằm trong lứa tuổi cần đào tạo. Chúng tôi phải đánh giá toàn bộ khả năng chuyên môn các em phát triển đến đâu, về kĩ năng chiến thuật, về tất cả mọi thứ… Trong độ tuổi này, các em cần hoàn thiện nhiều hơn. Không có khó khăn gì nhiều đâu. Trong thời gian tới chúng tôi cần khắc phục những điểm yếu, đúc rút kinh nghiệm để 1,2 năm tới về mặt chuyên môn các em hoàn thiện hơn.
- Vậy ông có thể cho biết các cầu thủ có sự tiến bộ như thế nào kể từ khi tập trung?
Các em tiến bộ rất nhanh. Một điều kiện để các em tiến bộ nhanh là những trung tâm học viện bóng đá quan tâm đến đào tạo hơn, đầu tư tốt hơn nên dẫn đến học viên có khả năng chuyên môn, tiếp thu tốt hơn.
- Giải đấu giao hữu tại Hong Kong (Trung Quốc) sắp tới có tầm quan trọng như thế nào đối với các cầu thủ trẻ?
Giải đấu ở Hong Kong là một bài kiểm tra tốt nhất để chúng ta nhìn thấy toàn cảnh, khả năng tư duy và đặc biệt là kinh nghiệm thi đấu quốc tế, điều yếu nhất vào lúc này. Đó là điều rất tốt cho nền bóng đá chúng ta, đặc biệt với cầu thủ trẻ.
- Với các cầu thủ trẻ đang có trong tay, ông có đánh giá như thế nào về việc đào tạo các cầu thủ trẻ của Việt Nam trong vài năm trở lại đây so với trước kia?
Theo nhìn nhận của tôi, trong những năm gần đây, nhiều địa phương đã quan tâm đến đào tạo trẻ nên hàng năm chúng ta đều có lứa cầu thủ tốt có chất lượng chuyên môn, đó là một định hướng quan tâm đúng đắn.
- Vậy ông nhìn nhận như thế nào về sự phát triển rầm rộ của các trung tâm bóng đá cộng đồng mở ra gần đây?
Tôi nghĩ rằng là sự phát triển liên quan hiệu ứng của ĐTQG. Không phải mới đây mà từ lứa của Công Phượng cách đây 4, 5 năm đã tạo một niềm tin cho người hâm mộ về bóng đá và từ đó có sự tác động chứ không phải bây giờ. Và những thành tích của ĐT Việt Nam gần đây cũng có sự tác động lớn đến sự đầu tư của địa phương về đào tạo trẻ.
Bởi thế ngoài sự quan tâm của bóng đá trẻ thì bóng đá học đường, bóng đá cộng đồng cũng có dấu hiệu tốt và trở thành nền tảng tốt cho bóng đá Việt Nam trong tương lai.
- Với số lượng các trung tâm bóng đá lớn như vậy, liệu có cần sự điều chỉnh gì kể các trung tâm có thể kết nối với nhau thay vì tự hoạt động, tự phát?
Nếu chúng ta nói tự phát chưa đúng lắm. Thực ra mỗi trung tâm có triết lí riêng, có sự kết nối, hợp tác riêng. Chẳng hạn 1 số trung tâm, CLB có kết nối hợp tác như HAGL, TP Hồ Chí Minh, PVF… mỗi nơi có 1 trường phái riêng, tính đa dạng trong đào tạo sẽ có nhiều thuận lợi.
Còn triết lí, lối chơi tùy thuộc vào mỗi CLB, chúng ta hình thành một lối chơi cho ĐTQG. Những đội bóng có thành tích những năm gần đây chúng ta cũng cần để ý xem họ có lối chơi như thế nào, cách đào tạo ra sao để đem lại thành tích. Tôi nghĩ Hà Nội FC cũng là 1 điển hình những nhà chuyên môn chúng ta cần theo dõi và nghiên cứu vì họ vô địch nhiều lần trong thời gian ngắn và lối chơi họ phù hợp như thế nào… Tôi nghĩ đó cũng là một cách mà ĐT Việt Nam cần xem xét tới.
- Xin cảm ơn ông !
Âu Bằng (SHTT)