Tự truyện Phút 89 của Lê Công Vinh vẫn đang là tâm điểm chú ý của bóng đá Việt Nam khi đề cập tới nhiều nhân vật nổi tiếng, chạm tới những vấn đề gai góc. Trong danh sách người nổi tiếng được Công Vinh nhắc tới, có cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam Alfred Riedl. Zing.vn đã liên hệ với chiến lược gia người Áo để lắng nghe những phản biện từ ông.
Công Vinh đã nhầm lẫn về nhiều vấn đề
- Cuốn tự truyện của Công Vinh đã dành rất nhiều trang để nói về ông. Cựu đội trưởng tuyển Việt Nam kể rằng anh không được HLV Riedl trao cơ hội dù giành Quả bóng vàng từ năm 19 tuổi (2004). Tại sao ông không lựa chọn Công Vinh?
- Trước hết, tôi (và chắc chắn là tất cả những HLV khác) đều chọn những cầu thủ tốt nhất mà mình có. Bộ khung của đội hình có thể duy trì vài năm đặc biệt là ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Một cầu thủ có thể đá chính hoặc có thể dự bị, chuyện này đâu phải điều gì đó quá đặc biệt.
Thời điểm ấy, Văn Quyến và Phan Thanh Bình là những tiền đạo chủ lực của U23 Việt Nam. Họ cũng là những người đá chính trong đội hình tuyển quốc gia ở trận gặp Hàn Quốc tại Oman (vòng loại Asian Cup 2004 hồi năm 2003). Trận đó, chúng tôi đã chiến thắng đầy cảm xúc với tỷ số 1-0, Văn Quyến là người ghi bàn duy nhất.
Văn Quyến lúc đó là lựa chọn số một của đội tuyển. Anh ấy là một tiền đạo vô cùng, vô cùng xuất chúng. Trước các đối thủ mạnh, chúng tôi thường dùng Văn Quyến và một tiền đạo khác hỗ trợ tuyến tiền vệ. Giữa Vinh và Bình, Bình là người hỗ trợ phòng ngự tốt hơn.
- Ông vừa nhắc tới Phan Thanh Bình. Đó cũng là một nhân vật có tên trong cuốn sách. Công Vinh bảo ông để Bình đá chính vì “thương Bình như con”. Điều đó có đúng không?
- Những điều Vinh đã viết đơn giản là hoàn toàn sai. Bất chấp việc tôi là HLV khá bảo thủ (bạn hiểu bảo thủ theo nghĩa nào cũng được), tôi luôn sẵn sàng thực hiện các thay đổi.
Nguyên tắc của tôi là đối xử bình đẳng với tất cả cầu thủ. Nhưng với những cầu thủ có thể nói một chút tiếng Anh, tôi có thể nói chuyện với họ nhiều hơn mà không cần người phiên dịch. Đó chắc là lý do khiến Vinh có một chút ghen tị.
- Vậy còn trận gặp Qatar tại vòng loại cuối Olympic Bắc Kinh hồi năm 2007 thì sao? Công Vinh bảo ông cố tình mang đội hình chính thức tới Qatar để “thể hiện” với đối tác dù đó là trận cầu thủ tục của tuyển Việt Nam?
- Công Vinh đã nhầm lẫn về vấn đề này. 2007 là một năm mệt mỏi cho các cầu thủ và ban huấn luyện. Nhiều tuyển thủ đã phải thi đấu rất nhiều. Sau khi trở thành đội bóng duy nhất của Đông Nam Á có mặt tại tứ kết Asian Cup, chúng tôi đã thua nhà vô địch tương lai Iraq. Tuyển Việt Nam vẫn phải chơi thêm vài trận nữa trước khi tham dự SEA Games 2007.
Tôi đã cố gắng để cân bằng giữa việc mang đội hình vừa phải tới Qatar và việc cho một số khác nghỉ ngơi trước SEA Games. Họ phải hiểu rằng tôi sẽ không bao giờ đưa đội hình dự bị ra sân trong một trận cầu quốc tế.
Thua đậm ở đấu trường này không bao giờ là điều tốt cho các tuyển thủ, cho đội tuyển, cho Liên đoàn và cho người hâm mộ.
Thêm nữa, tôi phải khẳng định mình không hề đàm phán với người Qatar và cũng chưa nhận được đề nghị công việc nào từ họ. Tôi không hiểu sao Vinh có thể suy nghĩ như vậy?
Những pha chuyền bóng của Tấn Tài cho Công Vinh ghi bàn Trong tự truyện "Phút 89", Công Vinh tiết lộ việc Tấn Tài, Văn Quyết không chuyền bóng cho anh. Thực tế, Công Vinh từng nhiều lần ghi bàn từ đường chuyền của Tấn Tài. |
- Một ý kiến khác của Công Vinh chỉ trích ông bảo thủ và lệ thuộc vào lối chơi chồng biên. Ông nói thế nào về điều này?
- Chiến thuật của trận đấu phụ thuộc vào chất lượng cầu thủ nhưng cũng phụ thuộc cả vào đối thủ nữa. Rất khó để chơi bóng tại Đông Nam Á theo phong cách Barcelona.
Tôi không tức giận nhưng sách của Công Vinh cần đính chính nhiều điểm
- Khi hai người còn làm việc chung, Công Vinh đã bao giờ góp ý cho ông về những điều này? Hay anh ta luôn giữ kín nó và bây giờ mới công bố?
- Tôi không nhớ liệu Vinh đã từng nói với mình về những chi tiết chiến thuật quan trọng chưa. Nhưng tôi không nghĩ rằng mình đã từng nghe quá nhiều về chiến thuật ở đội tuyển. Tôi thường chỉ nói nhiều về chiến thuật với các thành viên ban huấn luyện, đặc biệt là HLV Mai Đức Chung (một chiến lược gia giỏi và một người đàn ông tốt bụng).
Tôi đã gặp lại Vinh hồi năm 2014 và 2016 (hai kỳ AFF Cup mà ông Riedl dẫn dắt Indonesia - PV). Đương nhiên, chúng tôi không nói về chuyện quá khứ. Tại sao nhỉ? Điều đó đâu còn quan trọng nữa. Chúng tôi đường ai nấy đi rồi.
- Trước khi ông lên tiếng, nhiều nhân vật trong giới bóng đá Việt Nam đã phản ứng lại tự truyện của Công Vinh. Theo ông, anh ta có động cơ gì khi đưa ra quá nhiều thông tin bất lợi cho người khác như vậy?
- Tôi sẽ cố gắng trả lời tất cả các câu hỏi của bạn. Nhưng tôi sẽ không chỉ trích ai hết.
Vinh có phải cầu thủ ích kỷ không ư? Tôi chưa từng nhìn thấy Vinh ích kỷ trong các trận đấu. Anh ấy là cầu thủ có lối chơi đồng đội và sở hữu nhiều kỹ năng cá nhân nổi bật. Anh ấy biết mình vẫn là một thành viên trong đội bóng (dù là một thành viên quan trọng). Vinh cũng giữ được sự ích kỷ cần thiết mà một tiền đạo cần có - giống như Quyến hay Bình.
Tôi sẽ không tranh cãi về việc một cầu thủ luôn đặt lợi ích của mình lên trên đội tuyển quốc gia. Nhưng rõ ràng, bất kỳ ai cũng muốn chơi bóng và muốn thể hiện.
- Công Vinh là học trò cũ của ông. Cách viết của Vinh có khiến ông tức giận?
- Tôi không tức giận với Công Vinh dù nhiều câu trong cuốn sách (đầy cảm xúc) của anh ta cần được thảo luận và đính chính lại. Anh ta vẫn là một chàng trai trẻ. Chúng tôi đã gặp nhau vài lần sau khi tôi rời Việt Nam. Chúng tôi vẫn luôn thân thiết với nhau.
- Liệu chúng tôi sẽ gặp lại ông ở Việt Nam chứ? Và biết đâu, ông sẽ gặp lại cả Công Vinh?
- Tôi và vợ đã có rất nhiều ký ức đẹp ở Việt Nam. Chúng tôi dự định sẽ quay lại, dành nhiều thời gian ở đây và thăm lại những nơi chốn cũ.
Tôi cũng hy vọng một ngày nào đó, mình sẽ gặp lại Công Vinh và uống bia 333 với cậu ấy. Mỗi lần gặp nhau, tôi chỉ cần ôm Vinh thật chặt và chúng tôi sẽ lại có một cuộc trò chuyện thân tình.
Theo Minh Chiến (Tri Thức Trực Tuyến)