1. So với án phạt mà VFF từng đưa ra cho Quế Ngọc Hải sau cú vào bóng "giết chết" sự nghiệp của Trần Anh Khoa, sự trừng phạt dành cho Ngô Hoàng Thịnh là nặng hơn rất nhiều. Án phạt cấm thi đấu 9 tháng của Quế Ngọc Hải ngày nào, thực ra chỉ là 5 trận. Thậm chí trung vệ xứ Nghệ còn được giảm án, để có thể lên tập trung ĐTQG dưới sự dẫn dắt của HLV Hữu Thắng.
Án phạt tiền mà Quế Ngọc Hải phải nhận hơn 5 năm về trước nặng kỷ lục, song với sự "chung tay giúp sức" của bầu Đức cùng cổ động viên và CLB SLNA, lại trở nên "nhẹ tênh" với anh.
Quế Ngọc Hải xứng đáng với một bản án nặng hơn, bởi pha vào bóng ấy đã tước đi sự nghiệp của Trần Anh Khoa, và là cú triệt hạ ác nghiệt nhất mà bóng đá Việt Nam từng chứng kiến. Song với SLNA, anh là một "tài sản" quý, và với ĐTQG Việt Nam, anh là một cầu thủ trụ cột. Bởi vậy, bản án tưởng chừng như mang tính răn đe cực mạnh ấy, hóa ra "có cũng như không".
"Có cũng như không", là bởi chỉ 1 năm sau "bản án khủng" ấy, trung vệ này lại tiếp tục có cú vào bóng "không chút xót thương nào" vào thẳng cổ chân của một cầu thủ Nhật Bản trong trận giao hữu của ĐTQG Việt Nam với CLB Avispa Fukuoka.
Người ta bảo rằng sau bản án nặng phải nhận vì cú vào bóng với Anh Khoa, Quế Ngọc Hải đã trưởng thành hơn rất nhiều và từ bỏ lối chơi bạo lực đậm nét SLNA ngày xưa. Nhưng đấy chỉ là cảm giác khi trung vệ này chơi rất tốt dưới triều đại của HLV Park Hang-seo, và được ông thầy người Hàn Quốc tin tưởng giao chiếc băng đội trưởng ĐTQG.
Mới cách nay có 2 năm, hơn 3 năm sau ngày "nhận án" từ cú vào bóng khiến Anh Khoa giải nghệ, Quế Ngọc Hải nhận án phạt nặng thứ hai sau "cú ra đòn" năm 2015 của VFF. Trung vệ này lĩnh án treo giò 4 trận, cùng 20 triệu đồng sau cú phi gầm giày vào ống đồng của Văn Kiên trong trận Viettel gặp CLB Hà Nội.
Cú vào bóng ấy không khiến Văn Kiên phải giải nghệ như Anh Khoa, cũng không khiến cầu thủ CLB Hà Nội gãy chân như Hùng Dũng, nhưng cũng đã kịp để lại những vết giày đinh rợn người trên cả hai chân của anh. Đáng nói, tình huống ấy diễn ra trên phần sân của CLB Hà Nội, và trọng tài chỉ rút thẻ vàng phạt trung vệ xứ Nghệ.
"Như vậy là chúng ta có thể thấy là chiếc "máy cắt cỏ" đã trở lại. Suốt mấy tháng trời đeo băng thủ quân đội tuyển quốc gia đã phải kiềm chế rồi, bây giờ Quế Ngọc Hải vẫn nhớ rằng mình còn có chiếc gầm giày.
Anh đi loại giày gì vậy nào? Chúng ta hãy cùng phân tích đế giày của Hải, nhưng là với bản photo trực tiếp trên ống đồng của Văn Kiên.
Hãy nhìn 4 vết đinh còn in trên ống đồng bên phải của Văn Kiên. Đây có thể là hai hàng đinh trong mẫu giày Nike Tiempo mới nhất. Khoảng cách giữa các đinh cho thấy đây là một đôi giày cỡ tối thiểu cũng phải là 42. Vết đinh nằm khá cao lên phía đầu gối có vết mờ dần chứng tỏ pha vào bóng khéo léo đi ra ngoài phần có ống quyển bảo vệ và va chạm không phải là trực diện. Cái khéo léo nữa là cả hai chân của Văn Kiên đều có vết đinh giày ở vị trí hết sức cân đối. Vết bên chân trái thì sâu hơn, có thể là đinh từ gót giày".
BLV Quốc Khánh phân tích pha bóng của Quế Ngọc Hải với Văn Kiên trên chương trình "Bình luận thể thao" của VTV1.
2. "Ngày xưa Quế Ngọc Hải đạp người ta suốt, rồi mọi người vẫn xem anh là người hùng, anh vẫn mang băng thủ quân đấy thôi", một KOL đã viết như thế sau khi Hùng Dũng gãy chân vì cú vào bóng ác nghiệt của Ngô Hoàng Thịnh, để khẳng định luận điểm của mình rằng pha vào bóng ấy, cũng như những pha vào bóng của Quế Ngọc Hải, chỉ là "chẳng may thôi", "tất cả đều không cố tình".
Quả tình, những cú đạp của Quế Ngọc Hải, của Ngô Hoàng Thịnh liệu có là cố tình hay không, chỉ có họ mới biết được. Và quả tình là Quế Ngọc Hải "không bị làm sao" thật, người hâm mộ vẫn xem anh như người hùng, thầy Park vẫn trao băng thủ quân cho anh đấy thôi. Nhưng Ngô Hoàng Thịnh, liệu tiền vệ này sẽ "may mắn" như Quế Ngọc Hải?
Câu trả lời là không. Bởi Hoàng Thịnh còn lâu mới "giá trị" bằng Quế Ngọc Hải, và quan trọng nhất là trong khi Anh Khoa "vô danh", thì Hùng Dũng là cầu thủ quan trọng nhất, và được yêu mến nhất của đội tuyển Việt Nam.
Với Hoàng Thịnh, rồi án treo giò sẽ hết hạn vào cuối năm nay. CLB TP.HCM có thể vẫn đón nhận anh trở lại. Thế nhưng, người hâm mộ chắc hẳn sẽ khó lòng tha thứ, và sẽ không bao giờ quên cú tắc bóng ác nghiệt của tiền vệ năm nay đã 29 tuổi này.
Ngày trở lại, Ngô Hoàng Thịnh sẽ phải đối diện với việc người hâm mộ, khán giả sẽ quên sạch những cống hiến, chiến công của anh, mà chỉ nhớ đến sai lầm của "gã đồ tể" đá gãy chân của Hùng Dũng - cầu thủ cực kỳ quan trọng với ĐTQG Việt Nam. Sẽ kinh hoàng hơn nữa nếu tháng Sáu này, đội tuyển Việt Nam không thể vượt qua vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, bởi sự thiếu vắng Hùng Dũng.
Ở tuổi 30, Ngô Hoàng Thịnh sẽ không có nhiều lựa chọn. Bên cạnh đôi chân nặng nề hơn vì tuổi tác, là cái đầu luôn nặng trĩu khi phải ra sân với tâm thế luôn lo sợ trong từng pha vào bóng với đối phương, luôn lo sợ sự miệt thị từ khán giả.
Ngô Hoàng Thịnh chắc chắn sẽ mất nhiều, thậm chí là mất tất cả ở thời điểm nhạy cảm nhất của sự nghiệp. Nhưng sự mất mát ấy là cần thiết cho bóng đá Việt Nam.
Là bởi, với án phạt ấy, trọng tài mới không còn chỉ rút tấm thẻ vàng "nhẹ tênh" cho những pha xoạc bóng ghim gầm giày vào chân đối phương như của Quế Ngọc Hải với Văn Kiên, và VFF không còn ra những bản án "nhẹ tênh" như với trung vệ đội trưởng ĐTQG Việt Nam hơn 5 năm về trước.
Trận bán kết "nảy lửa" giữa U15 SLNA và U15 Viettel. |
Và quan trọng nhất, bản thân các cầu thủ trẻ SLNA qua bản án ấy, cũng có được sự nhận thức đầy đủ về lối đá "máu lửa" đã trở thành truyền thống. Gần 4 năm về trước, các cầu thủ U15 SLNA khiến người ta phải ngán ngẩm khi trình diễn hàng loạt pha "ăn chân" bằng gầm giày trong trận bán kết giải U15 Quốc gia trước các cầu thủ trẻ Viettel.
Lứa cầu thủ SLNA ấy giờ đã lớn, đã chập chững bước vào bóng đá chuyên nghiệp, và với sự nương tay của trọng tài ngày ấy, sự dung dưỡng của các thầy, cái lúc mà họ tự hại mình, hại người, hại bóng đá Việt Nam, phải chăng chỉ còn là thời gian nếu không có bản án có thể sẽ "đặt dấu chấm hết" cho sự nghiệp của Ngô Hoàng Thịnh?
Theo Lam Chi (Pháp luật và Bạn đọc)