Công Phượng thực sự đã đi phát tờ rơi?
Chiều ngày 30/06/2016, sau buổi tập Công Phượng cùng một số cầu thủ Mito Hollyhock đã xuất hiện trước ga tàu điện Mito để phát tờ rơi cho người qua lại. Hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện quảng bá cho trận đấu giữa Mito Hollyhock và Matsumoto Yamaga tại J2 League.
Lần đầu góp mặt trong hoạt động quảng bá kiểu như vậy, Công Phượng đã tỏ ra rất tích cực. Tiền đạo xứ Nghệ tươi cười chào hỏi những người qua đường với vốn tiếng Nhật chưa thực sự dày và mời họ tới theo dõi trận đấu.
Tham dự cùng với Công Phượng hôm ấy còn có ngôi sao của đội bóng Kazuhiro Sato. Chân sút người Nhật Bản đặc biệt hào hứng khi được trực tiếp gặp gỡ người hâm mộ. Anh nói chuyện, tươi cười và sẵn lòng chụp hình cùng họ. Một số cầu thủ quan trọng khác như Tamukai, Yamamura, Hyodo cũng có mặt ở nhà ga ngày hôm ấy.
Rất tiếc, Công Phượng lại không được ra sân trong trận đấu gặp Matsumoto Yamaga. Trên băng ghế dự bị, anh chứng kiến đội nhà dẫn 2-0 rồi để thua ngược 2-3 trước thủ vượt trội về nhiều mặt.
Nỗi oan của Công Phượng và điều đáng học hỏi từ Mito Hollyhock
Hình ảnh Công Phượng đi phát tờ rơi lâu nay vẫn thường được lấy làm biểu tượng của một "hợp đồng thương mại". Thực tế, sự xuất hiện của Phượng ngày đó cũng đem lại không ít lợi ích về mặt kinh tế cho Mito Hollyhock nói riêng và tỉnh Ibaraki nói chung.
Nhưng chuyện các CLB khai thác hình ảnh cầu thủ là quá bình thường. Khi đưa Công Phượng sang Nhật, chắc chắn bầu Đức chắc chắn đã mong muốn cầu thủ con cưng có thể tỏa sáng. Tuy nhiên, mong muốn ấy lại không thành sự thật vì nhiều lý do. Trong đó, lý do quan trọng nhất là Công Phượng khi ấy còn quá ít kinh nghiệm, chưa sẵn sàng cho J2 League.
Quyết định sang Nhật ngày đó của Phượng là rất dũng cảm. Anh không đáng bị chì chiết bằng cụm từ "hợp đồng thương mại". Và Mito Hollyhock cũng không đáng bị trách cứ bởi đã đưa Công Phương ra ga tàu điện ngày hôm ấy. Ngược lại, cách làm của đội bóng Nhật Bản lại rất đáng để V.League học hỏi.
Từ rất lâu trước khi chiêu mộ Công Phượng và cho đến mãi gần đây, Mito Hollyhock vẫn có thói quen đưa các cầu thủ ra nhà ga hay trung tâm thương mại để trực tiếp quảng bá cho CLB. Đó là một phần trong chiến dịch xây dựng hình ảnh và thu hút người hâm mộ rất bài bản.
Kết quả rất đáng khích lệ, hội CĐV Mito Hollyhock ngày càng đông hơn. Lượng khán giả đến sân tăng dần và đạt mức kỷ lục vào mùa giải 2019 (trước khi dịch Covid-19 bùng phát) với trung bình 6087 khán giả/trận.
Mito Hollyhock rất nhanh nhạy trong việc phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người hâm mộ. Dịch Covid-19 xuất hiện, mặt hàng khẩu trang có in logo đội bóng nhanh chóng xuất hiện trên quầy hàng. Các cầu thủ Mito Hollyhock cũng cùng nhau dành ra một ngày quản lý gian hàng online để cảm ơn CĐV.
Không như nhiều CLB V.League sống bằng "bầu sữa" từng ông bầu, Mito Hollyhock phải tự thân vận động. Chính vì thế, họ luôn ý thức được việc gắn bó và mở rộng cộng đồng người hâm mộ.
Ngoài ra, Mito Hollyhock cũng năng nổ trong việc thu hút nhà tài trợ. Ngoài 4 đối tác hàng đầu, đội bóng này có hợp đồng với trên dưới 100 nhãn hàng khác nhau, từ thực phẩm, xe hơi đến đồ gia dụng. Tất cả giúp tạo nên một nền tảng bền vững cho đội bóng.
Cao Văn Triền và Trần Danh Trung đã sẵn sàng?
Vào tháng 7 tới, 2 cầu thủ Cao Văn Triền và Trần Danh Trung sẽ gia nhập FC Ryukyu. Đội bóng này có rất nhiều điểm tương đồng với Mito Hollyhock. FC Ryukyu đang trên đà phát triển và cũng vừa đạt con số khán giả đến sân kỷ lục vào mùa giải J2 League 2019, cho đến trước thời điểm bóng đá bị ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Tương tự Mito Hollyhock, các cầu thủ FC Ryukyu cũng rất tích cực trong những hoạt động giao lưu gặp gỡ CĐV và không ngại ngần phát tờ rơi. Bên cạnh việc thi đấu, bộ đôi cầu thủ của Việt Nam chắc chắn sẽ góp mặt trong những sự kiện quảng bá cho hình ảnh đội bóng.
Làm quen với những các hoạt động kiểu như thế này cũng là một cách để tiến gần hơn tới sự chuyên nghiệp theo phong cách bóng đá Nhật Bản.
Theo Man Wol (Pháp luật và Bạn đọc)