Nỗi buồn của Xuân Trường
Trận lượt về với Philippines chứng kiến Xuân Trường trở lại đội hình xuất phát. Đó là một lựa chọn gây ngạc nhiên của HLV Park Hang-seo bởi từ sau trận gặp Myanmar - nơi Trường chơi tệ và bị thay ra sau hiệp 1 - anh đã không còn được đoái hoài nữa. Ông Park dường như đã tìm được một bộ đôi tiền vệ trung tâm ưng ý là Hùng Dũng và Đức Huy, những người đã đá chính và đá trọn vẹn hai trận liên tiếp, gặp Campuchia và bán kết lượt đi với Philippines.
Nhưng cũng sau trận lượt đi, ông Park đã phàn nàn về chất lượng của những đường chuyền ra sau lưng hàng thủ đối phương. Đó có thể là lý do ông quyết định trao thêm cơ hội cho Xuân Trường, bên cạnh việc Hùng Dũng gặp chút vấn đề về thể lực trước trận. Trong tất cả các tiền vệ trung tâm của Việt Nam ở AFF Cup 2018, không cầu thủ nào có thể tung ra những đường chuyền cự ly trung bình và dài tốt hơn ngôi sao của HAGL.
Tuy nhiên, nếu xem trận gặp Philippines tại Mỹ Đình là một màn "thử vai" khác của Xuân Trường cho một suất trên hàng tiền vệ ở hai trận chung kết, rõ ràng anh đã thất bại. Hình ảnh Xuân Trường thẫn thờ rời sân ở phút 60 nói lên tất cả. Anh đã có một trận đấu không tốt, và anh biết điều đó. Trước một Philippines chủ động tạo ra thế trận thiếu ổn định bằng cách chuyền dài khi có bóng và đá rát, thậm chí phạm lỗi khi không bóng, một cầu thủ ở vị trí và vị thế của Xuân Trường phải tìm được cách kiểm soát nhịp độ, đưa trận đấu trở lại thế ổn định có lợi cho đội nhà. Nhưng anh đã không làm được điều đó. Anh cũng KHÔNG có được một đường chuyền sáng nước nào.
Trận đấu của Xuân Trường có lẽ đã khép lại ở phút 54, khi anh - trong tư thế thoải mái - chuyền một đường bóng khó hiểu về hướng phải, trong khi Anh Đức đang di chuyển rất thoáng ở hướng đối diện.
Bất ổn nhân sự hàng tiền vệ
Nỗi buồn của Trường cũng chính là nỗi lo của HLV Park Hang-seo. Từ đầu giải tới giờ, ông đã xoay đủ kiểu, nhưng vẫn chưa tìm được một cặp tiền vệ trung tâm ưng ý. Trong kế hoạch của ông, Xuân Trường và Quang Hải sẽ là cặp tiền vệ trung tâm chính thức. Nhưng kế hoạch này chỉ tồn tại được tới hết 3 trận đầu tiên ở vòng bảng thì bị phá sản, bởi việc kéo Quang Hải về hàng tiền vệ vừa khiến cho sức công của đội tuyển giảm đi, lại vừa ảnh hưởng tới khả năng phòng ngự từ xa.
Với tất cả sự tôn trọng dành cho Quang Hải, một tài năng thuộc dạng hiếm của bóng đá Việt Nam, vẫn phải khẳng định rằng anh không phù hợp, hay chưa đủ độ chín, để có thể chơi được ở vị trí tiền vệ trung tâm. Tiếng nói bản năng của một cầu thủ tấn công ở bên trong Hải vẫn còn quá lớn, nên nhiều thời điểm anh hầu như không để ý tới việc phải duy trì kỷ luật chiến thuật, và đẩy đội bóng và thế khó.
Như trong tình huống dưới đây, ở trận đấu thuộc vòng bảng với Malaysia - đối thủ mà Việt Nam sẽ gặp lại trong các trận chung kết - Hải đã rời quá xa vị trí trong một nỗ lực gây sức ép với đối phương. Anh dễ dàng bị vượt qua. Phía sau anh, các đồng đội khác, trong đó có Xuân Trường, không kịp hỗ trợ. Kết quả là đối phương đánh thẳng vào mặt hàng thủ, buộc Duy Mạnh phải rời vị trí. Ở pha bóng này, Mạnh đã bị vượt qua, rất may là sau đó cầu thủ Malaysia lại không khai thác được khoảng trống mà trung vệ người Hà Nội bỏ lại.
Cách chọn vị trí không phù hợp cũng khiến anh thất bại trong một nhiệm vụ khác cũng rất quan trọng của cặp tiền vệ trung tâm: chống phản công. Nếu không phải dâng lên quá cao, thì Hải có thể lại lùi xuống... quá thấp. Như trong tình huống dưới đây, cũng ở trận gặp Malaysia, Hải đã chọn đứng ngay sau lưng Xuân Trường. Khi Việt Nam mất bóng, cả Hải lẫn Trường đều không kịp gây sức ép với cầu thủ có bóng của đối phương, để anh ta dễ dàng đưa bóng thoát đi bằng một đường chuyền hướng ra trung lộ:
Sau trận đấu với Myanmar, HLV Park Hang-seo quyết định thời gian dành cho cặp Xuân Trường - Quang Hải thế là hết. Trường bị đẩy lên ghế dự bị, Hải được trả lại hàng công, và cặp tiền vệ mới là Hùng Dũng - Đức Huy. Về lý thuyết thì đây là sự lựa chọn an toàn. Cả Hùng Dũng lẫn Đức Huy đều là người của CLB Hà Nội nên quá hiểu nhau. Và họ đều là những cầu thủ có khả năng phòng ngự tốt. Ý thức vị trí, khả năng tranh chấp đều ổn.
Nhưng được mặt này thì mất mặt kia. Với Hùng Dũng và Đức Huy, khả năng tranh chấp, che chắn từ xa của Việt Nam tốt hơn. Nhưng họ lại không đóng góp được nhiều vào những pha lên bóng. Không ai chuyền dài tốt như Trường. Và không ai có thể dẫn bóng vượt qua một vài lớp phòng ngự của đối phương theo cách của Hải. Điều đó khiến cho gánh nặng dồn lên bộ đôi tiền vệ công trở nên quá lớn. Họ vừa phải tự tổ chức tấn công khi có bóng, vừa phải nhanh chóng lui về hỗ trợ phòng ngự khi không có bóng.
Lối chơi thiếu sự ổn định
Cũng bởi chưa tìm được một bộ đôi tiền vệ ưng ý, một bộ đôi có thể mang tới sự cân bằng giữa phòng ngự và tổ chức, lối chơi của Việt Nam ở AFF Suzuku Cup 2018 về cơ bản là thiếu tính ổn định. Chúng ta có được thành tích tốt phần nhiều là nhờ vào khả năng xoay xở của HLV Park Hang-seo, và khả năng tận dụng cơ hội từ các pha chuyển trạng thái xuất sắc của các cầu thủ. Trừ hai trận gặp Lào và Campuchia, những đối thủ quá yếu, trong tất cả các trận còn lại, chúng ta đều kiểm soát bóng ít hơn đối thủ.
Có nhiều lý do dẫn tới việc lối chơi của đội tuyển thiếu sự ổn định. Thứ nhất là ý đồ. Giải này, Việt Nam sử dụng rất nhiều pha phối hợp mà trong đó các hậu vệ chuyền thẳng lên cho các tiền đạo bằng những đường chuyền xuyên tuyến hay vượt qua, coi như bỏ qua cặp tiền vệ trung tâm.
Trong tình huống trên, ở trận lượt về với Philippines, nếu Văn Hậu muốn, anh có thể giật bóng lại để tổ chức một pha lên bóng chỉn chu, có thể bằng cách chuyền về cho Quế Ngọc Hải, hoặc là chuyền vào giữa cho Đức Huy, người đã sẵn sàng hỗ trợ. Nếu xoay tốt, bóng có thể tới được vị trí của Quang Hải lúc anh vẫn còn chưa bị ai theo kèm. Nhưng cuối cùng, Hậu quyết định chuyền dọc sân cho Văn Đức đua tốc độ. Pha tấn công thất bại.
Nhưng nhiều khi, sự thiếu ổn định còn xuất phát từ những vấn đề trong cách triển khai lối chơi. Theo nguyên tắc thì khi một cầu thủ có bóng, anh ta phải có ít nhất là 2 lựa chọn chuyền bóng, để tạo thành một tam giác. Một đội bóng càng tạo được nhiều tam giác kiểu như thế trên sân thì khả năng kiểm soát bóng càng tốt. Nhưng trong tình huống dưới đây, khi nhận đường chuyền cơ bản là tốt từ Quang Hải, Đức Huy không có lựa chọn chuyền bóng nào:
Cả hai tiền đạo Văn Đức và Anh Đức đều không có nhu cầu di chuyển lại gần để hỗ trợ Đức Huy. Xuân Trường đang ở phía sau, và cũng quá xa. Trong khi đó, hai cầu thủ của đối phương thì đang gây sức ép rất quyết liệt. Đức Huy chỉ có hai lựa chọn, hoặc là cầm bóng dốc lên phía trước, điều mà anh không mạnh. Hoặc là giật lại cố gắng thoát pressing, điều anh đã làm, và thất bại.
Và cuối cùng, sự thiếu ổn định còn xuất phát từ yếu tố con người. Ở khả năng đưa ra quyết định dưới áp lực của các cầu thủ. Trong tình huống dưới đây, khi Đức Huy có bóng, trái ngược với tình huống trên, Văn Đức đã lùi lại sẵn sàng hỗ trợ. Nhưng thay vì chuyền vào khoảng trống mà Văn Đức đang hướng tới (theo mũi tên xanh), Đức Huy lại chọn đá một cú rất dài lên phía trên, chẳng cho ai cả.
Người ta hay gọi đó là pha chuyền bóng "theo bài". Nhưng có thể là chẳng có bài nào cả. Chỉ đơn giản là Huy bị sức ép của các cầu thủ Philippines làm cho cuống và chuyền bừa, khi chưa kịp quan sát. Và chúng ta có thể đếm được hàng chục pha bóng kiểu như thế trong các trận đấu đã qua của đội tuyển. Chính những pha bóng như thế đã khiến cho lối chơi của đội tuyển bị vụn, và ít khi tạo được một cái nhịp ổn định.
Tại sao cần sự ổn định?
Tất nhiên, sẽ có nhiều người nói rằng kiểm soát bóng ít mà vẫn thắng thì có nghĩa là mọi chuyện vẫn ổn. Đúng thế. Mọi chuyện vẫn ổn. Chúng ta đã vào chung kết sau khi thắng 5 trong 6 trận từ đầu giải. Tuy nhiên, chiến thắng trên nền tảng là một lối chơi thiếu ổn định là một chiến thắng không bền. Hệ lụy của việc không tổ chức được những pha lên bóng bài bản qua các tiền vệ trung tâm là không hề ít.
Chẳng hạn, khi tuyến tiền vệ không giữ được bóng, thì hai wingback (cầu thủ chạy cánh) sẽ không dám dâng cao. Khi họ không dâng cao, thì những pha tấn công sẽ trở nên manh mún, do vừa thiếu người, vừa thiếu chiều rộng. Các tiền vệ cánh của đối phương cũng không cần lùi về, và sức ép lên hàng thủ vì thế sẽ không giảm đi. Và, như đã nói ở trên, gánh nặng đè lên vai các tiền vệ công - như Quang Hải, Văn Đức - sẽ là quá lớn.
Để hiểu tại sao cần sự ổn định trong những pha lên bóng, hãy xem xét một vài tình huống cụ thể.
Trên đây là tình huống thuộc chuỗi những tình huống đã dẫn tới bàn mở tỉ số ở trận gặp Malaysia. Trong bàn thắng này, các cầu thủ Việt Nam đã chuyền cho nhau liên tục 21 đường, và bóng qua chân 9 trên 11 cầu thủ. Nhờ triển khai được một chuỗi chuyền bóng dài như thế, ở tình huống Xuân Trường nhận bóng, Việt Nam đã đạt được trạng thái tấn công tối ưu. Hai wingback đã dâng cao, chiếm được những khoảng trống ở hai cánh. Hai tiền đạo "ghim" bốn hậu vệ đối phương. Văn Đức đã lùi xuống chiếm lĩnh khoảng trống. Khi Xuân Trường chuyền bóng cho Văn Hậu, anh đã loại bỏ được 5 cầu thủ phòng ngự của đối thủ.
Ở một pha bóng khác, cũng ở trận gặp Malaysia, Xuân Trường lùi xuống nhận bóng từ các trung vệ. Lúc đó, anh đã lôi kéo về phía mình 3 cầu thủ đối phương. Cũng có nghĩa là có rất nhiều khoảng trống ở biên cho Trọng Hoàng dâng lên chiếm lĩnh. Nếu trong tình huống này, các trung vệ thay vì chuyền cho Trường mà lại chuyền dài lên, thì Trọng Hoàng có thể đã không có cơ hội dâng lên.
Trận lượt đi với Philippines chính là bằng chứng nặng ký nhất cho thấy tầm quan trọng của việc "kéo" các wingback tới gần khung thành của đối phương. Cả 2 bàn thắng của Việt Nam ở trận đấu đó đều tới từ những đường chuyền của các wingback. Hai cơ hội đáng kể nhất mà chúng ta tạo được trong hiệp 1 của trận lượt về, đều từ chân Văn Hậu (một quả tạt cho Quang Hải móc bóng và một quả căng ngang mà Anh Đức suýt ghi bàn), cũng xuất phát từ những pha lên bóng bài bản ở biên, với sự tham gia tích cực của các tiền vệ trung tâm.
Hai tiền vệ quá ít?
Thực ra, hệ thống hai tiền vệ trung tâm của Việt Nam là không thực sự an toàn với những con người hiện tại. Trong sơ đồ 3-4-2-1, những cầu thủ chơi phía trước hàng phòng ngự thường phải là những người có khả năng quản lý một vùng không gian rộng lớn, phán đoán và tranh chấp tốt. Trên thế giới, đội bóng gần nhất đoạt được một thành tích đáng kể với sơ đồ này là Chelsea của Antonio Conte, với chức vô địch Premier League mùa 2016-2017. Mùa đó, cặp tiền vệ trung tâm của họ là N'Golo Kante và Nemanja Matic.
Chúng ta không có những "con quái vật" như thế. Nên trong trường hợp đối phương triển khai bóng nhanh, cặp tiền vệ công còn chưa kịp lùi về, hai bên các tiền vệ trung tâm thường có những khoảng trống rất lớn. Điều nguy hiểm là những khoảng trống này xuất hiện ở khu vực thuộc "hành lang trong". Đấy là khu vực mà theo quan điểm của các HLV hiện đại là khu vực trọng yếu. Đội nào giỏi khai thác cơ hội đó thì sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng. Vì không như ở biên, ở hành lang trong, cầu thủ nhận bóng sẽ có rất nhiều lựa chọn chuyền những đường bóng nguy hiểm.
Ở trận đấu thuộc vòng bảng, Malaysia đã không ít lần khai thác được khoảng trống này để tạo ra những tình huống sóng gió.
Trong tình huống trên, có thể thấy rõ khoảng trống lớn ở hai bên hai tiền vệ trung tâm của chúng ta. Đối phương đã rất nhanh tấn công vào đây khi Công Phượng và Văn Đức còn chưa kịp lùi về. Khi tiền đạo của Malaysia giật xuống nhận bóng, trung vệ của chúng ta không có lựa chọn nào là phải rời vị trí để bám theo. Ở tình huống này, anh đã bị vượt qua, nhưng rất may là Malaysia đã không tận dụng được khoảng trống ở hàng thủ vừa mới xuất hiện.
Trong hai lần tái ngộ sắp tới, Malaysia chắc chắn sẽ tiếp tục mài giũa vũ khí để khai thác tốt hơn những kẽ hở trên tấm áo giáp của đội tuyển Việt Nam. Thêm một tiền vệ ở tuyến giữa, do đó, hoàn toàn có thể là giải pháp mà ông Park đang tính tới. Cách bố trí này thực ra ông Park đã làm rồi, cùng với đội U23 Việt Nam ở giải U23 Châu Á hồi đầu năm. Khi đó, Việt Nam thường xuất phát với 3 tiền vệ trung tâm là Quang Hải, Xuân Trường và Đức Huy. Khi có bóng, Hải sẽ dâng lên chơi gần các tiền đạo. Khi không có bóng, một trong hai tiền đạo sẽ lùi xuống ghép với các tiền vệ thành hệ thống phòng ngự 5-4-1.
Tất nhiên, đấy chỉ là suy đoán. Nhưng rõ ràng, HLV Park Hang-seo đã xoay đủ phương án nhân sự rồi nhưng vẫn chưa tìm được một bộ đôi tiền vệ trung tâm thật sự ưng ý. Những người phòng ngự tốt thì lại hơi thiếu sáng tạo. Những người chơi sáng tạo thì lại yếu về tranh chấp, dẫn tới việc không có bóng để mà... sáng tạo.
Vậy tại sao ông Park lại không thử "suy nghĩ ngoài chiếc hộp": thay vì loay hoay tìm ra hai người tốt nhất, sao không dùng hẳn ba người?
Theo Minh Khiêm (VnExpress.net)