Hai nhiệm kỳ ồn ào của bầu Đệ và kiểu làm bóng đá chẳng giống ai ở CLB Thanh Hóa

08/02/2021 11:30:30

Bầu Đệ bước chân vào bóng đá muộn hơn bầu Đức, bầu Hiển… và có cách làm bóng đá cũng rất khác. Ông đã giúp CLB Thanh Hóa vươn tầm, nhưng đi cùng với đó cũng là những ồn ào.

THÀNH CÔNG NHỜ LÀM BÓNG ĐÁ KIỂU KHÔNG GIỐNG AI

Năm 2011, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ được tỉnh đề nghị tiếp quản CLB Thanh Hóa, từ đó bắt đầu bước chân vào con đường bóng đá.

Những năm trước đó, đội bóng này luôn gặp khó khăn trong việc tìm nhà tài trợ và liên tục phải đổi tên. Thậm chí ở V.League 2009, nhà tài trợ còn bất ngờ rút lui, trả đội bóng lại cho tỉnh khi mùa giải mới diễn ra được nửa chặng đường.

Nhận lệnh tiếp quản, bầu Đệ ngay lập tức đưa ra một phương án rất hay để cứu đội bóng khỏi tình trạng sống lay lắt. Theo quan điểm của ông, CLB Thanh Hóa không phải tài sản cá nhân của riêng ai mà là đứa con tinh thần của người dân Thanh Hóa.

Bởi thế, thay vì phụ thuộc vào nguồn tiền của 1, 2 nhà tài trợ, hay tự bỏ tiền ra nuôi đội bóng như các ông bầu khác thường làm, bầu Đệ đã kêu gọi hơn 40 doanh nghiệp trong tỉnh chung tay, mỗi doanh nghiệp chỉ cần tài trợ 1 tỷ đồng. Như vậy, CLB Thanh Hóa đã có khoảng 40 tỷ đồng cho ngân sách hoạt động. Uy tín trong giới doanh nghiệp đã giúp bầu Đệ làm được điều này, góp phần đưa đội bóng sang một trang mới.

Hai nhiệm kỳ ồn ào của bầu Đệ và kiểu làm bóng đá chẳng giống ai ở CLB Thanh Hóa

Giai đoạn 2011-2015 khi bầu Đệ ngồi ghế chủ tịch, CLB Thanh Hóa chưa đến mức thành "đại gia", nhưng chắc chắn cũng không phải một đội bóng nghèo ở V.League. Từ vị thế của kẻ chỉ lay lắt ở nhóm dưới và lo trụ hạng, đội bóng xứ Thanh lột xác trở thành một thế lực mới, sẵn sàng ngáng đường bất cứ "ông lớn" nào.

Tiềm lực tài chính ổn định giúp CLB Thanh Hóa có thể đưa về những cầu thủ tốt, treo những khoản thưởng thắng trận đầy hấp dẫn. Đội bóng này giành hạng 3 V.League trong hai mùa giải 2014, 2015. Đồng thời sân Thanh Hóa cũng trở thành nơi có lượng khán giả đến cổ vũ thuộc tốp đầu V.League.

Tới năm 2019, sau khi đã rút lui được 4 năm, bầu Đệ bất ngờ trở lại và một lần nữa giúp vực dậy CLB Thanh Hóa khi ấy đang ngụp lặn trong khó khăn vì nhà tài trợ rút lui.

Nói bầu Đệ có công lớn với bóng đá Thanh Hóa cũng là vì thế.

Hai nhiệm kỳ ồn ào của bầu Đệ và kiểu làm bóng đá chẳng giống ai ở CLB Thanh Hóa - 1

NHƯNG ỒN ÀO CŨNG THEO KIỂU CHẲNG GIỐNG AI

Sự nhiệt huyết của bầu Đệ là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, cũng vì thế nhiều câu chuyện bi hài xuất hiện. Không phải đến nhiệm kỳ thứ hai (2019-2020) những ồn ào giữa bầu Đệ và HLV trưởng CLB Thanh Hóa mới xuất hiện.

Lâu nay, tấm hình bầu Đệ đứng trước sa bàn chỉ đạo chiến thuật cho các cầu thủ vẫn thường được đem ra để minh họa cho việc ông bầu này luôn muốn can thiệp vào chuyên môn của CLB Thanh Hóa.

Hai nhiệm kỳ ồn ào của bầu Đệ và kiểu làm bóng đá chẳng giống ai ở CLB Thanh Hóa - 2

Thậm chí, ông còn đặt ra chỉ tiêu cho HLV trưởng theo cách chẳng giống ai. Tại V.League 2014, bầu Đệ gây sốc khi có "tối hậu thư" với HLV Mai Đức Chung, yêu cầu bằng mọi giá phải đưa Thanh Hóa vào top 3 V.League. Nếu làm được, ông Chung được thưởng 400 triệu đồng, còn không thì bị phạt 400 triệu đồng.

Kết quả, HLV Mai Đức Chung nộp đơn xin từ chức sớm khi mùa giải vẫn còn 3 vòng đấu (Thanh Hóa lúc đó đang xếp thứ 3, nhưng chỉ hơn Đà Nẵng đúng 1 điểm).

Rồi đến sau này, hai HLV Nguyễn Đức Thắng (2019) và Nguyễn Thành Công (2020) đều chọn cách ra đi sau khi cảm thấy bị bầu Đệ can thiệp quá sâu vào vấn đề chuyên môn.

Hai nhiệm kỳ ồn ào của bầu Đệ và kiểu làm bóng đá chẳng giống ai ở CLB Thanh Hóa - 3

Có lẽ ít đội bóng nào lại tồn tại một "hội đồng kỹ thuật" do chủ tịch trực tiếp quản lý, yêu cầu HLV phải báo cáo mọi kế hoạch về chiến lược, chiến thuật, nhân sự cho từng trận đấu. Thậm chí nếu HLV trưởng muốn thay người trong trận đấu thì cũng phải xin ý kiến cả ban huấn luyện và biểu quyết.

Những người như HLV Mai Đức Chung, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Thành Công chọn cách lặng lẽ rời đi. Còn cá tính như HLV Lê Thụy Hải thì từng đuổi bầu Đệ ra khỏi phòng ăn của đội bóng, rồi sẵn sàng đền 3 tháng hợp đồng để được ra đi và khỏi phải làm việc với người "không biết gì". Thậm chí sau này khi gặp lại, HLV Lê Thụy Hải còn chủ động lơ đi khi bầu Đệ muốn bắt tay.

Hai nhiệm kỳ ồn ào của bầu Đệ và kiểu làm bóng đá chẳng giống ai ở CLB Thanh Hóa - 4

Trong nội bộ thì vậy, còn với ban tổ chức V.League và những ông bầu khác, bầu Đệ cũng có không ít lần xung đột. Đã có tới 4, 5 lần bầu Đệ dọa bỏ giải, rút CLB Thanh Hóa khỏi V.League vì những lý do khác nhau trong hai nhiệm kỳ của mình.

Và ông cũng từng gây sốt khi "cãi tay đôi" với bầu Đức ở buổi tổng kết V.League 2012 khi bị cho rằng "phát biểu 10 thì sai hết 8", rồi tự tổ chức họp báo để chỉ trích công tác trọng tài và ban tổ chức giải.

Đến khi bầu Đệ quyết định nghỉ làm bóng đá vào cuối năm 2020, mọi việc tưởng chừng như đã khép lại thì những ồn ào lại vẫn tiếp diễn. HLV Fabio Lopez kiện CLB Thanh Hóa lên FIFA vì bị sa thải mà không nhận được đền bù, ngoại binh Idrissa Sega Cisse cũng đòi bồi thường vì bị thanh lý hợp đồng lúc đang chấn thương.

Hai nhiệm kỳ ồn ào của bầu Đệ và kiểu làm bóng đá chẳng giống ai ở CLB Thanh Hóa - 5

FIFA sau khi xem xét kỹ lưỡng đều xác định lỗi thuộc về CLB Thanh Hóa và yêu cầu đội bóng này phải bồi thường. Số tiền đền bù cho hai vụ việc này lên đến hơn 250.000 USD và chủ mới của CLB Thanh Hóa (bầu Đoan) tuyên bố sẽ không chịu trách nhiệm thay bầu Đệ.

Câu chuyện giữa bầu Đệ và bóng đá Thanh Hóa sẽ tiếp diễn ra sao? Câu trả lời vẫn còn đang bỏ ngỏ. Rõ ràng không thể phủ nhận công lao của ông bầu này với bóng đá quê hương. Tuy nhiên, cách làm trong những năm qua cũng khiến bầu Đệ phải nhận về nhiều điều tiếng, chỉ trích từ các phía.

Bầu Đệ là một người có tư duy cấp tiến và rất giỏi trong việc kinh doanh. Nhưng có lẽ khi làm bóng đá, mọi việc lại khó khăn hơn kinh doanh rất nhiều?!

Theo Linh Đan (Pháp Luật & Bạn Đọc)

Nổi bật