Amsterdam tối 13/10/2015. Những tiếng ồn ào quen thuộc từ Johan Cruyff Arena bỗng biến mất. Cú đánh đầu đốt lưới nhà của Robin van Persie khiến đội chủ nhà Hà Lan nhận bàn thua thứ ba trước CH Czech. Dù sau đó gỡ lại hai bàn, thất bại 2-3 đã kéo màn đêm u tối đến "Miền đất thấp". Bóng đá Hà Lan, lúc ấy là đệ tam anh hào World Cup, không thể vượt qua vòng loại Euro 2016.
Đúng ba năm sau, ngày 13/10/2018, vẫn trên sân đấu mang tên huyền thoại Cruyff. "Cơn lốc màu da cam" trở lại để cuốn phăng kình địch Đức bằng ba bàn không gỡ. Một cách lặng lẽ, HLV Ronald Koeman đã và đang mang ánh bình minh trở lại cho bóng đá Hà Lan.
Cái chết vì sự bảo thủ
Ngày 5/9/2014, Hà Lan đá giao hữu với Italy để bắt đầu kỷ nguyên mới của Guus Hiddink, sau giai đoạn cực thịnh cùng Louis Van Gaal với chiến tích đoạt HC đồng ở World Cup 2014. Nhưng ngay khi tin tức về việc Liên đoàn bóng đá Hà Lan (KNVB) bổ nhiệm Hiddink được tiết lộ, phản ứng của các nhà chuyên môn trong nước chỉ là sự ngám ngẩm.
Ronald de Boer nói: "Hiddink đã lỗi thời với bóng đá hiện đại, tôi không tin ông ấy sẽ nâng tầm vị thế của đội tuyển Hà Lan". Ý kiến của cựu tiền vệ Ajax được kiểm chứng nhanh chóng, khi Hà Lan thất bại toàn diện cùng Hiddink tại vòng loại Euro 2016, thậm chí ông bị sa thải sau ngày trở lại chưa đầy một năm sau. Vậy vì sao Hà Lan thất bại?
Nhắc đến trường phái Hà Lan, mặc định suy nghĩ trong người hâm mộ luôn là “Bóng đá tổng lực”. Triết lý ấy đã giúp Hà Lan vươn vai từ vùng trũng bóng đá trước Thế chiến II, thành quyền lực của bóng đá thế giới. Nhưng đồng thời, thứ triết lý ấy cũng trở thành gánh nặng với đội tuyển Hà Lan và CLB Ajax - hai thực thể thành công nhất với "bóng đá tổng lực". Nghĩa là, dù đi đâu, làm gì, họ cũng phải có nghĩa vụ chở theo niềm tự hào của cả nền bóng đá. Và khi bổ nhiệm Hiddink, điều mà KNVB muốn chính là việc HLV huyền thoại này sẽ giúp Hà Lan trở lại với "bóng đá tổng lực" như ông từng mang đến tại World Cup 1998 - giải đấu mà "Cơn lốc màu da cam" vào bán kết.
"Thực tế, bóng đá tổng lực của Hà Lan đã chết lâu rồi" - Simon Kuper
Chỉ có điều KNVB lại nhầm ở chỗ. Sau 17 năm, bóng đá Hà Lan đã qua thời kỳ “trăm hoa đua nở”, với những Bergkamp, Kluivert, Zenden, Davis, Seedorf, Cocu.... Thay vào đó, bên cạnh những Robben, Van Persie, Sneijder đã già cỗi, thế hệ tiếp theo chỉ dừng lại ở dạng cầu thủ tầm trung như Quincy Promes, Leroy Fer... Nghĩa là vấn đề nằm ở con người. Bởi, bất cứ quan điểm chiến thuật nào, dù hay đến mấy cũng trở nên vô dụng nếu thiếu đi yếu tố con người.
Bàn phản lưới nhà của Van Persie tháng 10/2015 là khoảnh khắc có tính biểu tượng cho thất bại của cách làm bóng đá theo lối cũ, dựa trên những con người cũ của HLV Hiddink cùng KNVB. |
Nhưng lật lại vấn đề, cũng trong hoàn cảnh tương tự, vì sao tuyển Hà Lan của Bert Van Marwijk và Louis Van Gaal lại chơi hay đến thế ở hai kỳ World Cup liên tiếp 2010 rồi 2014?
"Thực tế, bóng đá tổng lực của Hà Lan đã chết lâu rồi", Simon Kuper, ký giả chuyên về bóng đá Hà Lan, khẳng định. Xu thế toàn cầu hóa bóng đá đang giúp các quốc gia xích lại gần nhau về mặt tư tưởng chiến thuật. Italy bây giờ cũng có thể đá tổng lực, người Anh có thể chuyền và di chuyển như Tây Ban Nha. Chỉ có Hà Lan vẫn ôm khư khư quá khứ, thứ vốn đã không còn thích hợp với hoàn cảnh của họ hiện tại.
Hiểu được vấn đề ấy, cả hai HLV Bert Van Marwijk và Louis Van Gaal đều dứt khoát rũ bỏ ánh hào quang quá khứ, để chuyển sang lối đá thực dụng, với nền tảng phòng ngự chặt phản công nhanh. Hà Lan, dưới trướng hai ông, sẵn sàng phô trương sự xấu xí để giành chiến thắng, mà cú kungfu của Nigel De Jong vào ngực Xabi Alonso là hình ảnh mang tính biểu tượng cho giai đoạn này.
Hà Lan, dưới thời Van Marwijk rồi Van Gaal, cũng may mắn sở hữu một Arjen Robben vào độ thăng hoa nhất. Cầu thủ chạy cánh này được xem như thứ vũ khí lợi hại bậc nhất, giúp "Cơn lốc màu da cam" bay cao ở các kỳ World Cup 2010 rồi 2014.
Chỉ có điều, Robben lại được xem như một kẻ ngoại đạo với "trường phái Hà Lan" cổ điển.
Robben, sinh ra ở thị trấn Bedum phía đông bắc Hà Lan, gần biên giới Đức. Đấy là nơi hẻo lánh, và gần như không có HLV chuyên nghiệp nào làm việc. Ngay từ bé, những kỹ năng rê dắt bóng được Robben tôi luyện thành thục. Trong khi nếu sinh ra ở phía Tây, chắc chắn anh đã được tuyển mộ bởi Ajax hay Feyenoord, những lò đào tạo vốn đánh giá thấp khả năng rê dắt, mà tập trung vào đặc sản chuyền ban ngắn của “Trường phái Hà Lan”. Và kể từ năm 2010, Hà Lan luôn là hai đội bóng khác nhau khi có và không có tài năng của anh trong đội hình.
Ronald Koeman, Frenkie De Jong và công cuộc hồi sinh
“Họ từng có cơ hội, giờ thì trách ai được nữa”, đấy là Koeman và lời phát biểu cay nghiệt khi Hà Lan thất bại cùng Dick Advocaat - một HLV theo trường phái bảo thủ như Hiddink. Trước đó, thay vì chọn Koeman, KNVB lại sa lầy với quyết định tuyển mộ Dick Adcovaat lần thứ... ba.
Sau Euro 2016, thất bại ở vòng loại World Cup 2018 như một cú đánh chí mạng nữa, giáng vào niềm tự hào, sự kiêu hãnh của bóng đá Hà Lan. Trong bối cảnh ấy, vào tháng 3/2018, vận may đến với Hà Lan khi Koeman đang rảnh rỗi, và KNVB quyết không lỗi hẹn thêm lần nữa với cựu danh thủ Feyenoord.
Ngay sau khi lên nắm quyền, nhiệm vụ đầu tiên của Koeman là thanh lọc triệt để những gì không còn thích hợp với Hà Lan. Đó là những Wesley Sneijder, Van Persie, Klass Jan Hunterlaar của quá khứ và Jeffrey Bruma, Marco Van Gingel, Steven Berghuis của giai đoạn thất bại vừa qua. Niềm tin được Koeman trao gửi vào một thế hệ mới hơn, thuộc lứa U21, với các thành viên đến từ Ajax Amsterdam và PSV Eindhoven sắm vai trò chủ lực trong công cuộc chấn hưng.
Khi Hà Lan đối đầu Đức ở Johan Cruyff Arena hôm 13/10, chỉ còn bốn cầu thủ sót lại từ đội hình thua CH Czech cách đó ba năm, gồm thủ quân Virgil Van Dijk, Daley Blind, Georginio Wijnaldum và Memphis Depay. Koeman quyết định chơi canh bạc trước Đức khi tung ra sân đến hai cầu thủ lần đầu ra mắt đội tuyển là Denzel Dumfires và Steven Bergwijn - bộ đôi đến từ PSV. Trung vệ Matthijs De Ligt trở thành tuyển thủ trẻ nhất của Hà Lan có 10 lần ra sân ở tuổi 19.
Nhưng biểu tượng của một Hà Lan mới phải thuộc về Frenkie De Jong. Câu chuyện về chàng trai này bắt đầu vào tháng 6/2018, khi báo giới xứ Catalonia loan tin, Barca quyết tâm chiêu mộ De Jong, với lời đề nghị 58 triệu đôla cho tài năng 21 tuổi vốn hoàn toàn vô danh trên bình diện quốc tế khi ấy. Đáp lại, Marc Overmas, Giám đốc Thể thao Ajax, chỉ cười khẩy trước cái giá bị cho là “khiếm nhã” này. Ngày 7/9/2018, Hà Lan tiếp Peru trong trận giao hữu chia tay Wesley Sneijder. Nhưng ít ai để đến một sự kiện khác vào ngày hôm ấy ở Johan Cruyff Arena, khi Ronald Koeman lần đầu tiên trình làng De Jong. Đó giống như một cuộc chuyển giao giữa hai thế hệ tài năng của Hà Lan và Ajax. Vậy tài năng của Frenkie De Jong có gì nổi bật?
Khác với người đàn anh cùng họ là Nigel, Frenkie De Jong là mẫu tiền vệ thu hồi bóng và tổ chức lối chơi hiện đại với khả năng bao quát điều chỉnh nhịp độ trận đấu rất hay. Anh còn lợi hại với những đường chuyền dài khoảng 50-60 mét cực kỳ chính xác. De Jong được mô tả là có nét tinh tế từ Xavi, sự lọc lõi của Sergio Busquets và khả năng chuyền dài thiện nghệ như Andrea Pirlo. Những tố chất như vậy giúp anh ngay lập tức lọt vào mắt xanh Marc Overmars. Huyền thoại Ajax đã bị De Jong mê hoặc khi xem một trận đấu của đội U19 Willem II cách đây ba năm.
Tài năng của De Jong được khẳng định một cách rộng rãi khi Hà Lan làm khách trước Pháp ở Stade De France đầu tháng Chín vừa qua. Dù trước mặt là hàng tiền vệ hay bậc nhất thế giới của Pháp, De Jong dễ dàng hóa giải áp lực cho hàng thủ bằng khả năng đọc trận đấu xuất sắc của anh. Ấn tượng ấy khiến cả người Pháp cũng tò mò về chàng trai 21 tuổi. Buổi họp báo ra mắt của Kevin Strootman tại Marseille thậm chí còn trở thành cơ hội để truyền thông xứ lục lăng dò hỏi mọi thứ về đồng hương De Jong. Trên các trang báo thể thao Hà Lan, những bài viết về “Đấng cứu thế”, biệt danh mà người hâm mộ dành tặng cho De Jong, xuất hiện với mật độ dày đặc.
Trước kình địch Đức hôm 13/10, De Jong có dịp so tài cao thấp với Toni Kroos - bậc thầy trong khả năng tổ chức thế trận. Và thực tế trận đấu cho thấy Hà Lan không hề lép vế trước Đức, mà ngược lại, với De Jong ở khu trung tuyến, HLV Koeman đã chứng minh cho cả thế giới thấy một đội tuyển Hà Lan mới mẻ và khó lường như thế nào.
Như lời Jordi Cruyff trên tờ Telegraaf trước đây: "Quan trọng vẫn là chiến thắng và điều đó mới cho thấy sự trưởng thành của đội tuyển". Vậy người Hà Lan hài lòng ở chỗ nào trong chiến thắng trước Đức? Xét cả khía cạnh kiểm soát bóng (42% - 58%) và dứt điểm (13-15), Hà Lan đều kém Đức. Nhưng khác biệt lớn nhất thì nằm ở tỷ số, với ba bàn thắng cho đội chủ nhà. Trong đó, thế trận linh hoạt ở hiệp hai được kết tinh bằng hai pha phản công chớp nhoáng theo kiểu Italy mà Koeman rèn cho các học trò.
Diễn biến chính trận Hà Lan hủy diệt Đức bằng thắng lợi 3-0 tại Amsterdam. |
Người Hà Lan từng nói "Thượng đế tạo ra thế giới, còn người Hà Lan kiến tạo đất nước của riêng mình". Sáng tạo chính là một phần trong công cuộc dựng nước ở vùng đất thấp. Nhưng đôi khi điều đó lại trói buộc suy nghĩ của họ với những ý tưởng bên ngoài, như chuyện lẽ ra họ đã có thể tuyển mộ Jorge Sampaoli thay vì chọn Dick Advoccat. Và như lời khuyên của Simon Kuper, Hà Lan hãy học hỏi từ chính kình địch Đức với cuộc cách mạng ý tưởng về bóng đá năm 2004 - chắt lọc tinh hoa từ khắp thế giới để góp phần tạo nên một nền bóng đá hùng cường như ngày nay.
Với Koeman và các học trò, cuộc cách mạng ấy mới chỉ bắt đầu!
Theo Anh Tuấn (VnExpress.net)