Gọi VĐV là 'lạc đà', quan chức Đức bị đuổi khỏi Olympic Tokyo 2020

30/07/2021 09:10:18

Một thành viên Liên đoàn đua xe đạp Đức (BDR) đã bị đình chỉ hoạt động, đuổi về nước sau khi có phát ngôn phân biệt chủng tộc tại Olympic Tokyo 2020.

Người bị đuổi là ông Patrick Moster, Giám đốc thể thao BDR. Ngày 28/7, ông Moster đã sử dụng ngôn từ phân biệt chủng tộc khi đang chạy theo sau và thúc giục tay đua Nikias Arndt bắt kịp các VĐV từ châu Phi như Algeria, Eritrea.

"Đuổi theo những con lạc đà! Đuổi theo những con lạc đà! Nhanh hơn nữa nào" là nội dung câu nói của ông Moster.

Gọi VĐV là 'lạc đà', quan chức Đức bị đuổi khỏi Olympic Tokyo 2020
Ông Patrick Moster thúc giục tay đua Nikias Arndt bằng những câu từ phân biệt chủng tộc (Ảnh: Sport Buzzer)

Những ngôn từ này lọt vào chương trình truyền hình trực tiếp và bị lên án rộng rãi ở Đức. Lạc đà là động vật nổi tiếng ở Bắc Phi, việc so sánh con người với động vật như của Moster là hành động bị lên án không chỉ ở Đức mà trên toàn thế giới.

Sau sự việc, Moster đã gửi lời xin lỗi. Ban đầu, đội đua xe đạp Đức cho biết ông sẽ ở lại Tokyo nhưng quyết định cuối cùng là vị giám đốc thể thao BDR sẽ về nước vào ngày 29/7.

Tay đua người Algeria Azzedine Lagab nói với tờ Der Spiegel (Đức) rằng anh chưa nhận được lời xin lỗi từ cá nhân Moster hay đội tuyển Đức. Lagab nói thêm rằng anh đã nhiều lần đối mặt với những bình luận phân biệt chủng tộc trong suốt sự nghiệp thi đấu.

Tay đua Nikias Arndt (Đức) lên án câu nói của ông Moster: "Tôi cảm thấy kinh sợ trước sự việc ngay trong giờ thi đấu Olympic hôm nay (28/7) và muốn tránh xa những tuyên bố mà giám đốc thể thao đưa ra. Lời lẽ như vậy là không thể chấp nhận được".

Sau đó, Arndt đăng một bức ảnh về biểu tượng 5 vòng tròn của Olympic lên trang cá nhân kèm thông điệp: "Đua xe đạp chống lại sự phân biệt chủng tộc".

Florian Nass, bình luận viên trên đài truyền hình ARD của Đức, lên án ông Moster và bình luận chua chát: "Tôi cạn lời với ông ấy rồi".

Gọi VĐV là 'lạc đà', quan chức Đức bị đuổi khỏi Olympic Tokyo 2020 - 1
Ông Patrick Moster vẫn chưa gửi lời xin lỗi tới cá nhân các VĐV Algieria, Eritrea (Ảnh: Euro Sport)

Alfons Hormann, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Đức (DOSB), coi lời xin lỗi của ông Moster là "chân thành" nhưng "vi phạm các giá trị của Olympic".

Chủ tịch Hormann nhấn mạnh rằng "công bằng, tôn trọng và khoan dung là tiêu chí không cần bàn cãi" trong văn hoá của các đội tuyển Đức.

Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) hoan nghênh quyết định đưa Moster về nước của DOSB: "Chúng tôi hoan nghênh phản ứng nhanh chóng của DOSB khi không để ông Moster tiếp tục công việc và yêu cầu ông ấy phải rời Tokyo trở về Đức. Những bình luận như thế này không có chỗ đứng ở Olympic".

Liên đoàn đua xe đạp quốc tế (UCI) thì tạm thời đình chỉ Moster trước khi mở một phiên điều trần đầy đủ về vụ việc.

Đại diện UCI cho biết: "Uỷ ban kỷ luật đã khẩn trương xem xét sự việc và cho rằng lời nói của ông Moster thể hiện sự phân biệt đối xử, trái với các quy tắc và luật lệ cơ bản.

UCI lên án tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử. Chúng tôi cố gắng đảm bảo tính toàn vẹn, đa dạng và bình đẳng trong các hoạt động đua xe đạp".

Trước sự việc của Patrick Moster, một hành động phân biệt chủng tộc liên quan đến Olympic đã bị lên án vào ngày 27/7. BLV kỳ cựu Dimosthenis Karmiris của đài truyền hình ERT (Hy Lạp) đã có những phát ngôn phân biệt chủng tộc với VĐV Hàn Quốc.

Tình huống diễn ra ở trận bóng bàn đơn nam khi VĐV Jeoung Young-sik (Hàn Quốc) đánh bại tay vợt người Hy Lạp Panagiotis Gionis với tỷ số 4-3.

Ông Karmiris nói: "Người Hàn Quốc không thể chơi bóng bàn. Tôi không hiểu sao mắt của họ bé ti hí như vậy mà vẫn có thể nhìn thấy quả bóng di chuyển qua lại".

Ngay lập tức, phát ngôn này chịu sự chỉ trích dữ dội tại Hy Lạp và lan ra nhiều nước khác. Sau đó vài giờ, đài ERT cũng tuyên bố chấm dứt hợp đồng với Karmiris.

"Những bình luận phân biệt chủng tộc không có chỗ trên truyền hình. Quan hệ hợp tác giữa ERT và Dimosthenis Karmiris chính thức chấm dứt ngay sau buổi ghi hình sáng nay", đài ERT thông báo.

IOC đã đưa ra quy tắc cấm VĐV thực hiện các cử chỉ, bao gồm cả việc quỳ gối hay giơ nắm đấm lên cao tại các buổi lễ hay bên trong SVĐ. IOC cấm mọi hình thức "biểu tình hoặc tuyên truyền chính trị, tôn giáo hay chủng tộc" sau khi tham khảo ý kiến của các VĐV.

IOC mong muốn các cuộc thi đấu thể thao thể hiện được sự trong sáng, những giá trị của thể thao thay vì là công cụ tuyền truyền cho mục đích chính trị, tôn giáo, chủng tộc,…

Tuy nhiên, IOC rất nghiêm khắc trong việc lên án hay xử lý các hành vi phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc. Nhiều quan chức, VĐV bị cấm tham gia các hoạt động thể thao suốt đời vì vi phạm nguyên tắc trên.

Theo Hiếu Lương (Nhịp Sống Việt)

Nổi bật