ĐT Việt Nam là nạn nhân của VAR?
ĐT Việt Nam đã trải qua 2 trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Ngoài yếu tố về chuyên môn thì tâm điểm của sự chú ý đều dồn vào VAR và những quyết định của trọng tài.
Nếu như VAR ở trận đấu với Saudi Arabia khiến ĐT Việt Nam chịu phạt 11m và Duy Mạnh bị truất quyền thi đấu thì trên sân Mỹ Đình, VAR khiến người hâm mộ hụt hẫng khi trọng tài từ chối quả 11m cho “Những ngôi sao vàng” và kết quả chung là chúng ta thất bại.
Sau 2 trận đấu này thì nhiều cổ động viên đã đăng bức ảnh biếm họa rằng ĐT Việt Nam chưa “gia hạn gói VAR” giống MU ở Premier League nên không được hưởng lợi từ những pha bóng này. Trong khi đó, truyền thông Việt Nam cũng cho rằng, thầy trò HLV Park Hang Seo đang là nạn nhân của VAR.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bởi VAR là công cụ để hỗ trợ trọng tài, giúp những vị vua áo đen đưa ra những quyết định chính xác nhất, mang lại công bằng cho các bên, chứ không phải là công cụ có thể thay thế trọng tài.
Quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay trọng tài. Họ là người nắm luật, vận dụng luật và đưa ra những quyết định dựa vào luật cùng với nhận định cá nhân của mình. Cả 2 pha bóng mà ĐT Việt Nam không được hưởng lợi từ VAR đều do nhận định của các trọng tài và cách áp dụng luật dựa trên lý lẽ của họ.
ĐT Việt Nam thiệt thòi vì những “anh hùng bàn phím”
Mỗi khi ĐT Việt Nam bị trọng tài từ chối cho hưởng phạt đền hay có những quyết định tranh cãi thì truyền thông đều có những phỏng vấn chuyên gia để phân tích tình huống đó. Tuy nhiên, không phải lúc nào các chuyên gia cũng có cùng quan điểm với nhau. Bằng chứng là ở 2 tình huống VAR của ĐT Việt Nam đã có những quan điểm trái chiều và các bên vẫn còn tranh luận cho đến thời điểm này.
Đó là câu chuyện trên truyền thông, còn trên mạng xã hội, các cổ động viên quá khích của Việt Nam tiếp tục làm “công việc quen thuộc” của mình, đó là truy tìm facebook của trọng tài để tấn công và dùng những từ ngữ mất lịch sử để thóa mạ. Thậm chí, có những trọng tài còn được “hỏi thăm trước” và “dọa nạt” bắt cẩn thận nếu không muốn facebook bị bay màu.
Trong 3 trận đấu gần nhất, trọng tài Ali Sabah (người Iraq - trận UAE 3-2 Việt Nam), Ilgiz Tantashev (người Uzbekistan - trận Saudi Arabia 3-1 Việt Nam) hay trọng tài Abdulrahman Ibrahim Al-Jassim (người Qatar - trận Việt Nam 0-1 Australia) đều bị các cổ động viên quá khích của Việt Nam tấn công.
Trong số 3 trọng tài này thì ông Abdulrahman Ibrahim Al-Jassim là người “tỉnh táo” nhất, khi khóa facebook cá nhân trước khi điều khiển trận đấu. Do đó, những lời thóa mạ của các cổ động viên dành cho ông chủ yếu đến từ những trang facebook giả do chính người Việt Nam lập nên để “câu like”.
Hành vi tấn công mạng của các cổ động viên quá khích Việt Nam không mới, nhưng thời gian gần đây, khi mà bóng đá Việt Nam thường xuyên tranh tài ở đấu trường châu lục thì tần suất của những việc làm xấu này xuất hiện ngày một nhiều. Điều này không chỉ gây bức xúc cho các trọng tài mà còn khiến các cổ động viên bóng đá châu Á cũng ngán ngẩm.
Những cổ động viên quá khích chỉ biết chửi cho sướng bản thân mình, nhưng không nghĩ được rằng, Việt Nam sẽ còn tiếp tục tranh tài ở những đấu trường lớn trong tương lai nên việc gặp lại các vị vua áo đen kể trên là điều bình thường. Thử hỏi rằng, các trọng tài có đứng về phía Việt Nam khi mà họ bị chính những người Việt chửi bới không thương tiếc trong quá khứ?
Những năm gần đây, bóng đá Việt Nam đã ghi điểm trong mắt bạn bè quốc tế bằng những thành tích ấn tượng và lối chơi đẹp, nhưng ý thức của một bộ phận các cổ động viên Việt Nam lại đang đi xuống. Việc chửi bới, kêu gọi nhau tấn công mạng với các trọng tài bằng những lời lẽ thiếu văn minh khiến bóng đá Việt Nam mất thiện cảm với bạn bè quốc tế và với chính các trọng tài.
Nếu hành vi, thái độ và hành động của các “anh hùng bàn phím” Việt Nam trên không gian mạng không thay đổi, điều này sẽ khiến ĐT Việt Nam của HLV Park Hang Seo cũng như bóng đá Việt Nam tiếp tục chịu thiệt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 cũng như trong tương lai./.
Theo Trí Minh (Vov.vn)