Góc khuất HLV Lê Thụy Hải: Những cuộc ngã giá với các ông bầu & lời gan ruột về bóng đá

07/05/2021 18:45:35

Người ta vẫn nhớ đến HLV Lê Thụy Hải với những phát biểu thẳng, thật và đầy cá tính. Nhưng cuộc đời làm nghề của ông trên thực tế còn nhiều câu chuyện khác thú vị không kém.

Lời tòa soạn: Vào lúc 11h08 hôm nay (7/5/2021), HLV Lê Thụy Hải đã vĩnh viễn ra đi, hưởng thọ 76 tuổi. Trước đó, ông có nhiều năm chống lại căn bệnh ung thư quái ác.

Đối với những ai thường xuyên theo dõi bóng đá Việt Nam, cái tên Lê Thụy Hải đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Ngoài việc là một trong những HLV nội giàu thành tích bậc nhất V.League, người ta còn nhớ đến ông bởi những phát ngôn đầy thẳng thắn và cá tính.

Suốt thời gian qua, HLV Lê Thụy Hải luôn giữ được tinh thần lạc quan và vẫn dành thời gian dõi theo những diễn biến của bóng đá nước nhà.

Chúng tôi xin được chia sẻ lại tới độc giả nội dung cuộc trò chuyện với HLV Lê Thụy Hải vào cuối tháng 4/2020, với một góc nhìn khác về cuộc đời làm nghề, mà theo ông mô tả là "rất phức tạp".

Lắng nghe những chia sẻ của ông, ta càng hiểu được rõ hơn vì sao lại có một Lê Thụy Hải như thế và vì sao một Lê Thụy Hải như thế lại tồn tại và đạt được thành tích ấn tượng đến vậy trong nghiệp HLV, dẫu cho khi lần đầu tiên cầm quân ở V.League, ông đã chuẩn bị bước sang tuổi lục tuần.

Góc khuất HLV Lê Thụy Hải: Những cuộc ngã giá với các ông bầu & lời gan ruột về bóng đá

"TÔI CÓ NGẠI GÌ TRUYỀN THÔNG"

"Thực tình giờ tôi cũng đâu có nhu cầu lên báo. Bây giờ già rồi, mình có cần đòi hỏi gì nữa đâu. Có người vẫn mời tôi lên truyền hình nhưng mà giờ mình cũng không thích và không muốn nữa. Chẳng qua với một số phóng viên quen, họ cần thì tôi giúp thôi. Phóng viên người ta thích hỏi tôi vì tôi hay nói thẳng, nói thật", vẫn với phong cách nói chuyện quen thuộc của mình, HLV Lê Thụy Hải đã mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi.

Ông nói tiếp: "Ngày vẫn còn làm nghề, tôi đối với truyền thông lúc nào cũng rất thoải mái và thẳng thừng. Anh nói sai về tôi là tôi nói lại ngay. Tôi có ngại gì truyền thông. Chứ còn làm gì đến mức làm ảnh hưởng tới công việc của tôi.

Ai đó nói tôi thì cùng lắm là tôi nghỉ. Nghỉ thì lại đi làm cho đội khác. Tôi có một tự hào rằng cứ nghỉ ở đây thì lại có việc ở chỗ khác, chẳng lúc nào mất việc cả. Và không có ai dám cương lại người thuê mình bằng tôi được.

Chúng ta phải nói thật với nhau rằng đó là đặc thù công việc, chẳng có vấn đề gì cả. Đừng nên để trong lòng. Anh cố làm gì cho mệt mỏi thêm ra. Quan điểm của tôi cũng lại rất "dở hơi" vì tôi không thấy mặc cảm trong chuyện đó mà thấy nó rất bình thường".

Góc khuất HLV Lê Thụy Hải: Những cuộc ngã giá với các ông bầu & lời gan ruột về bóng đá - 1

Tiếp đà câu chuyện, HLV Lê Thụy Hải đưa ra giải thích cặn kẽ hơn vì sao mình lại mang tính cách như vậy khi làm việc, cái cá tính mà người ta vẫn cho rằng chính nhờ nó mà ông thành công.

"Tôi ít khi giữ việc lắm, nếu ông chủ đuổi thì mình về. Để trong lòng làm gì cho nó bực bội ra. Hận thù, ghét bỏ nhau làm gì. Tôi có quan điểm nó hơi buồn cười thế. Nếu không thích thì không gặp lại nhau nữa, còn nếu họ mời lại mình thì tức là người ta hiểu mình, chứ về sau này tôi đi làm đâu có phải vì tiền nữa.

Bạn hỏi tại sao tôi lại làm được điều đó? Không phải vì cao siêu gì đâu mà do cái tuổi làm nghề của mình thôi. Mãi đến năm 2004 tôi về làm cho Hà Nội ACB thì mới là lần đầu tiên cầm quân ở V.League. Khi đó tôi đã gần 60 tuổi rồi (HLV Lê Thụy Hải sinh năm 1946 - PV), cái tuổi đủ để nhận biết được về cuộc đời, xã hội và mọi thứ khác. Chứ nếu làm sớm có khi tôi cũng giống như các HLV bây giờ thôi, cũng phải thế này thế kia.

Thực lòng mà nói thì mình cũng hay đọc sách và vận dụng được. Bản thân mình cũng có nhiều người bạn, người thân lớn tuổi đưa ra lời khuyên răn để giúp đỡ, chứ không phải tôi hay ho gì đâu. Nếu như mà tuổi trẻ thì có khi mình lại không chịu được. Cái gì cũng cần thời gian để vận dụng lý thuyết vào cuộc sống thực tiễn mà".

Góc khuất HLV Lê Thụy Hải: Những cuộc ngã giá với các ông bầu & lời gan ruột về bóng đá - 2

Nói đến đây, những dòng cảm xúc của quá khứ như chợt ùa về với ông Hải. Theo lời ông kể, trước ngày về Hà Nội ACB, ông chỉ dẫn những đội bóng nhỏ ở hạng dưới và thậm chí làm cả bóng đá nữ.

"Ngày xưa tôi làm những đội có khi chả ai biết đến đâu. Bình Thuận, Quảng Ngãi, An Giang rồi cả bóng đá nữ nữa. Đội cũng chỉ ở hạng dưới, mấy ai biết đâu nhưng tôi làm hết, chẳng nề hà xa gần gì cả, cứ đâu cần là ta đi.

Tôi trải qua nhiều đội bóng, cũng gặp gỡ nhiều ông chủ có cá tính khác nhau, đặc thù mỗi địa phương làm bóng đá cũng khác nhau. Có khi ông chủ không hiểu nhiều về bóng đá nhưng lại nghĩ rằng mình có quyền. Người ta mời mình về, trả lương cho mình rồi lại nói nhiều câu không được hay lắm. Tôi cũng thấy không thích thì nghỉ.

Mỗi người một tính, mỗi địa phương một cách sống khác nhau. Nhưng điều tôi thích là việc đi làm ở mỗi đội lại có một cái riêng của nó. Mình áp dụng những chiến thuật của mình vào để đội bóng đó đi lên. Thấy thích lắm".

Góc khuất HLV Lê Thụy Hải: Những cuộc ngã giá với các ông bầu & lời gan ruột về bóng đá - 3

HLV HÀNG ĐẦU, NHẬN LƯƠNG TRĂM TRIỆU NHƯNG KHÔNG CÓ BẰNG HLV

Nói chính xác hơn thì HLV Lê Thụy Hải vẫn có một số bằng huấn luyện, nhưng cái ông thiếu là bằng A HLV của AFC. Điều này về sau khiến các đội bóng trên danh nghĩa phải đăng ký chức danh của ông là Giám đốc kỹ thuật để lách luật, dù thực tế ông nắm vai trò của một HLV trưởng ở đội.

Cũng bởi thế mà HLV Lê Thụy Hải lại càng trở thành một cái tên đặc biệt trong làng bóng đá Việt Nam. Nói về chuyện bằng cấp của mình, ông giãi bày:

"Theo tôi nghĩ, bằng cấp cũng là một phần, lúc đi làm tôi không có bằng cấp thì cũng nhiều vấn đề lắm chứ không phải không đâu.

Có những bạn có điều kiện để đi học thì nhiều bằng cấp, còn tôi trong lúc mọi người đi học được thì tôi lại phải đi làm kiếm tiền. Mà khi đi làm thuê thì chẳng ai muốn tôi đi học cả, phải tận dụng thời gian để làm việc cho họ. Nó cũng có cái oái oăm riêng, không phải mình giả tạo mà đó là sự thật.

Vì thế đôi khi tôi cũng phải mong người ta thông cảm cho. Thời xưa tôi khó khăn. Lúc ý còn bao cấp, hai con học đại học thì mình phải đi lao động chứ. Đi làm vì yêu nghề nhưng thật lòng cũng là làm kinh tế để giúp cho con cái học hành, rất nhiều áp lực. Hồi ấy mà nói không cần tiền là tôi nói phét.

Về sau các cháu trưởng thành, đi làm rồi thì thực lòng đến lúc ấy thì tôi lại không cần tiền nữa. Mình đi làm chỉ vì yêu nghề thôi. Tôi quan điểm không giống người ta, biết đủ là đủ, chứ chả biết thế nào là giàu. Tôi là như thế, nói ra có thể người ta không thích nhưng sự thật nó vậy".

Góc khuất HLV Lê Thụy Hải: Những cuộc ngã giá với các ông bầu & lời gan ruột về bóng đá - 4

Đi làm mà không quá bận tâm đến chuyện tiền bạc, bằng cấp nhưng ông Lê Thụy Hải lại chính là người "phá trần" mức lương dành cho HLV nội, khi trở thành người đầu tiên được đội bóng trả lương 100 triệu/tháng vào năm 2010.

Thậm chí vào thời điểm ấy, khi những thông tin về việc Ninh Bình mời HLV Lê Thụy Hải về, truyền thông còn có phần bán tín bán nghi vì trước đó chưa một HLV người Việt nào được trả lương cao đến vậy. Người ta bàn luận, đặt câu hỏi rằng có lẽ con số 100 triệu chỉ là giá ảo. Nhưng rồi cuối cùng tất cả đều phải "ngã ngửa" khi đúng là bầu Trường trả cho HLV Lê Thụy Hải mức đãi ngộ như thế thật.

Sẽ càng bất ngờ hơn khi biết rằng trước đó chỉ 6 năm, bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên) lúc mời HLV Lê Thụy Hải về làm ở Hà Nội ACB còn "mặc cả từng triệu, từng trăm nghìn tiền lương". Vậy điều gì đã tạo nên sự khác biệt lớn đến vậy chỉ trong một quãng thời gian không quá dài?

"Lúc ấy tôi có nói với bầu Trường, cũng vui thôi nhưng ý rõ ràng rằng tôi không phải con người để mặc cả, trả lương 100 triệu thì tôi về Ninh Bình.

Vì sao tôi lại đòi hỏi như thế? Đơn giản vì tôi nghĩ giá trị bản thân mình nó phải ở mức như vậy. Lúc ấy đồng lương là giá trị con người", HLV Lê Thụy Hải kể lại câu chuyện về mức lương "gây sốc" một thời của mình.

Ông nói tiếp: "Như lúc tôi về Hà Nội ACB năm 2004, anh Kiên mặc cả với tôi từng triệu, từng trăm nghìn một, nhưng mà tôi vẫn làm. Lúc ấy tôi có nói với anh Kiên rằng tôi yêu công việc và cũng chưa được làm ở V.League bao giờ, trước đó chỉ dẫn các đội hạng dưới thôi. Tôi nói rất thật rằng nếu anh ấy có trả thấp hơn thì mình vẫn làm. Tại vì sao? Bởi mình thèm khát, mình thích, mong muốn vươn lên thể hiện bản thân.

Bởi thế mà mỗi giai đoạn nó lại khác nhau. Đến khi về Ninh Bình là tôi đã có thành tích, có thương hiệu rồi. Mà nói thật lúc ấy tôi rất yêu nghề nhưng không phụ thuộc vào kinh tế. Vì sao tôi phải nhắc đến chi tiết này bởi nếu mình đòi cao quá, họ không mời nữa thì mình làm gì? Nghề này nó cũng bạc bẽo ở chỗ đó. Mà lúc ấy nhiều HLV không có việc lắm. Có phải do mình kiêu kì mà đòi được đâu, mình cũng đâu phải quá đặc biệt. Nhưng sự thật là lúc ấy họ cần mình.

Tôi về Ninh Bình cũng một phần vì anh Đại ( "cò" Trần Tiến Đại – PV). Anh ấy nói với tôi về bầu Trường, về chế độ, tiền lương, cũng mang hướng nhờ vả mình một chút. Anh em cũng chơi với nhau, quý mến nhau nên tôi nhận lời. Nhưng tất nhiên người ta đánh giá cao khả năng của mình thì cũng phải cân đối sao cho phù hợp nữa chứ. Đâu phải mình cứ đòi là được".

Góc khuất HLV Lê Thụy Hải: Những cuộc ngã giá với các ông bầu & lời gan ruột về bóng đá - 5

HLV CŨNG ĐƯỢC NHẬN TIỀN LÓT TAY, BƯỚC NGOẶT KHÓ TIN Ở VIỆT NAM

Trong làng bóng đá Việt Nam, việc các cầu thủ được nhận khoản tiền lót tay vài tỷ hay cả chục tỷ đồng mỗi khi có hợp đồng mới từ lâu đã là điều rất đỗi bình thường và quen thuộc.

Bởi thế so với giới cầu thủ, mức thu nhập của HLV rõ ràng khó sánh được. Tuy nhiên trong suy nghĩ của HLV Lê Thụy Hải, điều này lại chưa thực sự hợp lý. Thế cho nên mới có chuyện đầu mùa giải 2014, ông Hải đã dám làm cái điều mà trước giờ chưa HLV nào lên tiếng: đòi tiền lót tay cho mình.

"Năm 2013, Bình Dương có 7 cầu thủ ngoại trong đội hình (cả nhập tịch) nhưng cứ ngấp nghé ở nhóm xuống hạng. Thế là tôi được mời về lại, nhưng lúc ấy giải đấu cũng qua được một quãng dài rồi, mình cố vực lên và cuối cùng đội về thứ 8. Nhưng vượt qua được khó khăn đó thì Bình Dương lại cho tôi nghỉ.

Sang V.League 2014, Bình Dương đá 3 trận được có 1 điểm, đứng bét bảng thì họ lại gọi tôi về. Lúc ấy tôi mới bảo với các anh lãnh đạo đội bóng thế này: "Tại sao cầu thủ họ được nhận tiền lót tay mà HLV lại không có? Cầu thủ có mà HLV lại không có thì quyền gì mà nói họ? Bây giờ anh giao đội bóng cho tôi, nói rằng có toàn quyền quyết định nhưng tôi lại chẳng có cái gì để toàn quyền cả".

HLV cũng giống một cầu thủ chứ có gì đâu, người đi lao động cả. Mà trên thế giới HLV đều có khoản đó chứ".

Góc khuất HLV Lê Thụy Hải: Những cuộc ngã giá với các ông bầu & lời gan ruột về bóng đá - 6

"Lãnh đạo nghe tôi trình bày thì cũng thấy hợp lý nên họ đồng ý. Tôi đưa ra mức đề nghị 1 tỷ đồng/năm. Nghe thì cũng tạm chứ thực ra so với cầu thủ thì vẫn thấp hơn nhiều. Hai bên thống nhất và tôi nhận lời.

Tất nhiên, chấp nhận mức chi ra như thế thì lãnh đạo Bình Dương cũng bảo bây giờ đội mới có 1 điểm sau 3 trận thôi nhưng vẫn phải cố gắng để vô địch. Tôi nói họ yên tâm và năm đó thì Bình Dương vô địch thật.

Tôi có suy nghĩ rằng đó là việc hợp lý thôi. Bản thân mình cũng vui vì sau sự vụ ấy thì rất nhiều HLV cũng nhận được khoản tiền lót tay. Dù không cao, không nhiều đâu nhưng nói chung nó cũng giúp anh em HLV được tự hào và nâng cao trách nhiệm, tiếng nói của HLV cao lên. Đó cũng là điều tôi thấy rất vui".

Góc khuất HLV Lê Thụy Hải: Những cuộc ngã giá với các ông bầu & lời gan ruột về bóng đá - 7

KHÔNG THÍCH BỊ GỌI LÀ "MOURINHO VIỆT NAM"

Một điều đặc biệt khác của HLV Lê Thụy Hải là trong những năm tháng làm nghề, ông thường xuyên được mời về khi các đội bóng đang gặp khó khăn, thi đấu bết bát. Từ Bình Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa hay Ninh Bình, ông Hải đã đi đi về về nhiều lần, đến mức người ta ví von ông như một người "lính cứu hỏa" tại V.League.

Ngoài ra, còn biệt danh khác mà truyền thông, dư luận từng đặt cho HLV Lê Thụy Hải đó là "Mourinho Việt Nam", bắt nguồn từ cách làm việc đầy cá tính, với những phát ngôn không ngại va chạm của ông. Tuy nhiên chia sẻ về điều này, ông Hải bày tỏ mình chẳng bao giờ thích bị so sánh như vậy.

"Để làm được những việc như thế thì phải nhờ sự kết hợp của nhiều thứ, chứ không phải nhờ mỗi tính cách của tôi. Báo chí đôi khi cứ thích viết, thích so sánh, đặt biệt danh này kia cho tôi nhưng mà thực lòng tôi không thích đâu.

Người ta dựng lên, bảo tôi là "Mourinho Việt Nam" chẳng hạn, tôi thấy cũng rất buồn cười. Tôi lớn tuổi hơn ông kia, mà mình đi làm cũng có để ý gì đến mấy ông đó. Mỗi người có một phong cách, một kiểu làm việc riêng".

Góc khuất HLV Lê Thụy Hải: Những cuộc ngã giá với các ông bầu & lời gan ruột về bóng đá - 8

Ông nói tiếp: "Còn thực lòng bây giờ tôi không nghĩ nhiều đến quá khứ đâu. Tất cả mọi thứ qua rồi và ai cũng chỉ có một thời. Và thời của tôi thì có những may mắn riêng. Tôi không giỏi hơn nhiều người đâu nhưng mà tôi may mắn. Cuộc đời tôi có nhiều cái may, chứ bảo giỏi thì tôi cũng không giỏi đâu.

HLV thì trên đe dưới búa, mà người ta đuổi mình thì rất dễ. Liên đoàn lại có cái dở là không hay bênh vực, bảo vệ anh em HLV. Báo chí cũng ít bênh vực. Người ta thích phỏng vấn tôi nhưng người ta lại không thích tôi. Tôi cũng thấy buồn cười. Họ bảo hỏi tôi thì thích vì mình hay nói thẳng, nói thật, nhưng cũng có cái không thích vì mình hay mắng nhà báo lắm. Cũng có cái khổ như thế.

Tôi có tật xấu là ít khen lắm. Phải nói thật lòng như thế. Đó cũng là cái chưa được của mình. Tôi thường khen chung cả tập thế chứ ít khi khen riêng cá nhân nào. Mỗi người một quan điểm làm việc nhưng với tôi thì làm gì cũng phải có tập thể. Đội muốn có kết quả tốt thì phải nhờ hàng phòng ngự chơi ổn, thủ môn giữ được sạch lưới, tiền đạo ghi được bàn.

Những năm tôi làm thì đội không có ai là ngôi sao cả. Ngôi sao là tập thể. Mà tôi cũng hay đùa rằng tôi là ngôi sao sáng nhất. Nói vui thế nhưng mình cũng phải giải thích ngay với các bạn ấy rằng vì tôi là người sắp xếp xem ai đá hay không. Đó cũng chỉ là câu chuyện để cả đội cùng vui cười thôi, nhưng sau đó các em thấy đó là sự thật. Nếu ai kỷ luật kém, không vì tập thể thì buộc phải ở ngoài".

Góc khuất HLV Lê Thụy Hải: Những cuộc ngã giá với các ông bầu & lời gan ruột về bóng đá - 9

"Tôi đi đâu cũng một thân một mình và thấy rất ổn. Nghề HLV thì bạn cũng biết rồi đấy, họ có mời thì mình mới đến làm, không thích thì họ cho nghỉ. Giỏi lắm thì người ta đền cho 3 tháng lương.

Mà đa số lúc nghỉ ít khi tôi lấy 3 tháng lương đó lắm, cũng chả kiện cáo ai bao giờ. Người ta không bằng lòng mình thì mình nghỉ thôi. Tôi nghĩ đơn giản thế. Đó là sự tự trọng cá nhân.

Đã không thích nhau thì thôi, sao cứ phải phiền đến nhau làm gì. Tôi đi làm cũng đâu phải vì tiền nữa. Nghĩ cũng hơi dở chứ chả phải hay ho gì đâu, nhưng tính mình là như thế thật".

Kết lại cuộc trò chuyện với chúng tôi vào ngày hôm ấy, HLV Lê Thụy Hải trải lòng: "Cuộc đời mình thực lòng mà nói cũng không gì ghê gớm cả, nhưng cũng có những thứ phải công nhận là mình đã làm được. Người ta vẫn nói nhân vô thập toàn, cuộc sống có nhiều ngã rẽ và rẽ đúng thì mình dần tiến lên được. Ai đến chơi với mình vì cái tình, vô tư thì mình quý. Đơn giản thế thôi".

Theo Linh Đan (Pháp luật & Bạn đọc)