Phượng dực bạt phong dương danh
Còn ông thì từ tốn giải thích, rằng "Phượng dực bạt phong" chính là đòn chỏ lật nằm trong bộ "Phượng hoàng quyền pháp" của võ thuật cổ truyền Việt Nam. Đòn chỏ lật chủ yếu dùng cùi chỏ để bủa ra phía sau, hay lật bủa từ trên cao xuống. Ông cũng giải thích rằng gối, chỏ là những kỹ thuật cận chiến của võ thuật cổ truyền. Tượng hình các thế đánh cùi chỏ như đôi cánh phượng hoàng là "phượng dực".
Ông là võ sĩ bất bại xứ võ Gò Công, mới 20 tuổi đã lẫy lừng tên tuổi từ trong nước ra đến quốc tế - Trần Bình Long.
Năm nay đã gần 70 tuổi, võ sĩ Tư Mừng - Trần Bình Long của năm xưa, tên thật là Trần Văn Mừng say mê võ thuật từ rất bé, sớm ghi danh theo học võ đường Triệu Tử Long của sư tổ Triệu Tử Long (tên thật là Phạm Văn Chí, còn gọi là ông Quản Chí) ở đất võ Gò Công.
Tương truyền, ông Quản Chí từng học võ từ một nghĩa quân của Trương Định về mai danh ẩn tích tại đất Gò Công sau khi cuộc kháng chiến thất bại. Ngoài ra, ông còn theo học nhiều thầy võ khác, để cuối cùng chọn lọc, sáng tạo ra những bài quyền cùng những đánh riêng cho hệ phái Gò Công sau này. Vì quá hâm mộ nhân vật Triệu Tử Long trong Tam Quốc, ông dùng tên của danh tướng này đặt cho võ phái của mình.
Ông Quản Chí chẳng may mất sớm vì một tai nạn vào năm 1972, Trần Bình Long tiếp tục theo học võ sư Hồng Long (tên thật là Phạm Văn Thời, còn gọi là Bảy Thời), là con ruột của sư tổ Quản Chí.
Tuy người ốm nhom, nhưng Tư Mừng vốn dĩ có ngộ tính võ thuật nên nhanh chóng trở thành môn sinh ưu tú của võ phái. Năm 1974, Tư Mừng được thầy đổi tên thành Trần Bình Long, được thầy Hồng Long ghi danh tham dự giải võ thuật quốc gia. Năm ấy, cậu vừa tròn 20 tuổi.
Thể hình thấp bé, chỉ cao có 1m63, lại còn khá nhỏ tuổi nên võ sĩ này chẳng được mấy ai chú ý đến, cho đến lúc cậu thắng như chẻ tre, lọt vào đến tận trận bán kết với những trận knock-out liên tiếp.
Trận đấu bán kết năm ấy, đối thủ của Trần Bình Long là đàn anh dạn dày kinh nghiệm Lê Bảo Châu. Sau màn thăm dò nhanh chóng, hai đấu thủ xáp vô một lượt. Trần Bình Long ra đòn đạp trúng khiến Lê Bảo Châu văng vào dây đài. Vừa văng ra, võ sĩ đàn anh dính ngay đòn chỏ lật xé gió trời giáng của "cậu nhóc" 20 tuổi, bể mí mắt, "rớt" tức thì. Đồng hồ lúc ấy đếm sang giây 55. Cả võ đài sững sờ với trận thắng knock-out "thần tốc" của Trần Bình Long.
Trận chung kết, Trần Bình Long phải mất đến 4 hiệp mới khuất phục được đối thủ kỳ cựu Lâm Đình Vũ để đoạt chức vô địch. Nhưng cũng từ đó, tên tuổi của ông được giới võ thuật miền Nam biết đến, với đòn chỏ "xé gió" khiếp hồn.
Mới đoạt chức vô địch được hai ngày, sang đến ngày thứ ba đã có võ sĩ đến thách đấu với ông. Không chỉ một, mà liên tiếp những võ sĩ tên tuổi tìm đến ông để so tài. Ngày ấy, sân Tinh Võ ngày nào cũng căng bảng quảng cáo với cái tên Trần Bình Long thật lớn để câu khách.
Hai thầy trò Hồng Long - Trần Bình Long cũng không khỏi lo lắng với mật độ thi đấu dày đặc như vậy, song cứ hết trận này đến trận khác, ông liên tiếp hạ gục tất cả các đối thủ bằng "Phượng dực bạt phong", và lập tức được báo giới tôn xưng là "tay đấm không biết mệt".
Chinh phục miền Trung
Danh tiếng của thầy trò Hồng Long - Trần Bình Long vang dội, khiến võ sư nổi tiếng miền cao nguyên đất đỏ - Hoàng Thọ, không quản ngại đường xa đi khó, lặn lội xuống tận Tiền Giang để tìm gặp thầy trò bất bại. Cảm kích trước tấm thịnh tình của ông, võ sư Hồng Long cao hứng kết nghĩa huynh đệ. Sau đó, võ sư Hoàng Thọ mới đề xuất ý định mượn Trần Bình Long cùng các môn đệ khác của Hồng Long để đi du đấu dọc miền Trung.
Hồng Long không hẹp hòi gì với người anh em kết nghĩa, duy có ngặt nghèo là Trần Bình Long vừa lên ngôi vô địch chưa lâu, sợ đi du đấu sẽ gặp rắc rối với quy định của Tổng cuộc quyền thuật. Song ông cũng rất mong được giao đấu và học hỏi thêm tinh hoa của các hệ phái danh tiếng dọc duyên hải miền Trung, lại thêm có người lo kinh phí và đi lại, nên sau vài lần học trò nài nỉ, đã tặc lưỡi chọn quân cùng Hoàng Thọ đi du đấu.
Để tránh rắc rối, Trần Bình Long được đổi tên hiệu giả thành Hoàng Hùm, giả làm đệ tử của Hoàng Thọ.
Trần Bình Long thắng như chẻ tre, được đặt cho danh hiệu "Hùm xám của cao nguyên đất đỏ". Lúc này, giới võ thuật đã bắt đầu ngờ ngợ bởi chiêu thức của Hoàng Hùm được đồn đại là rất giống "Phượng dực bạt phong" của nhà vô địch Trần Bình Long. Song đường xá xa xôi cách trở, có ai biết mặt mũi Trần Bình Long thế nào mà đứng ra xác thực.
Danh tiếng vang dội của Hoàng Hùm khiến võ sĩ nổi danh của Quảng Ngãi là Nguyễn Tiến Dũng tìm đến nhất định thách đấu bằng được.
Trận đấu ấy, khán già đông nghẹt khán đài. Hoàng Hùm chưa biết thực lực đối phương nên chưa dám kinh động, chỉ dám thăm dò, liên tục né đòn. Ai ngờ sau vài đòn vu vơ, Nguyễn Tiến Dũng bất thần tung đòn hiểm. Thì ra võ sĩ nổi danh này quyết hạ gục sớm đối thủ bằng đòn hiểm. Nhanh như cắt, Hoàng Hùm xoay người né đòn, đồng thời tay phải sự dụng chiêu "Phượng dực bạt phong" quen thuộc, xé gió bủa cú chỏ lật vào giữa mặt đối phương, khiến Tiến Dũng lập tức rớt đài.
Trọng tài tuyên bố Hoàng Hùm thắng knock-out. Nhưng từ khán đài, mặt sư phụ Hồng Long tái nhợt. Ông phát hiện ra sự có mặt của người thuộc Tổng cuộc quyền thuật trong đám khán giả. Thì ra, người của Tổng cuộc đến xem vì Nguyễn Tiến Dũng cực kỳ nổi danh, tình cờ nhận ra Hoàng Hùm chính là Trần Bình Long.
Thầy trò Trần Bình Long lập tức bị triệu tập. May mắn cho Trần Bình Long, Hồng Long sinh thời vốn văn võ song toàn, ngoại hình thanh tú, hoạt ngôn sắc sảo, vốn đã chiếm được đôi phần cảm mến của các thành viên Tổng cuộc quyền thuật, với bài biện hộ sắc sảo của mình đã giúp đệ tử khỏi một phen rắc rối to.
Né đòn hiểm, hạ gục môn đồ Lý Tiểu Long
Trở thành võ sĩ chiến thắng tuyệt đối thời bấy giờ, Hồng Long khiến học trò ngừng nhận những lời thách đấu từ các võ sĩ trong nước. Nhưng rồi Trần Bình Long cũng không được nghỉ ngơi lâu, vì sau đó là liên tiếp những lời thách đấu lại được bay đến từ những võ sĩ nước ngoài.
Đụng độ rất nhiều võ sĩ của các quốc gia láng giềng, tuy phải đấu với rất nhiều hệ phái võ thuật khác nhau, nhưng Trần Bình Long vẫn thắng như chẻ tre, chỉ chịu hòa một trận với võ sĩ người Thái Lan Ponpenmalai.
Trận đấu để đời, và cũng là trận đấu cuối cùng trên võ đài tự do của ông là vào ngày 15 tháng 12 năm 1974, tại thao đường Nguyễn Trãi gặp môn đồ của Lý Tiểu Long - Lý Diệu Quang.
Đấy là lần đầu tiên giới võ lâm Hương Cảng (Hồng Kông) chính thức cử một phái đoàn võ sĩ sang thách đấu với các võ sĩ Việt Nam tại Sài Gòn. Phái đoàn võ sĩ Hồng Kông gồm 6 võ sĩ thượng thặng, từng tham gia các võ đài quốc tế quyền tự do và Thiếu Lâm quyền ở Nhật Bản, Thái Lan, Singapore. Các võ sĩ này đều từng là môn đồ của Lý Tiểu Long, và đều từng xuất hiện trong hai bộ phim Tinh Võ Môn và Mãnh Long quá giang do cố võ sĩ - tài tử điện ảnh này thủ vai chính.
Trần Bình Long ngày ấy chỉ cao 1m63, nặng 51kg, trong khi đó Lý Diệu Quang cao đến 1m70. Vào hiệp 1, như thường lệ, Trần Bình Long giữ miếng. Lý Diệu Quang cũng chỉ tấn công cầm chừng để thăm dò đối phương, tuy vậy các đòn thế mà võ sĩ Hồng Kông này tung ra vô cùng đẹp mắt, nhận dự trầm trồ của khán giả.
Đòn thế của Lý Diệu Quang tuy đẹp mắt, nhưng đầy uyên chuyển và hiểm hóc khôn lường. Trần Bình Long phải đem hết sở học của mình ra để hóa giải những thế đánh của đối phương. Sau mỗi lần hóa giải, Trần Bình Long đều sử dụng đòn hậu, lợi dụng lực của đối phương khiến Lý Diệu Quang mấy lần phải thất kinh, biến sắc đề phòng.
Vào hiệp 2, Lý Diệu Quang lợi dụng chiều cao và sải tay dài vung quyền đấm thẳng vào ngực Trần Bình Long. Ông bình tĩnh né đòn. Nghĩ Trần Bình Long mới xoay người chưa kịp về lại thế thủ bộ vững nên nhanh như cắt, Lý Diệu Quang tung tiếp một đòn đá vắt nhanh như chớp, nhằm ngang người Trần Bình Long lướt tới.
Thì ra, đòn đấm mà Diệu Quang tung ra chỉ là hư chiêu, bao nhiêu lực đều được dồn vào cước này. Nếu trúng đòn đá này, Trần Bình Long có lẽ gãy xương chứ chẳng chơi. Dưới khán đài, sư phụ Hồng Long thất sắc, bởi ông nhìn ra được đòn "sát thủ" của đối phương.
Trần Bình Long nhíu mày, rồi như một cơn gió, ông nhẹ nhàng lướt người qua trái, đạp cước tiến, tay tung chiêu "Phượng dực bạt phong". Bộ quyền pháp phượng hoàng ảo diệu thêm lần nữa được vút bay nhuần nhuyễn, biến thủ thành công khiến Lý Diệu Quang trở tay không kịp, lãnh một đòn trời giáng vào mặt, ngã lăn xuống võ đài.
Tất cả khán giả đều đứng bật dậy, hồi hộp theo từng nhịp đếm của trọng tài, rồi vỡ òa trong tiếng reo: "Trần Bình Long đã hạ nốc ao Lý Diệu Quang của Hồng Kông".
Theo Kim Thiền (Pháp luật và Bạn đọc)