Theo tiến sĩ, nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường thì Chưởng môn Quách Văn Kế, huyền thoại sáng lập phái Lam Sơn Võ Đạo từng được coi là một trong những vị cao thủ giỏi nhất của làng võ cổ truyền Việt Nam.
Sau khi tham gia phong trào cách mạng, ông từng khiến quân lính Pháp nhiều phen phải kinh hồn bạt vía bởi khả năng "xuất quỷ nhập thần" và triệt hạ đối phương trong nháy mắt của mình.
Nhắc tới huyền thoại Quách Văn Kế, nhà nghiên cứu Hồ Tường đã kể về chiến tích một mình vị võ sư hạ gục 4 tên lính Pháp gây chấn động giới võ thuật:
"Tháng 8/1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, nhân dân cả nước nổi dậy kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và võ sư Quách Văn Kế cũng tham gia phong trào cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông từng dạy võ cho thanh niên Tiền phong và bộ đội Việt Minh.
Võ sư Quách Văn Kế trở thành chiến sĩ trong một đơn vị biệt động. Với thân thủ phi phàm, võ công cái thế, hàng đêm ông thường một mình bí mật đột nhập vào các trại lính, đồn bốt địch "tỉa" bớt số lượng quân giặc. Đây có thể coi là nghệ thuật chiến đấu mà các binh sĩ đặc công vẫn áp dụng sau này.
Mất đến hàng trăm quân chỉ vì một chiến sĩ biệt động, quân Pháp khiếp sợ ông đến mất ăn mất ngủ nhưng cũng bái phục ông là có tài xuất quỷ nhập thần và đặt cho ông biệt danh "Sát thủ trong đêm".
Đáng nhớ nhất là có lần ông Quách Văn Kế một mình phải đối đầu với 4 tên lính canh gốc châu Phi trong trại lính Pháp. Tuy vóc người của võ sư Quách Văn Kế nhỏ hơn hẳn nhưng lại là sự thuận lợi trong cuộc đấu cận chiến hôm ấy.
Bằng thân pháp của mình, ông đã luồn tránh, lách né tất cả những đòn tấn công của 4 kẻ địch cùng một lúc, rồi đánh trả và hạ gục từng tên một bằng những đòn tay hay những cú đá hiểm hóc nhắm vào chỗ nhược trên cơ thể để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau chiến tích này, giới võ khi nhắc tới Quách Văn Kế, ai đấy đều rất kính nể".
Theo tiến sĩ Hồ Tường thì võ sư Quách Văn Kế (1897-1976) sinh tại Hà Nội. Từ nhỏ ông đã có niềm đam mê cháy bỏng với võ thuật. Thuở thanh xuân của ông chỉ có duy nhất mỗi việc tầm sư học đạo. Vị sư phụ đầu tiên của Quách Văn Kế là một cao thủ được xếp vào hàng Tam Nhật (ba mặt trời) trong làng võ, đó là Ba Cát.
Võ sư Quách Văn Kế từng là một đô vật sừng sỏ không có đối thủ ở Hà Nội. Năm 1918 sau khi võ sư Hàn Bái từ Trung Quốc về nước mở Hàn Bái Đường, Quách Văn Kế đến xin bái sư. Quách Văn Kế chính là một trong những học trò đầu tiên của Hàn Bái, bên cạnh Vũ bá Oai.
Năm 1928, sư phụ Hàn Bái đột ngột qua đời, cương vị chưởng môn để lại cho đại sư Vũ Bá Oai. Sau 10 năm theo thầy Bái học võ, công phu của võ sư Quách Văn Kế đã vượt trội hơn người.
Năm 1930, võ sư Quách Văn Kế vào Sài Gòn để lập nghiệp và gây dựng cơ đồ. Chính tại mảnh đất phồn hoa đô hội này, cơ duyên đã giúp ông thọ giáo huyền thoại Bảy Mùa (một huyền thoại khác được xếp vào hàng Tam Nhật).
"Trước khi tham gia phong trào cách mạng thì suốt 33 năm ròng rã khổ luyện công phu, với vốn võ học tuyệt vời của mình, võ sư Quách Văn Kế là một trong số cao thủ giỏi võ nhất Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung thời bấy giờ.
Võ đường của võ sư Quách Văn Kế cũng chính là một trong những võ đường quy mô nhất và được thành lập đầu tiên ở Sài Gòn. Sau một thời gian mở võ đường, ông đã tiếp nối sự nghiệp chấn hưng võ đạo mà sư phụ Bảy Mùa đề ra, từ đó hệ thống hóa những kỹ thuật chiến đấu, làm tiền đề để sáng lập môn phái Lam Sơn Võ Đạo.
Võ sư Quách Văn Kế cũng có đóng góp lớn cho phong trào cách mạng bằng cách dạy võ cho nhiều thanh niên yêu nước phương châm cận chiến cấp tốc, huấn luyện võ thuật cho lực lượng kháng chiến Đức Hòa (Long An) trong những năm sau đó.
Sau một thời gian, ông được điều về Sài Gòn bảo vệ cơ sở cho đến ngày kí hiệp định Geneve ( 21/7/1954 ). Năm 1949, ông sáng lập ra Hội Thể dục thể thao Lam Sơn để rồi chính thức là môn phái Lam Sơn Võ Đạo sau này" - tiến sĩ Hồ Tường cho biết.
Về phương diện kỹ năng chiến đấu, theo nhà nghiên cứu Hồ Tường thì võ sư Quách Văn Kế chủ trương kết hợp nhiều nét tinh hoa võ thuật nên Lam Sơn võ phái có cách đánh nhanh, luôn sử dụng đòn cận chiến mạnh mẽ, không cầu kỳ hoa mỹ mà luôn đặt yếu tố thực dụng lên hàng đầu cho mỗi đòn của mình.
Ngoài những kỹ năng cận chiến thì võ sư Quách Văn Kế còn để lại một hệ thống quyền pháp và những bài võ trấn môn như: Phượng Hoàng Quyền, Phượng Hoàng song đao, Lão Mai côn, Quách gia đại đao ...
Ở miền Nam trước kia, mỗi môn phái võ thuật vẫn hùng cứ một phương, nhưng bằng đức độ và võ học uyên thâm của mình thì đến năm 1960, chính võ sư Quách Văn Kế là người đã thống nhất được các bang phái và được bầu làm chủ tịch Tổng cuộc Quyền thuật.
Chính sự ra đời của tổ chức này mà phong trào đấu võ đài ở miền Nam diễn ra thường xuyên, và là giải đấu võ đối kháng tự do lớn nhất cả nước thời bấy giờ. Võ sư Quách Văn Kế cũng được giới võ xếp vào hàng Tam Nguyệt (ba mặt trăng, cùng với võ sư Trương Thanh Đăng và Vũ Bá Oai), nối tiếp Tam Nhật (Hàn Bái, Ba Cát, Bảy Mùa).
Sau rất nhiều cống hiến cho nền võ thuật, võ sư Quách Văn Kế qua đời vào năm 1976. Quyền chưởng môn phái Lam Sơn Võ Đạo được truyền cho người con trai út là Quách Phước, một võ sư nhưng đồng thời là họa sĩ có tiếng ở miền Nam.
Cho tới nay, võ sư Quách Văn Kế được ca ngợi là một huyền thoại lừng lẫy của làng võ thuật cổ truyền Việt Nam, luôn được người yêu võ kính trọng và mến mộ.
Bài viết được ghi theo lời kể của tiến sĩ - võ sư Hồ Tường (Chưởng môn võ phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà), chủ nhiệm lớp Võ Lâm ở Nhà văn hóa Thanh niên, số 4 đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM)
Theo Tiểu Mã (Pháp luật và Bạn đọc)