Hạn chế dứt điểm ngoài vòng cấm địa
Theo một thống kê từ fanpage 1st Football Magazine – Baller, ĐT Việt Nam chỉ đạt hiệu quả 4% từ những pha dứt điểm ngoài vòng cấm địa, con số này lên đến 22% với những tình huống dứt điểm ở trong khu vực 5m50 của đối phương. Thậm chí, nếu tạo ra một pha dứt điểm ở khu vực 5m50, ĐT Việt Nam ghi bàn ở 4 trong 6 lần dứt điểm như thế.
Nói như thế để thấy rằng, đội tuyển Việt Nam cần tích cực có những pha phối hợp để đưa bóng vào vòng cấm địa. Trên thực tế, trong chiến thắng 3-0 trước Malaysia ở vòng bảng, trận đấu mà Việt Nam được đánh giá là hay nhất tại AFF Cup 2020, các học trò của HLV Park Hang Seo đã tổ chức lên bóng rất nhuyễn và đưa được trái bóng vào khu vực vòng cấm địa trước khi dứt điểm thành bàn, với pha lập công của Quang Hải và Công Phượng.
Nhìn từ hiệp 2 trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan, đó là giai đoạn mà chúng ta cần phải tấn công nhiều hơn sau khi bị đối phương dẫn 2 bàn trước giờ nghỉ, Việt Nam đã có một số những pha phối hợp đáng chú ý để đưa bóng vào vòng cấm địa. Sự xuất hiện của Tiến Linh mang một nét tích cực trong những pha xâm nhập của Việt Nam, dựa trên những đường chuyền đến từ Quang Hải và Hoàng Đức. Đây có thể là phương án mà Việt Nam cần cố gắng khai thác trong trận bán kết lượt về vào tối nay.
Tận dụng các tình huống bóng chết và thay người
Kể từ sau bàn thắng của Công Phượng vào lưới Indonesia sau quả đá phạt góc của Xuân Trường, đội tuyển Việt Nam không có thêm một bàn thắng nào từ phạt góc nói riêng và bóng chết nói chung. Riêng ở AFF Cup 2020, Văn Thanh từng có cơ hội ấn định chiến thắng 3-0 trước Lào từ chấm phạt đền nhưng hậu vệ này thực hiện không thành công.
Ngoài ra, việc thay người cần có sự hiệu quả hơn và trực diện hơn nhằm tạo nên bước ngoặt lớn liên quan đến tỷ số. Tính đột biến trong cách thay người từng đem lại thành công rất lớn cho đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park Hang Seo. Nhưng từ vòng bảng đến trận bán kết lượt đi, dù ông Park đã dùng 25 quyền thay người nhưng chưa một cầu thủ nào vào sân có thể tạo ra khác biệt.
Ngoài ra, Việt Nam cần tận dụng tối đa khoảng thời gian 30 phút cuối trận. Trên thực tế, 2 trong số 3 trận đấu mà Việt Nam ghi liên tiếp 2 bàn (trong bối cảnh đã bị dẫn trước 2-3 bàn cách biệt) đều chứng kiến các chân sút lập công ở giai đoạn cuối trận. Đó là trước UAE với các bàn thắng của Tiến Linh và Minh Vương ở các phút 84 và 90+2. Hay ở trận đấu với Trung Quốc, Việt Nam cũng có 2 bàn thắng trong các phút 80 và 90 của Tấn Tài và Tiến Linh để khiến đối thủ vã mồ hôi hột. Hay trước chính bán kết lượt về giữa Indonesia và Việt Nam cách đây 5 năm về trước, Việt Nam cũng từng khiến sân Mỹ Đình vỡ oà khi ghi 2 bàn liên tiếp ở các phút 83 và 90+3.
Nên nhớ tại King’s Cup 2019, đội tuyển Việt Nam cũng đã khiến Thái Lan ôm hận bằng một bàn thắng đến từ bóng chết ở đúng phút bù giờ, khi Anh Đức tận dụng thành công quả đá phạt góc của đồng đội để trừng phạt đối phương.
Theo Trí Công (Bongdaplus.vn)