Ngày 15 tháng 7 năm 2018, Pháp vô địch World Cup ở Moscow với những tấm huy chương vàng lấp lánh được trao từ tay Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch FIFA Gianni Infantino. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đội mưa tầm tã ôm từng cầu thủ một, thậm chí trong lúc phấn khích còn tặng Kylian Mbappe một nụ hôn lên trán.
HLV Didier Deschamps hôm ấy đang họp báo thì cả chục học trò tràn vào phòng, hò hét tên ông và sẵn nước tăng lực, sâm-panh xịt khắp phòng, phụt ướt đẫm cả trăm phóng viên đang họp báo. Họ hò, họ hát, họ biến mất, rồi họ lại quay lại và tiếp tục phụt xịt. Paul Pogba hét to nhất: “Vive la France! Vive la république!” (Nước Pháp muôn năm, nền cộng hòa muôn năm!)
Ôi những ngày thật tươi đẹp. Giờ thì Pháp đang chuẩn bị cho một kỳ World Cup rất khác. Putin sẽ không thể trao huy chương, chắc chắn rồi. Pogba thì cũng không hát hò gì cả, anh cùng với người đồng đội ngôi sao N’Golo Kante lỡ World Cup này vì chấn thương.
Deschamps vẫn ngồi ghế HLV trưởng nhưng ngoài nỗi lo về lực lượng, ông còn đang dính một “lời nguyền”: 4 trong 5 đội vô địch thế giới gần đây đều bị loại ngay từ vòng bảng, bao gồm cả Pháp năm 2002. Làm sao để Pháp – đội chỉ thắng 1 trong 6 trận vừa qua – vượt qua được lời nguyền?
Pháp đã vào chung kết 3 lần trong 6 kỳ World Cup gần đây, nhưng sau đó đều rơi vào vòng xoáy của lời nguyền, lên cao và xuống sâu ngay ở kỳ World Cup kế tiếp. 1998 rồi 2002. 2006 rồi 2010. Đỉnh thì rất đỉnh, nhưng có thể rớt đáy ngay lập tức, một sự trồi sụt ai cũng thấy nhưng khó lý giải.
Đến Qatar lần này, người Pháp có lẽ e dè và thận trọng hơn, thậm chí đã lột bỏ vẻ ngoài tự mãn của một nhà vô địch. Ở EURO 2020 vừa rồi, họ từng dẫn Thụy Sỹ 3-1 khi trận đấu chỉ còn 10 phút nhưng ngay khi dừng chạy, đá lỏng chân, chơi với cái đầu thiếu tập trung, họ đã phải trả giá. Họ thua 2 bàn muộn và bị loại trên chấm luân lưu 11m. Cũng vẫn bài học từ đỉnh xuống đáy, rất nhanh, rất sốc!
World Cup này, chấn thương buộc Pháp phải làm mới. Họ mất Pogba, Kante vì chấn thương. Những trụ cột như Benzema, Varane… cũng đánh vật với thể lực. Nhưng nếu điều đó làm giảm chất lượng của tuyển Pháp, nó cũng sẽ làm giảm sự tự mãn của nhà vô địch, và chính đó có thể lại là cái hay.
Không một tiền vệ nào của tuyển Pháp tại World Cup 2018 đến Qatar. Hàng tiền vệ 3 người sẽ xoay quanh Aurelien Tchouameni, ngôi sao mới 22 tuổi đang khoác áo Real Madrid, một người vừa có thể đánh chặn vừa kiến thiết. Vệ tinh bên cạnh sẽ là Adrien Rabiot của Juventus, Youssouf Fofana của Monaco hoặc Eduardo Camavinga (mới 20 tuổi, cũng của Real). Sắp xếp kiểu gì thì Pháp cũng sẽ có một tuyến giữa hoàn toàn mới mẻ.
Hàng công sẽ là điểm đáng gờm nhất của người Pháp khi họ có Griezmann, Mbappe và Benzema, dự bị có lão tướng Oliver Giroud (36 tuổi, người chỉ còn kém 2 bàn so với kỷ lục phá lưới ở tuyển Pháp của Thierry Henry). Nếu thiên về lối chơi tấn công biên, Deschamps sẽ có Kingsley Coman và Ousmane Dembele, ngôi sao của Barca có giá chuyển nhượng 140 triệu euro năm 2017.
Pháp nhiều khả năng sẽ xuất trận với 6 nhà vô địch thế giới, trong đó có Quả bóng vàng Benzema. Và khác rất xa với những nhà cầm quân từng ăn trái đắng ở các kỳ World Cup năm 2002 (Roger Lemerre) hay 2010 (Raymond Domenech), vị thuyền trưởng của họ bây giờ khôn ngoan, thực tế và uy thế hơn rất nhiều.
Deschamps đã ngồi ghế HLV trưởng tròn 10 năm, là HLV tại vị lâu nhất trong lịch sử đội tuyển Pháp (132 trận). Đó cũng là 10 năm đẹp đẽ của bóng đá Pháp khi vào chung kết EURO 2016, vô địch World Cup 2018, vô địch Nations League 2021 và ít nhất chưa một lần bị loại từ… vòng bảng!
Tất nhiên, bóng chưa lăn thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chính người Pháp nói “với một chữ nếu, người ta có thể nhét cả Paris vào trong chiếc chai”. Nếu đạt điểm rơi tốt, Pháp có thể có một kỳ World Cup hoàn hảo, họ hiện vẫn là ứng viên số 3 cho chức vô địch sau Brazil và Argentina. Nhưng ngược lại, bóng ma sẽ lại quay về.
Và hãy lưu ý, biểu tượng của World Cup này rất giống một “con ma”…
Theo Nhật Quang (Bongdaplus.vn)