Trang PP Sport đưa tin việc HLV Takeshi Okada lên tiếng về sự thiên vị trong 1 cuộc phỏng vấn gần đây về đội tuyển Trung Quốc. Ông tiết lộ rằng tại Trung Quốc, các cầu thủ giỏi chưa chắc sẽ được ra sân, nhưng các cầu thủ có nhiều mối quan hệ tốt hoặc có thâm niên sẽ đảm bảo được trọng dụng. Sự thiên vị cho các mối quan hệ, thâm niên như vậy đã ảnh hưởng lớn đến khả năng thi đấu của ĐT Trung Quốc.
HLV Okada được biết đến khi dẫn dắt ĐT Nhật Bản chơi tương đối thành công tại World Cup 2010. Sau giải đấu ông từ nhiệm và nhận lời dẫn dắt Hangzhou Greentown tại Chinese Super League giai đoạn 2012-2013.
Xã hội Trung Quốc từ lâu đã xem trọng việc quan hệ. Trong mọi khía cạnh của cuộc sống, người ta tìm cách tạo các mối quan hệ có ích cho bản thân, cho công việc, thậm chí chi số tiền lớn để "bôi trơn" các mối quan hệ này. Đây là vấn đề đã tồn tại từ xa xưa, và ĐT Trung Quốc cũng không là ngoại lệ. Về lâu dài, điều này sẽ khiến các cầu thủ không tập trung vào cải thiện chuyên môn mà sẽ tìm cách tạo nhiều mối quan hệ.
Không chỉ ông Okada, cựu tuyển thủ Gao Leilei (Cao Lôi Lôi) cũng từng lên tiếng nhiều năm trước về thực trạng này.
"Bạn là 1 HLV hay nhà quản lý có quan hệ rộng ư? Chúc mừng, CLB của bạn sẽ có 6-7 suất ở ĐT Trung Quốc. Bạn có huấn luyện các cầu thủ tốt đến đâu đi nữa, cửa đi cũng nhỏ thôi nếu không có quan hệ. Còn nếu bạn là cầu thủ? Bạn sẽ chẳng đi đến đâu cả nếu không có quan hệ", Gao Leilei nói.
Đội hình ra sân của ĐT Trung Quốc ở vòng loại 3 World Cup 2022 cũng thường xuyên là những "cây đa, cây đề" như Wu Xi, Zhang Linpeng hoặc các cầu thủ từ những đội bóng rất lớn như FC Guangzhou, Shanghai Shenhua, Shanghai Port FC. PP Sport nhận định rằng, nếu không có sự thay đổi, nghĩa là phải loại bỏ cách làm việc theo kiểu "nhất quan hệ, nhì năng lực" như hiện tại, đội tuyển Trung Quốc sẽ không thể có kết quả tốt ở các vòng loại World Cup.
Theo Thành Đạt (Nhịp Sống Việt)