Giải đấu được quan tâm nhất khu vực sẽ bắt đầu vào ngày 5-12, kết thúc vào ngày 1-1 năm sau. Theo kết quả bốc thăm, đương kim vô địch Việt Nam và á quân Malaysia nằm ở bảng B cùng với Indonesia (hạng 175), Campuchia (hạng 178) và Lào (thứ 186).
Bảng A bao gồm đội 5 lần vô địch Thái Lan (hạng 122), Myanmar (hạng 146), Philippines (hạng 125), Singapore (hạng 160) và đội thắng vòng loại giữa Brunei (hạng 190) và Timor-Lester (hạng 194).
Ngoài đội xếp thứ 95 thế giới là Việt Nam đang có đẳng cấp riêng cũng như quá trình chuẩn bị cho World Cup 2022 Qatar đang rất tốt đẹp, HLV Cheng Hoe cũng nhìn nhận láng giềng Indonesia và Campuchia là đối thủ lớn với mục tiêu theo đuổi hai vị trí dẫn đầu bảng B để giành vé vào bán kết.
Chiến lược gia 53 tuổi cho biết: “Việt Nam là đội được đánh giá cao nhất bảng nhưng điều quan trọng đối với chúng tôi là phải thi đấu từng trận một. Chúng tôi không chỉ tập trung vào mỗi đội tuyển Việt Nam mà còn cả Indonesia, đối thủ truyền kiếp của chúng tôi. Malaysia cũng không xem nhẹ Campuchia, Lào vì họ có những cầu thủ tài năng. Chúng tôi phải tập trung từng trận một”.
Do đại dịch COVID-19, nhiều khả năng các đội sẽ thi đấu tập trung tại một địa điểm chưa được AFF quyết định.
HLV Tan Cheng Hoe thừa nhận, Malaysia cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn vì không có lợi thế sân nhà: “AFF Cup 2018 có động lực lớn vì các cầu thủ có hai trận đấu vòng bảng với lợi thế sân nhà và hai trận sân khách. Bất chấp thi đấu theo thể thức nào, chúng tôi cần sự tập trung qua từng trận đấu và chuẩn bị tốt cho toàn đội. Song song đó, chúng tôi cũng phải theo dõi sự tiến bộ của các đối thủ. Tôi hy vọng các cầu thủ được gọi triệu tập lần này sẽ cống hiến hết sức mình cho đội tuyển quốc gia”.
Còn hơn 60 ngày trước khi giải đấu bắt đầu, ban huấn luyện tiếp tục theo dõi phong độ của các tuyển thủ tại các giải đấu quốc nội. Bên cạnh đó là hai trận đấu quốc tế vào đầu tháng tới.
Tại giải đấu năm 2018, Malaysia đã đánh bại Campuchia 1-0, Lào 3-1 và Myanmar 3-0 nhưng để thua 0-2 trước Việt Nam tại vòng bảng A, trước khi đánh bại Thái Lan ở bán kết theo luật bàn thắng sân khách (hòa 0-0 tại Bukit Jalil và hòa 2-2 tại Bangkok).
Tuy nhiên ở trận tranh chức vô địch, Malaysia đã để thua chung cuộc 2-3 trước Việt Nam, sau khi hòa “Rồng Vàng” 2-2 trên sân Bukit Jalan nhưng để thua 0-1 tại Hà Nội.
Không như đội tuyển Việt Nam, Malaysia chỉ vô địch AFF Cup một lần duy nhất vào năm 2010 dưới thời HLV Rajagopal, kể từ khi giải đấu khai sinh vào năm 1996. “Hổ vằn” ba lần đoạt á quân vào các năm 1996, 2014 và 2018.
Tính đến nay, chỉ có bốn quốc gia từng vô địch AFF Cup gồm Thái Lan đăng quang vào các năm 1996, 2000, 2002, 2014 và 2016. Tiếp theo là Singapore với bốn chức vô địch (1998, 2004, 2006 và 2012), tuyển Việt Nam (2008 và 2018) và Malaysia lên ngôi năm 2010.
Theo Minh Quang (Pháp Luật TPHCM)