Đây là lý do cách tổ chức như EURO 2020 không bao giờ được lặp lại

12/07/2021 11:04:51

EURO 2020 tổ chức ở nhiều thành phố khắp Châu Âu là một ý tưởng hay, cho đến khi thực hiện…

Cuối cùng thì EURO 2020 cũng đã về đích sau trận chung kết giữa Italia và Anh trên sân Wembley. Kỳ EURO đặc biệt nhất trong lịch sử đã để lại nhiều sự kiện đáng nhớ. Tuy nhiên, không phải không có những điều cần rút ra như bài học kinh nghiệm. Thậm chí, có vấn đề cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, đây nên là lần đầu và cũng là lần cuối cùng.

Đó là chuyện tổ chức các trận đấu ở 11 thành phố trên khắp Lục địa già. Một ý tưởng hay, thú vị, nhưng khi thực hiện mới nảy sinh vấn đề, là sự không công bằng giữa các đội tuyển trong việc di chuyển.

Trước trận chung kết, huấn luyện viên Gareth Southgate của đội tuyển Anh than phiền chuyện các cầu thủ được nghỉ ít hơn 1 ngày so với đối thủ sau vòng bán kết. Thế nhưng, ông không nhắc đến việc đội nhà được đá 6/7 trận trên sân Wembley.

Với việc chỉ phải thực hiện một chuyến bay duy nhất đến Rome đá trận tứ kết với Ukraine rồi sau đó trở về, tổng quãng đường thầy trò Southgate ngồi trên máy bay là 2.880km.

Tính ra thì các cầu thủ tuyển Anh vào chung kết nhưng chỉ di chuyển nhiều hơn 10 đội tại giải, trong số đó, 7 đội bị loại từ vòng bảng. Trong khi cũng có đội bị loại ngay từ vòng bảng mà vẫn phải di chuyển nhiều hơn – như Ba Lan (7.150km), Slovakia (3.575km), Thổ Nhĩ Kỳ (3.114km).

Đây là lý do cách tổ chức như EURO 2020 không bao giờ được lặp lại
Hành trình di chuyển cụ thể của 24 đội tại EURO 2020. Ảnh: Marca

Theo thống kê, Thụy Sĩ – vào đến tứ kết, là đội khốn khổ nhất với tổng 9.970km. Lịch trình của họ là Baku – Rome – Baku – Bucharest – Saint Petersburg. Mặc dù được đá 3 trận vòng bảng sân nhà nhưng từ vòng 1/8 đến bán kết, Đan Mạch đã “vọt” lên vị trí thứ 2 về quãng đường di chuyển (8.231km), khi tới Amsterdam, Baku, London. Đội tuyển Italia dù có tổng 3.296km nhưng vẫn phải qua 2 “trạm” là London, Munich, trong đó họ đi lại giữa Rome và London tới 3 lần.

Sự than phiền xuất hiện ngay từ vòng đấu bảng và ảnh hưởng được thấy rõ hơn từ vòng đấu loại trực tiếp. Chính vì thế, trước khi trận chung kết diễn ra, Chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin đã nói rõ quan điểm là “cạch”, không bao giờ ủng hộ ý tưởng kiểu này nữa.

“Nếu bạn hỏi thì tôi xin trả lời là không ủng hộ ý tưởng này nữa. Tôi nghĩ nó quá thách thức. Hoàn toàn không đúng và không công bằng khi một số đội bóng phải di chuyển hơn 10.000km và số khác chỉ mất 1.000km di chuyển, kể cả với các cổ động viên cũng vậy, vừa tới Rome, 2 ngày sau họ phải tới Baku.

Ý tưởng nghe có vẻ thú vị nhưng khó thực hiện. Tôi không nghĩ phiên bản EURO như năm nay sẽ được tiếp tục", ông nói.

Kỳ EURO tiếp theo vào năm 2024 sẽ chỉ diễn ra ở một quốc gia là Đức, nhưng theo không ít ý kiến, họ còn mong muốn UEFA trở lại với giải đấu gồm 16 đội thay vì 24, đảm bảo chất lượng và tính cạnh tranh của các trận đấu cao hơn, thời gian tổ chức giải ngắn hơn, đảm bảo sức khỏe cho các cầu thủ.

Tuy vậy, theo thông tin từ AP, thay vì rút gọn thì UEFA lại ấp ủ tham vọng có 32 đội dự EURO vào năm 2028. Họ sẽ đưa ra quyết định vào cuối năm 2023, cùng với thời điểm công bố đội chủ nhà đăng cai năm 2028.

Hiện UEFA đang có 55 liên đoàn thành viên, việc nâng số đội lên 32 hẳn sẽ lại kéo theo nhiều vấn đề nữa khi hơn một nửa Châu Âu được tham dự. Cũng có thể gọi là “World Cup của Lục địa già”, rồi có khi tiến tới là tất cả các đội đều góp mặt tại EURO, khỏi đá vòng loại…

Theo Tam Nguyên (Lao Động)

Nổi bật