Tất nhiên, yếu tố chuyên môn vẫn là điều cần phải được lưu tâm hàng đầu. Bởi suy cho cùng, việc đưa về một cầu thủ là để tăng cường chất lượng của đội bóng. Khán giả châu Á rõ ràng sẽ chẳng mấy vui vẻ gì khi thấy “cầu thủ quốc dân” của mình tới một giải đấu lớn chỉ để đánh bóng băng ghế dự bị.
Thời gian qua, thông tin Quang Hải sẽ có 10 ngày ăn, tập cùng CLB đang thi đấu tại La Liga là Deportivo Alaves vào trung tuần tháng 3 đến đầu tháng 4/2019 nhận được sự chú ý rất lớn của dư luận.
Và không chỉ ở Việt Nam, La Liga cũng “vươn vòi bạch tuộc” đến với đất nước tỷ dân Trung Quốc. Espanyol đã bỏ ra 2 triệu euro để chiêu mộ tiền đạo Wu Lei từ Shanghai SIPG và hiệu ứng họ thu về được thực sự đáng nể.
Thống kê cho thấy, ở trận đấu ra mắt của Wu Lei trong màu áo mới, ở Tây Ban Nha chỉ có 177.000 khán giả theo dõi trận đấu này. Tuy nhiên con số ở Trung Quốc lại lên đến…40 triệu.
Lượng người xem qua TV của trận đấu này nhiều gấp 4 lần trận El Classico ở bán kết lượt đi Copa del Rey vừa qua. Và trong tương lai không xa, việc Wu Lei trở thành cầu thủ có số lượng áo đấu bán ra nhiều nhất tại Espanyol có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Còn nhớ vào thời điểm năm 2003, có tới 365 triệu người Trung Quốc theo dõi trực tiếp trận đấu giữa Manchester City và Everton, dù lúc đó cả hai đều không phải những đội bóng hàng đầu tại Premier League. Nguyên nhân là bởi trong đội hình của họ có sự góp mặt của hai cầu thủ Trung Quốc là Sun Jihai (Man City) và Li Tie (Everton).
Rõ ràng, những hiệu quả thương mại mà các cầu thủ châu Á mang lại là không hề nhỏ đối với các CLB châu Âu. Và trong bối cảnh trình độ chuyên môn của những “cầu thủ quốc dân” tại những quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nước khác đang dần được nâng lên, việc các CLB châu Âu “thèm muốn” có được sự phục vụ của họ cũng không phải là điều quá đỗi ngạc nhiên.
Kiều Phong (SHTT)