Một thành viên ban đàm phán mua bản quyền truyền hình World Cup 2022 thừa nhận, phía Việt Nam và đối tác chưa tìm được tiếng nói chung về việc đưa ra mức giá cuối cùng. Do vậy, thời điểm này vấn đề mua bản quyền truyền hình World Cup 2022 tạm thời "đóng băng".
"Hai bên chưa có bất cứ động thái mới nào để tiến tới việc chốt lại mức giá bản quyền truyền hình World Cup 2022", đại diện ban đàm phán mua bản quyền truyền hình World Cup 2022 cho biết.
Cũng theo vị này, số tiền 15 triệu USD mà đối tác "chào hàng" là quá lớn, vượt ngoài khả năng chi trả ngay cả khi các đơn vị truyền hình Việt Nam có sự liên kết với nhau. Đơn giản bởi nếu như đặt lên bàn cân, với số tiền lên tới hơn 350 tỷ đồng, các nhà đài Việt Nam rất khó thu lại từ việc bán quảng cáo.
Ban đàm phán được thành lập với sự góp mặt của 5 đại diện các đơn vị truyền hình lớn, doanh nghiệp "cỡ bự" tại Việt Nam. Được biết, ban đàm phán đã đưa ra lộ trình đàm phán với đối tác, nhưng mấu chốt ở đây là mức giá chưa có dấu hiệu được giảm.
"Chúng tôi có thể chấp nhận lỗ một chút để phục vụ người xem, nhưng nếu lỗ quá nhiều sẽ là gánh nặng. Vì thế, nếu đối tác vẫn giữ nguyên mức giá 15 triệu USD cho gói bản quyền truyền hình World Cup 2022 tại lãnh thổ Việt Nam, rất khó có đơn vị nào có thể mua được. Phương án lúc này ngoài sự liên kết của các đơn vị truyền hình, còn cần sự hỗ trợ từ những doanh nghiệp lớn", một lãnh đạo đài truyền hình tại Việt Nam cho hay.
Công ty Infront Sports & Media có trụ sở tại Thụy Sĩ đang sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 ở Indonesia và 25 quốc gia khác tại khu vực châu Á. Hiện tại, ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Indonesia thì Brunei, Campuchia, Malaysia, Philippines và gần nhất là Singapore đã có bản quyền truyền hình World Cup 2022.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bản quyền World Cup, đối tác nghiên cứu rất kỹ từng thị trường, và luôn đưa mức giá như trên trời bởi người dân Việt Nam cuồng nhiệt với bóng đá.
Theo Đại Nam (VietNamNet)