Cho đến nay, sau nhiều sự rút lui phút chót, cuộc đua vào ghế Chủ tịch VFF còn duy nhất Thứ trưởng Lê Khánh Hải. Giờ thì cuộc đua ở những vị trí chủ chốt còn lại chỉ thực sự căng thẳng ở ghế Phó.
Đáng chú ý ở vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính, có sự xuất hiện của ông Cấn Văn Nghĩa- Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia. Ông Nghĩa không phải là gương mặt xa lạ, thậm chí trước đó đã ứng cử ghế Chủ tịch. Tuy nhiên vị Giám đốc khu Liên hợp này đã chủ động rút lui khi Thứ trưởng Lê Khánh Hải được giới thiệu. Tuy nhiên, việc ông Cấn Văn Nghĩa có cơ hội lớn được ngồi chiếc ghế rất quan trọng này lại đang gây ra những tranh cãi trong dự luận, và cả người trong nhà VFF. Thực tế tiếng nói của ông Cấn Văn Nghĩa trong giới bóng đá không lớn, đó là chưa kể khu Liên hợp Thể thao quốc gia (đặc biệt là sân Mỹ Đình) từng xảy ra nhiều vụ lùm xùm.
Ở Đại hội tới đây, người hâm mộ rất mong VFF có một “minh chủ” thực sự, và ở cấp dưới cũng phải là những người có năng lực và tâm thật sự, thay vì cố ngồi ghế dù đã đến tuổi… nghỉ hưu. Từ nhiều năm nay VFF đã không ít lần bị dư luận chê trách công tác nhân sự vì có quá nhiều quan chức đã chọn VFF làm bến đỗ khi kết thúc sự nghiệp công chức.
Các quan chức VFF vẫn “lảng” khi được báo chí hỏi về ngày tổ chức Đại hội. Trước thông tin Đại hội VFF sẽ được tổ chức vào tháng 10, nhưng phía VFF chưa lên tiếng về việc này.
Nhiều người cho rằng, Đại hội càng trễ, bóng đá Việt sẽ bị ảnh hưởng càng nặng nề. Cần nhớ, dịp cuối năm, bóng đá nước nhà sẽ tham dự hai 2 giải quan trọng là AFF Cup vào cuối năm 2018 và VCK Asian Cup vào đầu năm 2019. Về mặt tài chính, khi bộ máy nhân sự mới lên mới kịp thời gian để kêu gọi, vận động được tài chính cho các hoạt động của VFF vì thường tháng 10 là tháng cuối cùng các doanh nghiệp duyệt ngân sách cho năm tới.
Còn nhiều và rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến bóng đá Việt nếu như Đại hội VFF nhiệm kỳ mới bị kéo dài và không xác định sớm thời gian tổ chức! Đặc biệt, thời gian qua có rất nhiều “chiêu trò” hạ bệ nhau, và thực tế rất nhiều ứng viên vì những lý do khác nhau đã phải xin rút lui sau khi dính sự cố hoặc bị “kể tội” như trường hợp của ông Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Xuân Gụ…
Công việc của bóng đá Việt Nam ngày càng bộn bề và phức tạp nên việc Đại hội bị trì hoãn liên tục khiến mọi thứ trở nên bị động, rõ nhất là việc đội ngũ lãnh đạo hiện tại cũng khó có thể làm tốt công việc của mình khi họ luôn trong tâm thế phải… rời ghế hoặc đang nỗ lực hết khả năng để được ở lại.
Theo Gia Phong (Đại Đoàn Kết)