Cựu trung vệ Vũ Như Thành: ‘Không ai giống tôi cả, vì tôi chơi giống Nesta’

08/11/2018 09:00:00

Chức vô địch AFF Cup 2008 chính là câu trả lời đanh thép cho sức mạnh bị nghi ngờ của thầy trò HLV Calisto. Và với riêng Vũ Như Thành, màn trình diễn ấn tượng năm ấy cũng một lần nữa khẳng định vị thế trung vệ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

"THẾ HỆ KÉM CỎI NHẤT TRONG 10 NĂM"

Xin chào Như Thành. Thời điểm chúng ta đang ngồi với nhau cũng là lúc ĐT Việt Nam bước vào chiến dịch chinh phục chức vô địch AFF Cup 2018 với niềm tin rất lớn từ người hâm mộ. “Chu kì 10 năm” hay “Thế vàng 2008” cũng đang là những cụm từ được nhắc tới rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, nhắc đến thế hệ của Như Thành, Phước Tứ, Công Vinh, Việt Thắng…năm đó, chúng ta không thể nào không nói tới sự quay lưng của dư luận khi đội tuyển có sự chuẩn bị tệ hại với chuỗi 11 trận liên tiếp không biết thắng trước thềm giải đấu. Đó cũng là một câu chuyện liên quan đến niềm tin. Trước áp lực dư luận lớn như vậy, chắc hẳn toàn đội khi ấy cần những biện pháp “giữ lửa” nào đó để không rơi vào trạng thái khủng hoảng?

Tất nhiên khi không thắng thì niềm tin sẽ không tăng lên nhưng tôi nghĩ năm ấy, niềm tin của các cầu thủ cũng không giảm xuống. Vì sao? Bởi người chèo lái là ông Calisto. Ông là người có niềm tin. Ông làm kế hoạch không phải chỉ để thắng trận giao hữu. Đó là người có kinh nghiệm. Những người trẻ không có sự sâu sắc thì sẽ chạy đua thành tích để giữ ghế. Nhưng ông ý không phải cầm đội tuyển Việt Nam lần đầu. Ông ấy có thể kiểm soát để đội tuyển không mất phương hướng.

Nhưng mở đầu AFF Cup 2008, chúng ta lại tiếp tục thua trận. Tất nhiên thất bại trước Thái Lan khi phải đá trên sân nhà của họ không phải điều gì quá nặng nề. Nhưng trong trận đấu đó, thủ môn Dương Hồng Sơn đã mắc phải một sai lầm tệ hại trực tiếp dẫn tới bàn thua. Vấn đề tâm lý có vẻ như vẫn chưa được giải quyết và sức ép cho HLV Calisto hẳn nhiên vẫn tiếp tục tăng lên?

Ông Calisto có một điểm là dù khó khăn hay thuận lợi thì cách biểu hiện tinh thần, cách làm của ông ấy không hề thay đổi. Người ta làm rất có niềm tin. Dù thắng hay thua thì ông ấy vẫn tin những gì mà mình đang làm. Đó là yếu tố của thành công. Tất nhiên chúng ta không thể nói cứ tin là sẽ có thành công được. Nhưng khi có niềm tin mãnh liệt như thế thì khả năng thành công cũng là tương đối cao.

Cựu trung vệ Vũ Như Thành: ‘Không ai giống tôi cả, vì tôi chơi giống Nesta’

Sự tự tin đã giúp bóng đá Việt Nam vượt qua được cái dớp mang tên Thái Lan ở cuối hành trình (Ảnh: AFF)

Về phía HLV Calisto là như vậy, nhưng còn với các cầu thủ…

Nói thật, truyền thông là động lực để ĐT Việt Nam chơi tốt. Bởi vì câu nói đội tuyển Việt Nam yếu nhất trong 10 năm đã động chạm rất nhiều vào lòng tự ái của anh em cầu thủ. Lúc này chúng tôi được gọi là huyền thoại. Nhưng đó là câu chuyện khi thành công thôi. Còn ở thời điểm ấy, chúng tôi đã bị gọi như thế. Ông Calisto thậm chí còn cấm báo chí liên quan đến đội tuyển trước vòng bán kết. Ông không cho gặp, không cho xem tập luôn. Vì báo chí không ủng hộ. Câu chuyện cuộc sống mà, đá thua thì chửi thôi, đá thắng thì khen thôi.

Cá nhân anh thì sao? Một trung vệ mà phải chơi bóng dưới áp lực và cả sự tự ái nghề nghiệp nữa chắc hẳn không dễ dàng gì.

Tôi không bị ảnh hưởng khen chê nhiều lắm. Khi thấy khán giả người hâm mộ thì mình vui và hanh phúc hơn. Tôi được khen từ khi còn rất trẻ nhưng cũng vùi dập không thương tiếc. Vì thế ở thời điểm đó bản thân tôi cũng quen rồi.

Nhưng trong đội có lẽ không phải ai cũng đủ mạnh mẽ và kinh nghiệm để tự mình vượt qua được những sóng gió giống như anh. Vào những lúc như thế, vai trò “giữ lửa” của HLV trở nên vô cùng quan trọng. Calisto chắc chắn phải là một người biết cách tạo ra tầm ảnh hưởng rất lớn để xốc dậy tinh thần của toàn đội?

Đầu tiên tôi chỉ biết đến Calisto qua những trận đấu, cũng giống như cách mọi người biết về ông ấy thôi. Ở cấp CLB, ông ấy là HLV đối thủ (Gạch ĐTLA) của đội bóng tôi (B.Bình Dương). Nhưng đến khi làm việc chung thì Calisto để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng. Ông ấy lúc nào cũng cháy bỏng với công việc.

Về mặt chuyên môn, Calisto đương nhiên là HLV thành công nhất ở Việt Nam. Riêng ở cấp độ ĐTQG thì đến giờ, Calisto vẫn là số 1. Ông ấy am hiểu bóng đá Đông Nam Á, từng làm ở CLB hạng cao nhất tại Bồ Đào Nha, là thành viên hội đồng HLV tại Bồ Đào Nha. Rõ ràng, Calisto không phải là người vớ vẩn.

Calisto cũng là người sống rất có tình. Ông ấy gây dựng cho bản thân tôi rất nhiều. Về sau, tôi cùng Việt Thắng và Calisto có rất nhiều tình cảm dành cho nhau. Thực ra mà nói thì trước khi Calisto dẫn dắt ĐT Việt Nam, tôi cũng đã làm việc với HLV khác ở đội tuyển quốc gia. Nhiều người nói là trước năm 2008 tôi gặp nhiều khó khăn. Nhưng chẳng có khó khăn nào cả. Khi đó, tôi đang là nhà vô địch quốc gia (cùng B.Bình Dương). Tôi ký hợp đồng 7 tỷ. Từ cuối năm 2005, tôi đã trở lại thi đấu cho đội tuyển Việt Nam và thi đấu 3 năm liên tiếp rồi.

Còn nói về tầm ảnh hưởng thì đúng là Calisto có những khác biệt nhất định ở cách xây dựng lối chơi, lên tinh thần cho các cầu thủ. Ông ấy khiến tôi cảm nhận rằng đội tuyển tốt dần lên.

Cựu trung vệ Vũ Như Thành: ‘Không ai giống tôi cả, vì tôi chơi giống Nesta’ - 1

"Rõ ràng,Calisto không phải là người vớ vẩn" (Ảnh: VFF)

LÀM SAO MÀ THUA THÁI LAN ĐƯỢC !!!

Sau thất ở trận ra quân, Việt Nam tiếp tục phải trải qua 90 phút đầy khó khăn trước Malaysia ở lượt trận thứ hai. Giành chiến thắng nghẹt thở ở những phút cuối, trong bối cảnh chơi có phần lép vế hơn đối thủ chắc hẳn mang lại rất nhiều sự giải tỏa…

Anh nói đến bàn thắng của Vũ Phong phải không? Thật sự đó là sự kết hợp của nhiều cái: May mắn, quyết tâm của toàn đội, tinh thần chiến đấu đến phút cuối cùng. Khi mà có được bàn thắng thì niềm tin lên cao rất nhiều rồi.

Niềm tin lên cao và chúng ta sau đó thể hiện bộ mặt khác biệt hoàn toàn so với lúc trước. Nhưng nói gì thì nói, Thái Lan vẫn luôn là chướng ngại lớn nhất với Việt Nam kể từ khi chúng ta quay trở lại với đấu trường khu vực. Ở thời điểm nắm trong tay cơ hội giành chức vô địch, chiến thắng 2-1 trước người Thái tại trận chung kết lượt đi có thể coi là bước ngoặt quan trọng nhất của toàn đội?

Trận thắng Thái Lan không phải mấu chốt để vô địch đâu. Thực ra chiến thắng lượt về trước Singapore ở bán kết mới là mấu chốt. Năm ấy tôi ấn tượng nhất trận Singapore. Lượt về khó khăn lắm. Đến lúc đội tuyển Việt Nam thắng trên đất Singapore thì niềm tin của chúng tôi cao lắm. Tôi không còn cảm giác sẽ thua Thái nữa. Mọi thứ trở nên khác hẳn.

Cụ thể mọi chuyện khó khăn ra sao?

Singapore là đội chơi bóng dài. Sau lượt đi hòa 0-0 ở Mỹ Đình, họ trở về sân nhà và dồn ép lại Việt Nam với lối chơi chủ yếu sử dụng bóng dài. Đội tuyển Việt Nam thì bé mà Singapore gồm 3-4 cầu thủ nước ngoài. Có những cầu thủ như Casmir, cầu thủ số 8 Alam Shah, đội trưởng người gốc Serbia, số 7 tiền vệ Shi Jiayi và nhiều cầu thủ nhập tịch khác. Lối chơi của họ thực sự gây ra khó khăn cho đối thủ, tấn công dồn dập, cộng với sức ép từ sân vận động với sức chưa 6 vạn người. Tôi cảm thấy khó thở.

Vậy ông Calisto chỉ đạo thế nào ở hàng thủ để khóa cầu thủ cao to?

Ông ấy bảo ngăn chặn những đường chuyền dài từ vị trí nguy hiểm. Chuyền dài từ dưới sân nhà lên thì có thể hóa giải. Nhưng nếu là những đường chuyền ở cự ly 30 mét ở phần sân của chúng ta, đặc biệt là các đường chuyền ở ngoài biên thì khả năng bàn thắng đến từ những quả tạt rất cao.

Chiến thắng nghẹt thở của Việt Nam trước Singapore ở trận bán kết lượt về (Video: VTV)

Anh có nói vượt qua Singapore là mấu chốt trên con đường đi tới chức vô địch của ĐT Việt Nam năm đó. Nhưng chúng ta vẫn phải nhìn nhận rằng trận thắng trước Thái Lan sau đó mang lại những cảm giác thực sự khó tả…

Bạn phải biết rằng 50 năm rồi Thái Lan không thua các đội Đông Nam Á trên sân nhà của mình đâu. Nên khi giành chiến thắng, cảm xúc của nhiều anh em, của các khán giả như là vô địch rồi. Chúng tôi phấn khích, bùng nổ và cảm thấy tự hào lắm. Bước vào phòng thay đồ, HLV Calisto biểu hiện cảm xúc về sức mạnh, tự tin, chiến thắng.

Ông ấy nói rằng: “Một khi chúng ta có niềm tin thì chúng ta sẽ làm được. Chúng ta sẽ chiến đấu và chiến thắng”. Không chỉ thi đấu mà trong các buổi tập, bữa ăn ông ý truyền vào đầu cầu thủ từ một quá trình xuyên suốt nhiều tháng trời. Tại sao 3-4 tháng, một loạt trận đấu không thắng mà ông ấy không mất niềm tin. Người giỏi thì người ta nhìn thấy chuyên môn. Người ta biết thời điểm này không được nhưng nếu làm đúng thì sẽ được.

Chiến thắng đó chắn hẳn mang lại sự tự tin rất lớn cho toàn đội khi trở lại Mỹ Đình?

Thực sự thì 45 phút đầu tiên của trận lượt về khó khăn lắm. Về cơ bản, rất nhiều người căng cứng. Bản thân tôi căng cứng 20 phút đầu vì áp lực nhiều, từ khán giả rồi bao nhiêu sự kỳ vọng. Chúng ta không thể hiện được lối chơi và rơi vào khó khăn. Giữa giờ nghỉ 2 hiệp, Calisto rất tức giận. Nhưng từ lời nói của ông, sự tự tin cho cầu thủ được cải thiện. Cầu thủ thay đổi trạng thái từ mất niềm tin sang có niềm tin hơn.

Sự thay đổi mà anh nói cụ thể diễn biến ra sao?

Khi chúng ta vượt qua được thời điểm hiệp 1, tôi biết chúng ta không sợ Thái. Cơ hội chiến thắng là 50-50. Một bàn thắng thay đổi rất nhiều. Một quả sút vu vơ cũng sẽ tạo ra sự khác biệt.

Thời điểm khó khăn nhất là ở hiệp 1. Toàn đội chơi căng cứng. Bản thân tôi cũng căng cứng. Nhưng khi thoát được áp lực, lấy được bình tĩnh thì những gì Calisto xây dựng trong 4 tháng qua bắt đầu phát huy hiệu quả.

Toàn đội bắt đầu phát huy được lối chơi nhỏ, ban bật. Lúc nào ông ý cũng bảo tạo ra tam giác. Khi mà có tam giác thì chúng ta chơi được, chuyền bóng cho nhau được.  Khi chúng ta kiểm soát được quả bóng, kiểm soát được thế trận. Và bàn thắng sau cùng của Công Vinh đến chính là đỉnh cao của cảm xúc.

Cựu trung vệ Vũ Như Thành: ‘Không ai giống tôi cả, vì tôi chơi giống Nesta’ - 2

Niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng đã giúp Như Thành vượt qua được những thời điểm khó khăn nhất khi đối đầu với Thái Lan ở trận chung kết (Ảnh: AFF)

KHÔNG AI GIỐNG ĐƯỢC TÔI, VÌ TÔI GIỐNG NESTA

Ngoài cái duyên của hàng công, sự chắc chắn ở hàng phòng ngự cũng là điểm mấu chốt mang đến chức vô địch lịch sử của bóng đá Việt Nam. Nhưng bản thân anh có cảm thấy có điều gì tiếc nuối ở giải đấu năm đó không? Một điều gì đó có thể giúp chúng ta đỡ vất vả hơn trên con đường tới với cúp vàng.

Hàng thủ đội tuyển năm đó ngoài tôi thì còn có Minh Đức, Phước Tứ, Quang Thanh…. Và có một người nữa mà đáng lẽ phải tham gia đội tuyển là anh Huy Hoàng. Sau cùng vì vấn đề cá nhân mà ông Calisto gọi anh không tham gia.

Anh có cảm thấy tiếc không khi không được sát cánh với Huy Hoàng?

Năm ấy, việc Huy Hoàng không tham gia thì quá đáng tiếc. Nếu có Huy Hoàng thì mọi thứ đã dễ dàng hơn. Đội tuyển mình có thêm sức mạnh. Bản thân Huy Hoàng cũng là một trong những trung vệ tốt nhất của Việt Nam trong một thập kỷ trở lại đây.

Hỏi thật, nếu có Huy Hoàng trên tuyển, thì liệu đó có phải là “đối thủ” của anh không, khi anh từng nói mình không có đối thủ ở năm 2008?

Anh Hoàng, Tứ, Công, không ai chơi giống tôi cả. Tôi chỉ nói vậy thôi, về cách chơi nhé!

Cựu trung vệ Vũ Như Thành: ‘Không ai giống tôi cả, vì tôi chơi giống Nesta’ - 3

Như Thành và Huy Hoàng từng chơi khá ăn ý với nhau trong chiến dịch Asian Cup 2007, nơi ĐT Việt Nam lọt vào vòng tứ kết (Ảnh: AFC)

Điều gì đã định hình nên một Như Thành nổi bật và khác biệt như vậy?

Tôi được đào tạo ở Thể Công. Mà nói đến Thể Công là nói đến nơi đào tạo trung vệ số 1. Ai cũng biết cựu trung vệ Mạnh Dũng xuất sắc thế nào, từ tố chất, tư duy, kỹ chiến thuật. Mà không chỉ trung vệ không đâu, Thể Công đào tạo rất bài bản, truyền thống ở nhiều vị trí khác nữa. Tôi còn nhớ người dạy tôi là chú Quản Trọng Hùng. Nhưng phải nói là phong cách chơi bóng là tự tôi định hình lấy. Tôi không học ai ở Thể Công cả, kể cả là anh Mạnh Dũng.

Tôi tự tìm đến một khuôn mẫu mà mình cảm thấy phù hợp. Tôi hâm mộ cầu thủ duy nhất là Alessandro Nesta của Italia. Rất nhiều kỹ năng tôi học từ anh ta. Tất nhiên là ở một trình độ thấp hơn. Tôi thấy cách chơi của anh ta phù hợp để mình học hỏi. Chứ bảo tôi chơi như John Terry hay cầu thủ nào khác mà bản thân mình không có phẩm chất ấy thì thật sự rất khó. Cái mình định hình phong cách của bản thân cũng là để mình phát triển sự nghiệp.

Vậy, phong cách Nesta là như thế nào?

Nesta là một trung vệ có thể biến một pha xoạc bóng như một pha ghi bàn. Một pha xoạc bóng của Nesta chẳng khác nào Messi ghi bàn cả. Nó đẹp lắm, kỹ thuật lắm, quá nhiều màu sắc luôn. Người ta chơi đẹp, tư duy, định hình được những gì cần làm. Cái đấy khó lắm. Chứ một pha bóng để mà lao lên, băng cắt thì nhiều người làm được lắm. Khi Nesta phòng ngự, anh ấy chặn đường đi tiếp theo của đối thủ. Cái đấy khó lắm. Ví dụ mình đang có bóng trong chân mà người ta bắt sang nhịp 2. Thực sự không dễ chút nào.

Cựu trung vệ Vũ Như Thành: ‘Không ai giống tôi cả, vì tôi chơi giống Nesta’ - 4

Nói về sự xuất sắc người đồng đội Như Thành, tiền đạo Việt Thắng kể lại rằng sau trận giao hữu giữa ĐT Việt Nam vs Olympic Brazil vào mùa hè 2008, HLV Carlos Dunga từng hỏi: "Cầu thủ số 7 của Việt Nam là người nước nào vậy?". Một câu chuyện không dài, nhưng đủ để hiểu được đẳng cấp của Như Thành ở thời kì đỉnh cao phong độ (Ảnh: VFF)

GIÁ NHƯ NGÀY ĐÓ CÓ FACEBOOK…

Chức vô địch AFF Cup 2008 hẳn nhiên sẽ thay đổi nhiều đối với anh em cầu thủ, không chỉ nằm ở việc từ “Đội tuyển yếu nhất 10 năm qua” trở thành “Thế hệ vàng 2008”?

Ở thời điểm ấy, giá trị chuyển nhượng cầu thủ lên cao hơn, mọi cái tốt hơn. Nhưng phải nói là hồi đấy chúng tôi có một cái thiệt thòi. Đó là việc thời điểm ấy phương tiện truyền thông không phát triển được như bây giờ. Nếu có facebook, hẳn nhiên chúng tôi sẽ kiếm nhiều tiền hơn, mọi người trân trọng quý mến hơn, đánh giá nghề nghiệp tốt hơn.

Như bây giờ, chỉ cần tài khoản facebook được 1 triệu like hay 1 triệu follow thôi là đã khác rồi. Thế hệ tôi nếu như có những cái đó thì đôi khi cũng sẽ chỉn chu, bảnh bao hơn. Cá nhân tôi sẽ không mải chơi hơn, sẽ giữ gìn hơn. Đấy là tôi nói đôi khi, đôi khi thôi nhé.

Vậy giả sử nếu có facebook ở thời điểm đó, anh có nghĩ rằng mạng xã hội sẽ giúp đông đảo người hâm mộ có cái nhìn tốt hơn và gạt bỏ cú vấp 2003, khi anh bị treo giò tới 5 năm vì nghi án bán độ ở JVC Cup?

Tôi nghĩ ngay cả khi không có facebook thì ở thời điểm đó, tất cả đã có cái nhìn tốt về tôi. Lúc đấy tôi đâu có khó khăn gì nữa. Tôi đang là một trong những cầu thủ có giá trị chuyển nhượng nhiều nhất, một trong những cầu thủ đóng góp cho đội tuyển nhiều nhất cơ mà. Bản thân tôi cũng được tưởng thưởng huân chương. Tôi còn vào đội hình tiêu biểu châu Á. Và vài kênh truyền hình của nước ngoài còn đến tận nhà quay cuộc sống của tôi. Còn anh có đề cập đến năm 2003 thì tôi khẳng định, thất bại 2003 là đòn bẩy thúc đẩy tôi gấp bội, hơn cả việc nếu tôi không vấp ngã năm 2003. 

Cựu trung vệ Vũ Như Thành: ‘Không ai giống tôi cả, vì tôi chơi giống Nesta’ - 5

HLV Henrique Calisto từng tâm sự: 20 năm mới có cầu thủ như Lê Công Vinh, 50 năm mới có 1 cầu thủ như Hồng Sơn (Thể Công) nhưng chắc chắn hơn 100 năm nữa bóng đá Việt Nam mới có cầu thủ Như Thành" (Ảnh: TTVH)

Anh có nhắc đến việc sẽ không mải chơi hơn, giữ gìn hơn nếu thế hệ anh có mạng xã hội, tất nhiên chỉ là đôi khi như anh có nhắc đến. Vậy nếu như Như Thành chỉn chu hơn, siêng năng hơn, anh có nghĩ sự nghiệp mình còn thăng hoa hơn nữa, dù lúc đấy, Như Thành đã là trung vệ số 1 ở Việt Nam?

Phong độ của tôi kéo dài xuyên suốt trong nhiều năm chứ không phải một năm đâu. Và tôi là người thực tế và nó cũng đã trải qua rồi. Chẳng ai nói trước được gì. Có thể sự nghiệp tôi lên thật đấy mà cũng có thể mà ngoan mà chẳng được như thời điểm bấy giờ thì sao. Tôi nói vui như thế.

Vậy khép lại một sự nghiệp nhiều gai góc, anh có cảm thấy tiếc nuối một điều gì đó không?

Một chút nào đó thôi. Còn về cơ bản, kể cả cuộc đời, sự nghiệp, tiền bạc luôn thì đến bây giờ, tôi thật sự không tiếc nuối. Khi mọi thứ qua đi, nó cũng không quay trở lại được nữa. Có những cái nó quay trở lại được nhưng cũng sẽ không tròn trịa như xưa. Mà chúng ta tiếc nuối thì cũng không giúp ích được gì cả.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

VÀI NÉT VỀ TRUNG VỆ VŨ NHƯ THÀNH

Năm sinh: 1981

Quê quán: Nam Định

Chiều cao: 1m82

Vị trí thi đấu: Trung vệ

Sự nghiệp cầu thủ:

2001 - 2004: Thể Công

2007 - 2009: B.Bình Dương

2010 - 2012: The Vissai Ninh Binh

2013: Vicem Hải Phòng

2014 - Hùng Vương An Giang

2014 - 2016: XM Fico Tây Ninh

2017 - Phù Đổng

Như Thành khoác áo ĐTQG từ năm 2003 - 2010, đá 50 trận, ghi 2 bàn

Âu Bằng (SHTT)

Nổi bật