- Ông đánh giá thể nào về việc trọng tài Cuneyt Cakir không cho Nigeria hưởng phạt đền, dù Marcos Rojo để tay chạm bóng trong cấm địa của Argentina?
- Không hiểu tại sao ông Cakir không thổi phạt đền. Tình huống đó là một đường chuyền dài, cầu thủ Argentina di chuyển tới trái bóng và nhảy lên đánh đầu, tay vung lên cao. Hành động này gọi là tay tới bóng và phải thổi phạt đền.
Theo luật FIFA mới áp dụng năm 2018-2019, trang 102 giải thích rất rõ về cách xem xét việc dùng tay chơi bóng, có ba yếu tố: sự di chuyển của tay tới bóng (không phải bóng tới tay), khoảng cách giữa đối phương và bóng (xa, không bất ngờ) và vị trí của tay không cần thiết. Cả ba yếu tố trên đều có, vì vậy đó phải là một quả phạt đền.
- Sau khi bị phản ứng, trọng tài Cakir đã sử dụng công nghệ xem lại VAR nhưng vẫn không thổi phạt đền. Ông đánh giá thế nào về hành động này của trọng tài Cakir?
- VAR chỉ là công cụ tham khảo, quyết định vẫn thuộc về con người. Trong tình huống này bằng mắt thường, trọng tài có thể chưa thấy rõ bóng chạm tay hay không. Nhưng khi xem lại bằng công nghệ VAR, ông ấy chắc chắn biết rõ bóng đã chạm tay và hội tụ đủ ba yếu tố cấu thành quả phạt đền như tôi nêu ở trên nhưng vẫn không thổi phạt. Thật khó hiểu.
- Nhiều ý kiến cho rằng có thể trọng tài đã cho cầu thủ Nigeria hưởng lợi thế để dứt điểm nhưng không thành bàn. Ông nghĩ sao?
- Ở đây, cầu thủ Nigeria phải tự trách mình trước, khi không tận dụng tình thế và thực hiện luôn một cú sút. Nhưng nếu nói trọng tài đã cho họ hưởng lợi thế thì không đúng. Bởi ông Cakir không đưa ra ký hiệu cho lợi thế. Trong luật, phạt đền chỉ nên áp dụng lợi thế khi có một cơ hội ghi bàn rõ rệt.
- Quan điểm của ông như thế nào về tình huống chịu phạt đền đầu tiên của Argentina, khi Javier Mascherano ôm một cầu thủ Nigeria trong cấm địa?
- Đó là quả phạt đền chính xác. Mascherano đã có động tác ôm người đối phương và kéo về sau, gọi là “Lôi kéo đối phương”, nằm ở một trong 10 lỗi phạt trực tiếp.
- Đây là World Cup đầu tiên công nghệ VAR được áp dụng và nó gây nhiều ý kiến trái chiều. Cá nhân ông đánh giá thế nào?
- Tôi ủng hộ việc sử dụng VAR vào bóng đá. Thay vì hoài nghi nhau, VAR là câu trả lời cho tất cả. VAR làm cuộc chơi công bằng hơn, nhưng vẫn giữ được sự hấp dẫn khi đưa khán giả từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. Từ chết lặng đến niềm vui vỡ oà, hoặc ngược lại.
Nhưng nó vẫn được vận hành bởi con người, và trọng tài chỉ xem lại khi có sự tư vấn của các đồng nghiệp tại trung tâm vận hành hệ thống VAR. Nếu lỗi xảy ra mà trọng tài chính không trông thấy, và những người vận hành VAR cũng cho rằng không có lỗi, thì họ sẽ không chuyển thông báo cho trọng tài chính. Đó là lý do vẫn còn một số tình huống trọng tài đã bỏ qua VAR ở giải lần này. Nhìn chung, VAR làm cuộc chơi công bằng hơn, nhưng nó không hoàn hảo một cách tuyệt đối.
- Nhiều ý kiến cho rằng áp dụng công nghệ vào bóng đá khiến cuộc chơi mất đi sự hấp dẫn?
- Bóng đá phải có tranh cãi, hoài nghi, sai lầm... Chính những điều đó đã đem lại cho môn thể thao này sự hấp dẫn riêng. Nhưng một công nghệ, hay nói chính xác hơn là “Bộ giao thức” (Var Protocol), làm trận đấu trở nên công bằng hơn thì cũng nên áp dụng, không nên bảo thủ.
Nguyên tắc hoạt động của VAR là tư vấn cho trọng tài, còn quyền quyết định sau cùng vẫn là trọng tài chính. Nếu được, theo tôi nên cho các đội xem lại VAR trong một số tình huống như việt vị hay không việt vị, bóng trong hay ngoài sân… Còn phạt đền hay không phạt đền, lỗi hay không lỗi, thẻ vàng hay thẻ đỏ thì không nên cho các đội xem. Vì bóng đá là môn thể thao đối kháng, va chạm thân thể, trọng tài là người điều hành trận đấu, theo Luật 5 của FIFA. Mọi quyền quyết định thuộc về trọng tài chính.
Cũng có ý kiến cho rằng có thể trao cho các đội mỗi hiệp đấu một lần được quyền nhờ trọng tài cho xem VAR, nếu tình huống khiếu nại đúng thì được giữ quyền ấy, còn sai thì mất quyền. Tôi nghĩ đó cũng là một cách hay. Nó tránh trường hợp tình huống nào cũng phản ứng đòi xem lại như hiện nay, làm trận đấu ngắt quãng, xé lẻ và không còn sự hấp dẫn nữa.
Theo Đức Đồng (VnExpress.net)