- Cuộc sống của anh và gia đình thế nào trong những ngày giãn cách xã hội?
- Tôi quanh quẩn với việc nhà thôi. Cả chục ngày nay, tôi chỉ ra ngoài một lần để đưa đón vợ đi làm vì không muốn cô ấy đi taxi. Còn lại, tôi chăm vườn lan, tranh thủ dạy cậu thứ ba đi xe đạp, tắm cho cậu út Khoai và ngăn cậu cả Mẫm... ăn. Thời gian rảnh, tôi lên tầng và xem lại những trận đấu của Liverpool. Không phải để giết thời gian đâu nhé. Tôi nghiên cứu cách họ triển khai lối chơi, bấm đồng hồ xem họ mất bao nhiêu giây để lên bóng, để tranh cướp trên sân nhà, giữa sân hay bên phía đối phương. Tôi ghi lại rồi vạch ra các kế hoạch để khi tập trung trở lại có thể áp dụng cho đội trẻ Hà Nội.
- Tại sao anh thích Liverpool?
- Chắc là do bản tính nên tôi thích kiểu chơi áp đặt, đối thủ mạnh mấy cũng phải ép theo lối chơi của mình. Tôi cũng thích HLV Jurgen Klopp nữa. Ông ấy luôn tràn đầy năng lượng trên ghế chỉ đạo, và cũng rất chân tình với cầu thủ. Tính cách đó có phần giống với HLV Henrique Calisto ở đội tuyển Việt Nam trước đây. Tôi chịu ảnh hưởng của họ, nên trong công việc cũng đối xử với cầu thủ như con cái. Có người đi sai đường lạc lối, tôi gọi đến nhà ăn cơm, chỉ cho họ biết đúng sai.
- Nghe có vẻ như anh là người cũng tình cảm, chứ không giống với một Dương Hồng Sơn dữ dằn, máu lửa thuở còn thi đấu?
- Tôi là người rõ ràng thì đúng hơn. Ở đội, tôi đối xử công bằng với tất cả. Ai tập tốt thì được thi đấu. Còn không, tôi nắn ra trò.
- Hồi còn thi đấu, anh hai lần vô địch V-League cùng Hà Nội T&T, rồi đăng quang AFF Cup 2008 và trở thành thủ môn hiếm hoi giành danh hiệu "Quả Bóng Vàng Việt Nam". Nhưng có lẽ, ít người biết cơ duyên đưa anh đến với bóng đá?
- Tôi gia nhập SLNA nhờ một sự tình cờ. Năm 1997, đội trẻ huyện Quỳnh Lưu đá giao hữu với đội trẻ SLNA. Đúng ngày diễn ra trận đấu, thủ môn của chúng tôi bận đi học nên HLV bảo tôi bắt gôn. Tôi đồng ý ngay dù chưa chơi ở vị trí đó bao giờ. Sau trận, SLNA chọn đúng một người để đưa về lò đào tạo trẻ của họ, và đó chính là tôi. Từ đó tôi gắn chặt sự nghiệp của mình với đôi găng.
Nhưng... cũng chính SLNA suýt khiến tôi từ giã sự nghiệp khi 25 tuổi. Mùa 2004, tôi mắc sai lầm trong trận đấu với Đồng Tháp tại V-League. Một năm sau, trong trận gặp Thể Công, tôi va chạm với đối phương nên bị phạt thẻ đỏ, còn đội nhà dính phạt đền và bị loại ở Cup Quốc gia. Cả hai lần tôi đều viết kiểm điểm, thừa nhận mắc lỗi nhưng lãnh đạo không chịu, cho rằng tôi bán độ dù không có bằng chứng. Tôi kiến nghị mời công an vào cuộc, và cam kết nếu sai sẽ đi tù. Nhưng họ không làm mà cứ nói xấu sau lưng. Lúc đó tôi thực sự hết hứng thú trái bóng. Ra sân bắt tốt thì không sao, lỗi là bị gán cho cái tiếng bán độ. Tôi định giải nghệ rồi đấy, nhưng vợ động viên, khuyên can nên lại cắn răng thi đấu. Đó là những ngày đen tối nhất trong sự nghiệp của tôi. Vì thế khi hết hợp đồng với SLNA và được Hà Nội T&T ngỏ lời, tôi quyết tâm ra đi dù đội bóng của bầu Hiển lúc đó đá ở hạng Nhất.
- Bây giờ nhìn lại, anh nghĩ thế nào về bước ngoặt đó?
- Có lẽ định mệnh đã chọn con đường đó, vì suýt chút nữa tôi có thể đã không đến Hà Nội. Một buổi trưa năm 2007, tôi đang ngồi ăn cùng HLV Triệu Quang Hà thì mẹ vợ gọi. Bà hoảng hốt bảo có người vào nhà, đổ cả bao tải tiền ra sàn rồi bảo đếm. Hoá ra, Chủ tịch CLB Hải Phòng cùng ba nhân viên đi xe 12 chỗ vào tận Vinh, mang theo bao tải tiền để thuyết phục tôi gia nhập đội bóng. Đó là 2,3 tỷ đồng. Họ còn nói nếu đến sân Lạch Tray chụp ảnh ra mắt áo mới vào chiều cùng ngày, tôi sẽ được thêm 300 triệu đồng.
Số tiền quá lớn lúc đó, nhưng tôi từ chối vì đã nhận lời Hà Nội T&T. Lúc đó Hà Nội T&T đề nghị ký hợp đồng ba năm, lót tay 1,6 tỷ đồng. Còn nếu đến Hải Phòng, tôi nhận nhiều hơn một tỷ mà hợp đồng chỉ hai năm. Mới nói miệng, chưa ký kết gì với Hà Nội T&T nhưng nghĩ mình là đàn ông, nói phải giữ lời. Triệu Quang Hà bất ngờ lắm, gọi ngay cho bầu Hiển. Bầu Hiển cảm kích, bảo sẽ thưởng thêm 100 triệu nhưng tôi không nhận. Ngay tối đó, tôi ra Hà Nội ký hợp đồng.
- Trong tám mùa giải ở Hà Nội, anh cũng không tránh khỏi những giai đoạn thăng trầm. Hai lần vào chung kết Cup Quốc gia đều thất bại, hoặc những chấn thương dẫn đến mất vị trí ở giai đoạn hai mùa 2015. Vậy có bao giờ anh lung lay và nghĩ đến chuyện tìm cho mình bến đỗ khác?
- Năm 2010, tôi hết hợp đồng với Hà Nội T&T. Bình Dương lập tức tiếp cận. Nếu đồng ý ký vào bản hợp đồng ba năm, tôi sẽ bỏ túi 12 tỷ đồng. Tiền nhiều quá, nhưng tôi cũng không mất thời gian suy nghĩ để từ chối. Ký tiếp với Hà Nội, tôi nhận lót tay ít hơn. Nhưng mảnh đất này quá có tình với tôi. Ngày còn ở Nghệ An, hai vợ chồng mãi không có con. Hai, ba lần có lại sảy. Nhưng ra Hà Nội, vợ tôi đẻ sòn sòn. Giờ thì bốn đứa rồi. Lãnh đạo CLB cũng giúp đỡ nhiều, tạo công ăn việc làm cho vợ, còn bảo tôi gắn bó trọn đời, hết thi đấu thì chuyển sang huấn luyện. Thế thì đi sao được.
- Mới theo nghiệp HLV hai năm nhưng anh đã giúp U21 Hà Nội vô địch giải quốc gia 2019 và U21 Việt Nam lên ngôi ở giải U21 quốc tế. Dự định tiếp theo của anh là gì?
- Tôi may mắn có người vợ biết vun vén. Gia đình bây giờ có cả trang trại nuôi yến, lợn, đầm tôm và siêu thị. Tôi không còn quá nặng gánh lo kinh tế và có thể chuyên tâm cho việc trở thành một HLV.
Một số đội bóng ở V-League đã ngỏ ý nhưng tôi chưa nhận lời. Tôi cần thời gian để tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm. Tôi đang đầu tư để học tiếng Anh. Vì đó là công cụ tốt nhất để tiếp cận chiến thuật bóng đá thế giới. Tôi cũng tranh thủ đọc thêm để hiểu cách các HLV làm tâm lý cho học trò, cách sử dụng công nghệ để phân tích đối thủ... Sẽ rất thách thức trong chặng đường tiếp theo, nhưng tôi biết mình vẫn còn đam mê và cảm thấy nợ bóng đá nhiều lắm.
Theo Lâm Thoả (VnExpress.net)