Hơn 1 ngày qua, người hâm mộ thể thao nói chung và bóng đá Việt nói riêng chưa hết sốc sau khi nghe xong đoạn ghi âm về cuộc họp hòa giải do VFF tổ chức tại Hà Nội hôm 15-5, trong đó có nhiều câu chửi thề và đe dọa "cho đàn em lên tới nhà luôn" của Phó Chủ tịch Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Mạnh Hùng với Phó Ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền (Báo Người Lao Động sáng 19-5 phản ánh trong bài viết "Cuộc họp đầy ‘dung tục’ của quan chức VPF và VFF" có kèm clip).
Người hâm mộ bắt đầu biết nhiều đến ông Trần Mạnh Hùng, chủ tịch CLB Hải Phòng, tại Hội nghị tổng kết Các Giải Bóng đá chuyên nghiệp quốc gia vào ngày 28-9-2015 tại Hà Nội. Khi đó ông Hùng phát biểu phê bình các lãnh đạo VPF về công tác tổ chức V-League và "soi" lương 1 phó tổng giám đốc VPF cả tỉ đồng/năm mà không tìm được 1 xu tài trợ!
Trước vụ gây sốc của ông Hùng hôm 15-5, lãnh đạo VPF khóa mới đã bị không ít điều tiếng về cách hành xử với người tiền nhiệm (buộc nguyên Phó Chủ tịch VPF dọn đồ ra khỏi văn phòng chỉ vài ngày sau khi VPF bầu ban lãnh đạo khóa mới vào tháng 12-2017) và định hủy hợp đồng với đối tác truyền thông đang hợp tác tốt. Lãnh đạo VPF khóa cũ và báo chí cũng đã phản ánh về trường hợp VPF chi hơn 1 tỉ đồng mua xe mới và thuê tài xế phục vụ vấn đề đi lại cho lãnh đạo khóa mới dù VPF khóa cũ đã để lại 2 chiếc xe vẫn còn tốt nhờ nguồn vận động tài trợ. Thậm chí, có đề xuất trả lương cho chức danh chủ tịch và phó chủ tịch VPF nhưng bị phản đối nên đề xuất này phá sản!
Cần nhắc lại là VPF đang hoạt động trên vốn của cổ đông, với gần 2/3 là từ đóng góp của các CLB. Nhưng đa số các CLB bóng đá ở Việt Nam vẫn chưa làm bóng đá có lãi và hầu hết những CLB ở Giải hạng nhất còn nghèo, sống dựa vào ngân sách địa phương và "chạy ăn" từng mùa. Vì thế, chủ tịch VPF 2 khóa trước là ông Võ Quốc Thắng tâm sự rằng mỗi khi chi tiêu mục nào, ông với cộng sự đều rất cân nhắc nhằm tiết kiệm cho cổ đông. Bầu Thắng thậm chí chỉ dùng tiền túi khi tiếp khách cho VPF.
Trở lại với vụ ông Trần Mạnh Hùng – Dương Văn Hiền, ông Hiền đang là ủy viên ban chấp hành (BCH) VFF, tổ chức có 35,4% vốn trong VPF, còn ông Hùng không có chức danh gì trong VFF. Qua cách hành xử và những lời đe dọa "cho đàn em lên tới nhà luôn" của ông Hùng với ông Hiền, liệu ông Hùng có còn đủ tư cách làm trong lĩnh vực văn hóa thể thao nữa không, chứ chưa nói là lãnh đạo VPF? Như Trưởng Ban Kiểm tra VFF Nguyễn Nam Hùng trả lời Báo Người Lao Động trưa 19-5, VFF và VPF phải tìm hướng giải quyết bởi giờ không còn là chuyện cá nhân của hai ông Hùng và ông Hiền nữa mà ảnh hưởng đến hình ảnh của VFF rồi. Một ủy viên BCH VFF bị đe dọa công khai thì thường trực VFF phải vào cuộc!
Ông Mạnh Hùng còn được đề cử vào BCH VFF khóa 8. Tới đây Tiểu Ban Nhân sự VFF và Ban Kiểm tra tư cách đại biểu đại hội khóa 8 có dám loại ra ngoài danh sách bầu cử những người chưa đủ tư cách như ông hay không?
Nhiều bạn đọc gởi đến Báo Người Lao Động đề nghị tâm huyết: "Hãy gửi file ghi âm này đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịchđể có biện pháp xử lý rốt ráo vụ việc, trả lại sự trong sạch cho nền bóng đá nước nhà".
Theo Hoàng Tú (Nld.com.vn)