Chuyện muôn năm cũ của HLV Popov
"Trọng tài Việt Nam có trình bộ chuyên môn giỏi nhất thế giới. Vì thế, CLB Thanh Hóa sẽ không bao giờ vô địch được. Ở Việt Nam, đội bóng chơi tốt hơn không phải lúc nào cũng thắng, vì kết quả còn phụ thuộc vào các trọng tài". Đó là hàng loạt phát biểu gây sốc của HLV Velizar Popov sau khi CLB Thanh Hóa thua Bình Dương.
Trước vòng 7 V.League, CLB Thanh Hóa đang đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng. Tuy nhiên, họ là đội duy nhất chưa nhận thất bại. Chuỗi trận ấn tượng đó của đội bóng xứ Thanh đã khép lại trên sân Gò Đậu, khi Thanh Hóa để thua Bình Dương trong một trận đấu HLV Popov tiếp tục chỉ trích công tác trọng tài. Đây không phải lần đầu tiên HLV Popov chỉ trích trọng tài ở mùa giải mới. Sau 7 trận đấu, chiến lược gia này đã nhận đủ 3 thẻ vàng vì lỗi phản ứng với trọng tài.
Ông cũng không ngại chỉ trích những ông vua áo đen Việt Nam, dù theo cách trực tiếp hay gián tiếp, thể hiện dưới muôn hình vạn trạng của ngôn từ. Bằng một cách nào đó, phương pháp công kích của HLV Popov luôn tạo được sức hút trước truyền thông. Có 2 nguyên nhân đằng sau việc này. Thứ nhất, Popov cho thấy ông là một HLV rất hoạt ngôn trong phòng họp báo. Thứ hai, Popov có thực tài. Điều đó được ông thể hiện qua kết quả trên sân bóng.
Kết thúc mùa giải đầu tiên cùng bóng đá Việt Nam, HLV Popov đã cho thấy vì sao ông được ví như "vua" của bóng đá châu Á. Cựu HLV trưởng đội U23 Myanmar giúp CLB Thanh Hóa có một mùa giải thăng hoa. Họ kết thúc V.League ở một vị trí thuộc nhóm đầu, đồng thời giành Cúp Quốc gia. Đáng chú ý hơn, thành quả HLV Popov gặt hái cùng CLB Thanh Hóa diễn ra trong bối cảnh đội bóng này không có nhân sự vượt trội so với các đội bóng khác. Họ chinh phục V.League, cũng như khán giả Việt Nam bằng lối chơi hấp dẫn. Dấu ấn chiến thuật của HLV Popov lên đội bóng xứ Thanh cũng rất rõ ràng.
Nếu không phải nhận án kỷ luật ở mùa giải V.League 2023, Popov chắc chắn đã được trao danh hiệu HLV xuất sắc nhất. Nhưng trát kỷ luật ông phải nhận, đã khiến vị chiến lược gia này chỉ có thể trở thành số 1 trong mắt người hâm mộ. Ông thậm chí không có tên trong danh sách đề cử của ban tổ chức giải. Tại vòng 8 V.League, HLV Popov sẽ không xuất hiện trong khu kỹ thuật vì đã nhận đủ 3 thẻ vàng. Ông nói mình "không hiểu vì sao phải nhận thẻ từ trọng tài", như một cách để tiếp thêm ý chí cho các cầu thủ dưới sân trong trận tới. Dù Popov có đứng hò hét dưới sân hay không, cầu thủ sẽ cùng HLV trưởng đấu tranh.
Popov có thể đúng, có thể sai khi đưa ra những chỉ trích liên quan đến công tác trọng tài gần 1 năm qua. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, đó là Popov vẫn "sống khỏe" ở V.League. Ông có một cái tôi lớn, và sẽ tiếp tục sinh tồn cùng bóng đá Việt Nam khi chiến lược gia này có thể giúp CLB có kết quả tích cực.
Đằng sau bàn phản lưới nhà
Cũng trong ngày Thanh Hóa của HLV Popov thua đau Bình Dương trên sân Gò Đậu, SLNA tưởng như đã có 1 điểm trước CLB TP Hồ Chí Minh ở sân Thống Nhất. Nhưng đến phút 90+1, đội chủ nhà bất ngờ có bàn mở tỷ số. Người ghi bàn lại là Vương Văn Huy, một cầu thủ SLNA. Tình huống Văn Huy đá phản lưới nhà cũng là pha bóng hy hữu có một không hai của bóng đá Việt Nam.
Vào thời điểm Văn Huy chuyền bóng về cho thủ môn Văn Việt, người gác đền của SLNA vẫn ở cách khung thành đến 40m. Anh vô tình khiến đồng đội của mình có thể đã trở thành người đá phản lưới nhà ở khoảng cách xa nhất trong lịch sử V.League. Bởi, pha "đốt đền" được Văn Huy thực hiện từ phần sân đội bạn.
Cả Văn Việt và Văn Huy đều là những cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam. Với cá nhân Văn Huy, anh mới được đôn lên đội 1 SLNA vào đầu năm nay, trong bối cảnh đội bóng này chia tay nhiều cựu binh. HLV trưởng của SLNA nói pha đá phản xuất phát từ việc các cầu thủ trẻ phối hợp chưa tốt với nhau. Tuy nhiên, với những gì SLNA trải qua gần đây, khán giả sẽ khó chấp nhận việc ấy.
Trong trận đấu giữa CLB TP Hồ Chí Minh và SLNA, khu vực khán đài đội khách gần như không có khán giả nào. Sau nhiều trận đấu không như kỳ vọng của đội bóng xứ Nghệ, người hâm mộ đã dần quay lưng với CLB. Đây là điều chưa từng xảy ra với địa phương được ví như cái nôi của bóng đá Việt Nam.
Từ một đội bóng luôn có lượng khán giả đông đảo trong những chuyến làm khách, SLNA hiện không còn nhiều người hâm mộ đồng hành nữa. Ngay cả khi đội bóng này chơi trên sân Vinh, họ cũng không thể biến sân bóng trở thành "chảo lửa" như quá khứ. Ở trận đấu gần nhất với HAGL trên sân nhà, SLNA chỉ ghi nhận 4.000 khán giả đến sân, thấp hơn 30% trung bình giải.
Là đội bóng duy nhất thi đấu mọi mùa giải của V.League, SLNA gần như chưa bao giờ để mình rơi xuống nhóm có nguy cơ xuống hạng. Nhưng cách họ thể hiện trong vài năm gần đây đã khiến đội bóng không còn là thỏi nam châm thu hút khán giả nữa. Đây cũng là một điểm đội bóng cần cải thiện, bởi sân Vinh luôn chờ đợi cơ hội sục sôi thêm một lần nữa.
HAGL không còn là thương hiệu hút khán giả
Tại vòng 5 và vòng 6 V.League, HAGL được thi đấu 2 trận liên tiếp trên sân nhà Pleiku. Nhưng ở trong cả 2 trận đấu vừa qua, họ cũng chỉ có tổng cộng 10.000 khán giả đến xem. Con số này thấp hơn 17% so với lượng khán giả trung bình của V.League ở 2 vòng đấu này là 12.200 người.
Hình ảnh khán giả xếp hàng, tranh nhau mua vé không còn xuất hiện ở sân Pleiku nữa. Điều này cũng không còn hiện diện ở những sân bóng có HAGL thi đấu. Có 2 lý do khiến HAGL mất sức hút. Thứ nhất, họ gần như không còn những cầu thủ thuộc khóa 1 HAGL Arsenal JMG. Thứ hai, thành tích của đội bóng không như trước.
2 năm trước, khi V.League buộc phải hủy ngang vì dịch COVID-19, HAGL là ứng viên số 1 cho ngôi vô địch. Nhưng đến hiện tại, tình trạng chảy máu nhân sự khiến HAGL không có một đội hình mạnh. Việc họ rơi vào nhóm cầm đèn đỏ là điều được dự đoán trước, và bầu Đức cũng nói năm nay là mùa giải "vứt đi" với CLB.
Theo An Khánh (Công an nhân dân)