- Bóng đá Việt Nam hiện tại đặt rất nhiều hy vọng vào lứa cầu thủ U23 gồm những Văn Toàn, Xuân Trường, Công Phượng... Anh nhận xét thế nào về trình độ hiện tại và tương lai phát triển của những cầu thủ này?
- Văn Toàn, Công Phượng... đá hay đấy, nhưng họ cần lớn nhanh hơn nữa. Vì bây giờ các em đã 22, 23 tuổi rồi mà chưa đảm đương được ở đội tuyển Quốc gia thì chưa lớn hẳn.
Như tôi 19 tuổi đã ở đội tuyển Quốc gia rồi. Tôi hy vọng những Công Phượng, Hồ Tuấn Tài... và cầu thủ khác hãy lớn nhanh hơn nữa, trau dồi, khổ luyện hơn nữa, rèn kỹ năng nhiều hơn nữa. Sau buổi tập thông thường, họ phải tự rèn kỹ năng, đánh đầu, sút bóng... để hoàn thiện bản thân. Tôi và lứa cầu thủ như Văn Quyết, Thành Lương cũng phải khổ luyện rất nhiều mới được như vậy.
Các bạn trẻ cũng nên nhìn ra bóng đá thế giới, tôi ví dụ như Ronaldo, Beckham... đều dành hàng giờ tập thêm mỗi ngày. Tôi tin các cầu thủ đang ở U23 Việt Nam đều tài năng và sẽ thành công trong tương lai.
- Tôi được đối tác Thái Lan mời sang xem các CLB Thai League thi đấu. Còn VPF thì đưa các lãnh đạo CLB đi học hỏi ở các nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo tôi thấy chẳng cần đi đâu xa, nhìn sang nước bạn Thái Lan, chúng ta còn thua kém quá nhiều. Vậy sang Nhật Bản, Hàn Quốc để chúng ta thu được gì, hay chỉ đi du lịch?
Sang Thái Lan, người hâm mộ đến sân được phục vụ như chúng ta tới rạp chiếu phim vậy. Họ có khu phục vụ đồ ăn, nước uống, có trò chơi, có giải thưởng cho khán giả. CLB không phụ thuộc vào tiền tài trợ từ một ông bầu. Họ kiếm được tiền từ nhiều nguồn thu dịch vụ, bản quyền truyền hình, quảng cáo... rồi sau đó dùng chính tiền ấy để phát triển đội bóng, đầu tư đào tạo trẻ rất bài bản và chuyên nghiệp.
- Ngoài chuyện ở cấp quản lý CLB như anh đã nói ở trên, cầu thủ Việt Nam còn điểm yếu về thể lực so với cầu thủ chơi tại Thai League hoặc các giải đấu hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo anh đâu là nguyên nhân khiến điểm yếu này tồn tại suốt nhiều năm qua ở bóng đá Việt Nam? Và cách khắc phục vấn đề này là như thế nào?
- Nối tiếp câu chuyện các lò đào tạo trẻ ở Việt Nam muốn liên kết với các CLB nước ngoài, rồi mời chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc. Tuy nhiên, cầu thủ học theo giáo án nước ngoài thì phải cho họ ăn đồ "Tây".
Bên cạnh tập luyện, chế độ ăn và dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng quyết định thể trạng, thể lực của cầu thủ.
Đội tuyển Việt Nam chỉ cần đi tập huấn ở châu Âu, Hàn Quốc là ai cũng khỏe như trâu. Lý do là họ được ăn những đồ tốt nhất, có nhiều dinh dưỡng nhất cho cầu thủ. Còn về Việt Nam, cầu thủ chạy không nổi do không ăn được nhiều. Ai cũng ăn 3 bát cơm, 3 miếng thịt lợn mặn, rồi ăn thêm bát canh xong đi nghỉ. Còn bên kia không ăn nhiều cơm đâu, cầu thủ nước ngoài ăn miếng bò to, miếng cá to...
Cầu thủ Việt Nam không chú trọng dinh dưỡng, không chú trọng phát triển thể lực. Nếu chạy nhiều hơn thì cần ăn nhiều hơn. Bên mình không biết phát triển thể lực thì đúng hơn. Cầu thủ Việt Nam không biết tập gym. HLV hướng dẫn cũng không biết cần tập gì cho đúng để phát triển thể lực. Cầu thủ Việt Nam yếu xìu. Sắp tới, các CLB cần có HLV thể lực riêng. Các học viên trẻ 13-15 tuổi cần bác sĩ dinh dưỡng. 15 tuổi trở lên cần rèn thể lực.
Sắp tới, tôi sẽ xây dựng một học viện theo tiêu chuẩn nước ngoài từ chuyên môn đến dinh dưỡng tại TP.HCM.
- Anh có cái nhìn thế nào trước việc hàng loạt lò đào tạo trẻ của Việt Nam sẵn sàng chi hàng triệu USD để có thể mang quy trình đào tạo đẳng cấp châu Âu của Manchester United, Manchester City hay Borussia Dortmund... về Việt Nam?
- Khi tôi làm việc với Manchester United, Manchester City hay Dortmund, Bayern Munich... về công tác đào tạo trẻ, chưa chắc họ đã xem mình là bạn vì họ còn có nhiều đối tác lớn hơn trên thế giới. Chúng ta tốn 20-30 triệu USD để mời họ sang thì họ cũng chỉ cử một người sang mình làm hướng dẫn, giám sát. Sự thật là các CLB lớn không phải bạn mình, mà mình bám chân họ, mình cần họ, mình không là gì với họ cả.
Nhưng suy cho cùng, nếu làm về marketing, để phục vụ mục đích truyền thông, quảng bá hình ảnh nào đó thì nên làm. Còn làm vậy để hy vọng nâng cao chất lượng đầu ra của học viện thì khó. Mang tiếng học viện liên kết với M.U, Real, Barca... chỉ là phần nổi, lõi không có gì và không phát triển được. Như vậy là phí 20-30 triệu USD.
- Nếu vậy, chúng ta phải làm cách nào để có thể mang tư duy bóng đá hiện đại về Việt Nam hiệu quả nhất?
- Các học viện bóng đá ở Việt Nam cần chọn một CLB có danh tiếng và có hệ thống đào tạo trẻ phát triển. Đó là những CLB thành công trong việc đào tạo đội trẻ lên đội 1, lên đội tuyển quốc gia.
Ví dụ Manchester United, sau lứa David Beckham là lứa học viên tốt nhất, còn sau đó không có khóa nào xuất sắc cả. Còn West Ham United là một CLB thành công trong đào tạo. Họ là đội bóng nhỏ nhưng có truyền thống và hệ thống đào tạo trẻ cực tốt. Cầu thủ đầu ra có đẳng cấp và sự đồng đều.
Kết luận lại, mấu chốt mà các Học viện bóng đá ở Việt Nam cần quan tâm là làm sao để nâng cao chất lượng của cầu thủ, chứ không phải chỉ lấy danh tiếng của các CLB châu Âu. Sau khi kết thúc đào tạo trẻ năm 18 tuổi, một lò đào tạo trẻ ở Việt Nam hiện có bao nhiêu cầu thủ đá đội tuyển Quốc gia? Bao nhiêu cầu thủ xuất khẩu ra Đông Nam Á, châu Á? Hiện này, gần như là không có.
- Sau khi giải nghệ, anh cảm thấy như thế nào?
- Tôi quá hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Đến bây giờ chẳng có gì hối tiếc. Tôi đã sinh ra, lớn lên và đến với trái bóng. Bây giờ đứng đây với CLB TP.HCM, có gia đình hạnh phúc. Mọi thứ đều là vô thường đối với tôi, có rồi sẽ mất, mất rồi lại có.
Câu nói phía sau người đàn ông thành đạt có bóng dáng người phụ nữ là vô cùng chính xác. Tôi cảm thấy rất may mắn khi có Thủy Tiên. Bà xã đã mang lại cho tôi rất nhiều lời khuyên và suy nghĩ tích cực trong cuộc sống.
Hiện tại, tôi bận rộn nhưng vẫn có nhiều thời gian cho gia đình. Tôi vẫn đưa con đi học. Nghỉ lễ thì vợ chồng đưa con đi chơi, đi bơi lội. Thỉnh thoảng, tôi còn vào bếp làm sữa chua, làm bánh với vợ. Cuộc sống rất hạnh phúc và tôi trân trọng những gì đang có.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
Theo Tùng Lê (Tri Thức Trực Tuyến)