Trước Olympic Palestine, Công Phượng - trong cuộc cạnh tranh ngấm ngầm nhưng quyết liệt trên hàng công áo đỏ, đã chơi một trận cầu không thể chê được. Anh ghi 1 bàn, kiến tạo 1 bàn, để lại dấu ấn đậm nét trong chiến thắng của đội tuyển Olympic.
Khi mọi sự chú ý dồn vào Quang Hải, Văn Quyết, Văn Lâm, Phượng bất ngờ tỏa sáng. Như đã luôn như thế suốt 4 năm qua trong màu áo U23 và giờ là Olympic Việt Nam.
Ổn định hơn Quang Hải, kinh nghiệm hơn Xuân Trường
Năm 2015, Công Phượng lần đầu khoác áo U23 Việt Nam dưới triều đại Toshiya Miura. Sau cơn sốt U19 Việt Nam hồi năm 2014, anh là cái tên U19 đầu tiên được gọi lên đội hình U23 và tuyển quốc gia Việt Nam.
Khi Xuân Trường vẫn đang khoác áo U19, Công Phượng đã có mặt ở tuyển quốc gia. Ngày Tiến Dũng còn ở tuyến trẻ Thanh Hóa, Phượng đã là trụ cột tại SEA Games 2015.
4 năm đã qua, U23 Việt Nam trải qua hàng loạt giải đấu lớn nhỏ ở cấp độ khu vực và châu lục với 3 HLV khác nhau, 3 chiến thuật khác nhau. Rất nhiều ngôi sao đã đến và đi. Mạc Hồng Quân - đối tác của Phượng ở SEA Games 2015, phải dạt tới Quảng Ninh đá tiền vệ trung tâm. Hồ Tuấn Tài - người đá cặp với Phượng tại Malaysia 2017, giờ chỉ là cái bóng mờ ở xứ Nghệ.
Chỉ một mình Phượng vẫn ở đây. Điều kỳ diệu là sau 4 năm, Phượng chưa từng mất suất đá chính. Anh luôn là ngôi sao lớn nhất, vẫn là lựa chọn số một trên hàng công áo đỏ. Và còn thú vị hơn, Phượng ở đó không phải vì anh được ưu ái hay cưng chiều, Phượng đá chính không phải vì anh là “Messi Việt Nam” hay “cầu thủ quốc dân”.
Vị trí bất khả xâm phạm ấy được tạo nên bởi nỗ lực và sự bền bỉ, được chắp cánh bởi tài năng không thể lu mờ bất chấp muôn vàn thị phi mà anh phải gánh chịu dù tuổi đời chỉ quá đôi mươi.
Công Phượng lên U23 Việt Nam từ năm 20 tuổi - muộn hơn nhiều so với những huyền thoại như Văn Quyến, Công Vinh. Nhưng dấu ấn anh để lại cho đội tuyển không kém phần sâu đậm.
4 năm, Phượng đã góp mặt trong tất cả giải đấu lớn của U23 Việt Nam. Anh dự SEA Games 2015 và 2017, góp mặt ở 2 vòng loại và 2 vòng chung kết U23 châu Á. Anh gần như không bỏ trận nào và ghi bàn trong mọi giải đấu.
3 bàn ở Singapore 2015, 4 bàn ở Malaysia 2017, 8 bàn nữa tại các vòng loại U23 châu Á, Công Phượng cũng là cầu thủ duy nhất đã ghi bàn trong cả 2 vòng chung kết U23 châu Á mà bóng đá Việt Nam từng góp mặt.
Ở Giải U23 châu Á 2018, nhiều người nói rằng số 10 đã phải “hy sinh” bản thân, hạn chế tầm ảnh hưởng, chấp nhận làm nền, đóng vai chim mồi cho các đồng đội tỏa sáng.
4 năm, 51 trận, 27 bàn thắng, Phượng sở hữu 2 kỷ lục cực kỳ đáng nể: khoác áo U23 nhiều nhất, ghi nhiều bàn nhất lịch sử. Gọi anh là biểu tượng chiến thắng của U23 Việt Nam có sai không?
Bóng tối duy nhất của Công Phượng, thật không may, lại tới trong kỳ tích phi thường nhất lịch sử bóng đá Việt Nam: giải U23 châu Á 2018. 1 bàn sau 6 trận, lu mờ trước Quang Hải, Tiến Dũng, Công Phượng lần đầu tiên trở thành kép phụ trong kỳ tích của thầy trò HLV Park Hang-seo. Giải đấu ấy khiến nhiều người quên rằng chính Phượng chứ không phải bất kỳ ai khác mới từng là động cơ chủ, là niềm hy vọng lớn nhất của tuyển U23 suốt bao năm tháng.
Sinh ra cho U23 Việt Nam, nhờ U23 Việt Nam mà rực sáng
90 phút trước U23 Palestine là màn trình diễn cá nhân tốt nhất của Công Phượng trong năm 2018 ở cấp độ đội tuyển. Anh vượt qua Văn Quyết, Anh Đức, làm lu mờ Quang Hải, Xuân Trường. Bàn thắng ấy giống như lời khẳng định: Công Phượng sẽ trở lại.
Năm 2018 là mùa giải đầy khó khăn với Phượng ở cấp độ đội tuyển và CLB. Tại HAGL, Phượng ghi 8 bàn thì đến 3 bàn tới từ chấm 11 m. Anh “nổ súng” ít hơn Tiến Linh, Đức Chinh, Tầm ảnh hưởng kém xa Quang Hải, Văn Đức. Quan trọng hơn, Phượng không cho thấy nhiều dấu hiệu tiến bộ. Lối chơi của anh vẫn phụ thuộc nhiều vào bản năng rê dắt, thiếu đi sự hiệu quả, hợp lý cần thiết. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên hàng công áo đỏ, Phượng từng có lúc chỉ là lựa chọn thứ yếu.
Nhưng khi tất cả chuẩn bị lãng quên Phượng, anh lại bất ngờ tỏa sáng.
90 phút trước U23 Palestine đã phô bày hết những phẩm chất tốt nhất của Phượng. Tình huống kiến tạo cho Anh Đức ở bàn mở tỷ số là pha đột phá táo bạo đánh bại 2 cầu thủ đối phương. Bàn thắng thứ 2 sau đó là cú dứt điểm quyết đoán thể hiện phẩm chất của một sát thủ. Màn thể hiện ấy là khoản đặt cọc của Công Phượng cho một tấm vé tới ASIAD 18, hay xa hơn là một suất đá chính.
4 năm đã qua kể từ ngày xuất hiện ở U23 Việt Nam, Công Phượng vẫn là bất khả xâm phạm. Anh có thể chơi bết bát ở V.League, chìm nghỉm ở tuyển quốc gia hay ngồi dự bị dài hạn tại J.League nhưng cứ về U23 Việt Nam, Phượng lại tỏa sáng rực rỡ. Thứ bóng đá mạnh mẽ nhưng bản năng của Phượng bị khắc chế ở những môi trường đỉnh cao nhưng lại đặc biệt phù hợp với các sân chơi trẻ - nơi đẳng cấp, trình độ của các hậu vệ chưa đạt tới độ chín.
U23 hay Olympic Việt Nam với Phượng luôn là một mảnh đất lành, như nữ thần Gaia với thần Antaios, nghĩa là điểm tựa, là hy vọng, là sự sống.
Những gì Phượng có trong màu áo U23 Việt Nam sẽ được lịch sử ghi nhận. Những kỷ lục, những bàn thắng và rất nhiều khoảnh khắc thiên tài sẽ giúp Phượng được nhớ đến mãi mãi. Phượng chỉ còn thiếu một ký ức nữa.
ASIAD 18 chính là giải đấu lớn cuối cùng của Công Phượng và thế hệ 1995 trong màu áo U23/Olympic Việt Nam. Mảnh đất Indonesia sẽ là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng chúng ta được thấy Công Phượng, Xuân Trường, Đức Huy... trong màu áo Olympic Việt Nam.
Cho lần cuối cùng tươi đẹp ấy, tin và chờ đợi ở Công Phượng.
Theo Minh Chiến (Tri Thức Trực Tuyến)