Với họ, phong cách sinh hoạt là một phần quan trọng của bóng đá chuyên nghiệp. Ý thức phải là yếu tố hàng đầu, chứ không thể có người cứ kè kè để uốn nắn. Hoàn toàn không có chuyện ăn ở tập trung như ở ta, mà tại Nhật, các cầu thủ chỉ ăn trưa tập thể cùng nhau. Sau buổi tập chiều, ai sẽ về nhà nấy và tự có trách nhiệm với bữa tối cũng như giấc ngủ của mình.
Không phải ngày nào cũng có thể ăn hàng hay tham dự những bữa tiệc chiêu đãi của bà con người Việt, nên những cầu thủ như Công Phượng và Tuấn Anh phải học cách tự nấu nướng. Đây là một công việc họ gần như không phải bận tâm khi còn ở nhà hay ở CLB HAGL, nên cả hai đều gặp nhiều khó khăn để làm quen.
“Ở thời điểm cái vai của tôi còn đau, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng cũng may là có sự giúp đỡ của một số nhân viên của Mito và nhất là của nhiều anh chị cô chú người Việt nên cũng đỡ. Hiện tại thì tôi đã dần quen với môi trường ở đây. Đi chợ cũng đơn giản hơn và cũng đã biết làm vài món cơ bản như xào thịt bò chẳng hạn”, Công Phượng chia sẻ.
Bên cạnh việc nấu nướng, thì giặt giũ cũng là công việc các cầu thủ phải tự túc. Công đoạn khó khăn nhất là dịch tiếng Nhật ghi trên máy để chọn chế độ cho đúng. Nếu là tiếng Anh hay tiếng Pháp (ngôn ngữ mà các thành viên Học viện HAGL đã có cơ bản), thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Nhưng gần như tất cả các thiết bị điện tử ở Nhật đều ghi tiếng bản địa, nên cả hai lại phải dành thời gian để học những từ chuyên môn, bên cạnh việc học giao tiếp để trao đổi với các đồng đội ở đây.
Tuấn Anh, cầu thủ không bị chấn thương nhưng chưa được ra sân phút nào cho đội 1 của Yokohama, cũng thừa nhận: “Mọi thứ đúng là khó khăn hơn tôi từng tưởng tượng rất nhiều. Thời điểm mới sang, hầu như tôi chỉ nhìn động tác của các HLV để cố hiểu xem họ muốn truyền đạt điều gì. Nhìn thái độ của các đồng đội mới để biết họ có ý tưởng như thế nào. Tôi đang phải cố gắng học tiếng Nhật từng ngày để có thể giao tiếp với HLV và các đồng đội tốt hơn”.
Bên cạnh đó, một sự thật mà cả Công Phượng và Tuấn Anh phải thừa nhận, là họ không nhận được sự chào đón nồng hậu từ các đồng đội. Đây là điều dễ hiểu, bởi những cầu thủ Đông Nam Á luôn không được đánh giá cao tại Nhật Bản hay Hàn Quốc. Thế nên, nhiều lúc cảm thấy buồn và tự ái, cả hai phải gạt ngay sang một bên để chuyên tâm luyện tập, nâng cao trình độ và chờ cơ hội được chứng tỏ mình không thua kém so với những cầu thủ đồng lứa bản địa.
Ở trận giao hữu giữa CLB Yokohama và Mito Hollyhock mới đây, Công Phượng và Tuấn Anh đã lỡ dịp được lần đầu tiên đối đầu nhau kể từ khi sang Nhật. Công Phượng không có tên trong danh sách thi đấu, trong khi Tuấn Anh được đá chính trong khoảng 70 phút nhưng cũng không tìm được tiếng nói chung với các đồng đội, và đóng góp rất mờ nhạt.
Vạn sự khởi đầu nan, cả hai tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam đều tâm niệm như vậy trên hành trình của mình, để mọi khó khăn rồi sẽ trở thành động lực để họ phấn đấu. Cái đích của cả hai, sẽ là trận đấu chính thức tại J-League 2 giữa Mito Hollyhock và Yokohama vào ngày 8-6 tới đây.
Nếu được ra sân và đối đầu nhau, đó sẽ là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của cả Công Phượng lẫn Tuấn Anh. Điều có thể như chùm quả ngọt sau những ngày vất vả vun trồng của hai tài năng trẻ hàng đầu của bóng đá Việt Nam này.
Theo Lê Vinh (An Ninh Thủ Đô)