Đầu tuần, rồi giữa tuần, những lời chỉ trích cay nghiệt hướng cả về Công Phượng dù U22 Việt Nam thắng to 2 trận. Cuối tuần, Công Phượng được tung lên mây xanh. Có 2 Công Phượng à?
Thậm chí, pha ghi bàn mở tỷ số trong trận gặp Campuchia là bàn thắng quyết định, giúp thầy trò HLV Hữu Thắng khép lại hiệp đấu đầu tiên với tiếng thở phào nhẹ nhõm. Nếu bàn thắng ấy không đến đúng lúc, ắt hẳn hiệp 2 sẽ bắt đầu nặng nề hơn ít nhiều.
Hôm qua, Công Phượng lại ghi bàn mở tỷ số, bằng một pha đi bóng xuyên qua 3 cầu thủ phòng ngự đối phương vào góc hẹp trước khi kết thúc thành công. Nếu pha bóng ấy không thành bàn, ắt hẳn cái điệp khúc "đá tối như đêm 30" lại một lần nữa được cất lên, và những chỉ trích lại thêm lần nữa đổ sập xuống đầu cầu thủ mới 22 tuổi này.
Nếu pha kết thúc này không thành bàn, ắt hẳn "sóng dữ" lại đổ ập xuống đầu Công Phượng. |
Những người thực sự yêu mến tiền đạo xứ Nghệ này có thể cảm thấy xót xa, bất nhẫn và bất công trước những lời cay đắng hướng về cầu thủ mình dành tình cảm, nhưng với riêng HLV Hữu Thắng và các học trò ở U22 Việt Nam, đấy không phải là điều gì quá mới mẻ, và cũng chẳng phải quá lo lắng cho ngôi sao của HAGL này, bởi Công Phượng... quen rồi.
Văn Toàn từng nói tất cả các cầu thủ trẻ của HAGL phải cảm ơn Công Phượng, vì cầu thủ này đã gánh hộ trên vai gánh nặng từ truyền thông, thu hết những lời chỉ trích, chịu mọi sức ép về mình. Ở U22 tham dự SEA Games lần này cũng thế. Có Phượng, các đồng đội có thể yên tâm tập trung chơi bóng hơn, bởi thêm lần nữa, sức ép đều trút lên vai tiền đạo này.
Trong khi truyền thông, người hâm mộ Đông Nam Á - trừ Việt Nam, đều hướng ánh mắt ngưỡng mộ về Công Phượng bởi sự xông xáo, những pha đi bóng hút cả hàng phòng ngự đối phương và đôi chân luôn chực chờ "phát nổ", thì lối chơi ấy bị chỉ trích không thương tiếc ngay tại quê hương.
Hình ảnh quen thuộc của Công Phượng trên sân. |
2. Âu cũng là bởi chưa bao giờ trong suốt chục năm trở lại đây, Việt Nam có được một dàn cầu thủ đồng đều và xuất sắc như SEA Games lần này, đi kèm theo đó là sự kỳ vọng của người hâm mộ đặt lên đôi vai của các cầu thủ trẻ lẫn HLV Hữu Thắng khiến sự soi xét trở nên khắt khe hơn. Và cũng phải nói một cách công bằng, không ít lần những pha đi bóng của Phượng làm nản lòng người xem.
Nhưng nếu không chơi như thế, thì Công Phượng phải chơi thế nào đây? Trước những đối thủ yếu, rõ ràng những pha đột phá kiểu Công Phượng là "có cửa", bàn thắng mở tỷ số trước Philippnes là một ví dụ. Và chơi như thế, Phượng mới luôn thu hút được sự chú ý của các hậu vệ đối phương, mở ra khoảng trống cho các đồng đội tận dụng.
Trong số 4 bàn thắng mà Công Phượng ghi được, có đến 2 bàn đến từ những pha kết thúc một chạm sau đường chuyền căng ngang của đồng đội, đều đến sau những tình huống hậu vệ đối phương mải mê để ý vào một Công Phượng cầm bóng rê dắt, mà bỏ bẵng tiền đạo này mỗi khi bóng được đưa ra biên. Và đến nay, Phượng vẫn là cây ghi bàn hàng đầu cho U22 Việt Nam ở SEA Games 29.
Lấy trọn 9 điểm trước 3 đối thủ yếu, với 12 bàn thắng và chỉ 1 bàn thua, những bước chạy đầu của thầy trò HLV Hữu Thắng đã ngon trớn. Nhưng chớ vội mừng. Khó khăn đã ở ngay trước mặt, với hai trận đấu gặp U22 Indonesia và Thái Lan. Không chỉ là những cuộc chạm trán nảy lửa, đây còn là hai cuộc "thử lửa" để xác định đúng khả năng của Việt Nam trong cuộc tranh chấp ngôi đầu.
Ở hai trận đấu khó khăn ấy, nhiều khả năng người hâm mộ sẽ được chứng kiến một Công Phượng khác, ít "tham lam" hơn, thậm chí ít bóng hơn, nhưng sẽ chăm chỉ "chia bài" cho các đồng đội ở cánh, cũng như tuyến sau băng lên thực hiện những pha phối hợp đa dạng hơn. Cũng dễ hiểu thôi, các hậu vệ trẻ Indonesia hay Thái Lan dĩ nhiên là không "ngon xơi" như Campuchia hay Timor Leste...
Những cú trả bóng ra của Công Phượng cho đồng đội kết thúc cũng là một phương án ghi bàn tốt của U22 Việt Nam. |
Nhưng bên cạnh đó, những pha bóng cá nhân và ích kỷ như cú đi bóng cắt ngang khung thành từ bên trái vào, để rồi tung cú sút chân phải trái phá làm sững sờ thủ thành U22 Hàn Quốc hồi tháng trước cũng sẽ luôn được Công Phượng "găm sẵn", và nhiều khả năng những pha bóng như thế sẽ giúp U22 Việt Nam tạo nên bước ngoặt của trận đấu, và có ai có thể làm được - ngoài Công Phượng?
Cũng có thể, sau pha "đâm quàng bụi rậm" ấy, sẽ là một cú trả bóng, hay chuyền ra, thậm chí là bóng bật ra cho Tuấn Anh, Văn Toàn hay Văn Thanh băng vào kết thúc như bàn thắng thứ 2 trước Philippines tối qua. Không phải Công Phượng, ai dám đủ "máu lạnh" để tạo nên những pha bóng đột biến như thế?
Các tuyển thủ cần lắm sự ủng hộ của người hâm mộ. |
Đây là thời khắc quan trọng với bóng đá Việt Nam, với niềm mong mỏi tấm huy chương vàng SEA Games mà rất nhiều thế hệ vàng của bóng đá nước nhà chưa thể biến thành hiện thực. Những lời cay đắng, xin hãy để dành lại cho ngày họ gục ngã, nhưng nếu còn - dù chỉ là 1% cơ hội, xin hãy dành cho những cầu thủ trẻ những lời động viên, sự ủng hộ tuyệt đối.
Nếu không, cũng chẳng sao cả. Bởi với Công Phượng, chuyện đó... quen quá rồi!
Theo Ngô Trà (Soha/Trí Thức Trẻ)