Cứ để tái diễn tình trạng "thảm họa thủ môn" liên tục, HLV Hoàng Anh Tuấn hay Hữu Thắng có nguy cơ bị HLV Calisto kiện tội "vi phạm bản quyền".
Đó chỉ là một câu chuyện hài hước được một CĐV nhiệt thành của bóng đá Việt Nam nghĩ ra để tự an ủi sự cay đắng mà ông vừa nếm trải khi chỉ trong chưa đầy 3 tuần, phải chứng kiến 2 trận cầu sống còn của U22 và U18 Việt Nam bị trả giá đắt vì sai lầm tai hại của các thủ môn. Điều này gợi nhớ lại cho ông về sự kiện thủ môn Bùi Tấn Trường khiến U23 Việt Nam lỡ mất tấm HCV SEA Games lịch sử năm 2009 trên đất Lào.
Như cựu thủ môn Dương Hồng Sơn, Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2008, vừa chia sẻ, các thủ môn ngày nay kém xa thế hệ vô địch AFF Suzuki Cup 2008. Năm đó, ngoại trừ hai trận đầu tiên gặp Thái Lan và Malaysia, tuyển Việt Nam với Dương Hồng Sơn trấn giữ khung thành trở thành một bức tường thành vững chắc, tạo đà tâm lý cực lớn cho đội bóng do HLV Calisto dẫn dắt lên ngôi vô địch một cách đầy hào hùng.
Thế nhưng kể từ sau lứa Hồng Sơn, Quang Huy, Thế Anh đó, vị trí thủ môn trở thành nỗi ám ảnh với mọi cấp độ đội tuyển. Năm 2009, Tấn Trường chấn thương vai nhưng đòi bắt bằng được 20 phút cuối trận chung kết gặp U23 Malaysia, khiến U23 Việt Nam thủng lưới, tan vỡ giấc mộng HCV hiếm hoi có được. Năm 2010, vẫn là Tấn Trường mắc sai lầm tai hại với lý do bị CĐV Malaysia chiếu đèn laze làm lóa mắt, dẫn đến việc hại tuyển Việt Nam phải dừng bước ở bán kết AFF Cup.
Tâm lý không vững vàng, càng sợ mắc sai lầm thì càng dễ sai lầm đã khiến các thủ môn Việt Nam trở thành "thảm họa khung gỗ" |
Sau Tấn Trường, một loạt những thủ thành khác được đánh giá cao về tài năng nhưng rồi nhanh chóng trở thành nhân vật trung tâm trong nhiều thất bại ngớ ngẩn của bóng đá Việt Nam ở các giải đấu khu vực. Nguyên Mạnh ở AFF Cup 2016, Bùi Tiến Dũng ở vòng loại U23 châu Á 2018, Phí Minh Long ở SEA Games 2017. Riêng U18 Việt Nam có đến 2 thủ môn đều để lại dấu ấn "hại đội nhà" ở U18 Đông Nam Á 2017 là Thái Hiếu và Y Eli Niê.
Theo Dương Hồng Sơn, thủ môn Việt Nam ngày nay chưa ai đạt đến sự tin tưởng tuyệt đối trong khung gỗ để tạo đà tâm lý yên tâm cho đồng đội ở tuyến trên. "Sự thật là thủ môn Việt Nam càng sợ mắc sai lầm thì lại càng sai lầm. Ngày xưa, tôi mắc sai lầm nhưng được các thầy động viên, tôi tập cho mình vượt qua sự sợ hãi. Thủ môn là vị trí bất di bất dịch, tâm lý phải vững, phải xác định người ta chỉ nhớ đến mình khi là kẻ thất bại, còn thành công, thủ môn là người bị lãng quên đầu tiên. Có như vậy mới bắt tốt", Hồng Sơn chia sẻ.
Chứng kiến pha bắt bóng không dính của Y Eli Niê, nhiều CĐV phải thốt lên với tình trạng các tài năng cứ thi nhau "lấy sai lầm hại chết đội nhà" như vậy, sẽ chẳng thể hy vọng về khả năng tiến xa của các đội tuyển Việt Nam trong tương lai. Đơn giản trong bóng đá, người gác đền chiếm 50% thành công của đội bóng.
Không biết đến bao giờ, bóng đá Việt Nam mới thoát được những trận thua tức tưởi như vậy |
HLV Calisto là người "có công" đẩy Tấn Trường trở thành một biểu tượng của những sai lầm. Để rồi hết thế hệ Miura, Hữu Thắng đến Hoàng Anh Tuấn đang liên tục "vi phạm bản quyền", trình làng một loạt những "thảm họa khung gỗ" khác. Có lẽ đã đến lúc HLV Calisto phải lên tiếng kiện vi phạm bản quyền, một lần duy nhất để chấm dứt ngay tình trạng mà chẳng một CĐV nào của Việt Nam mong muốn, nhưng thật đau đớn khi trận đấu quan trọng nào cũng phải nơm nớp lo lắng như vậy.
Cuối cùng, có lẽ đã đến lúc VFF phải xem lại công tác huấn luyện thủ môn, không thể để tình trạng này tái diễn quá nhiều đến vậy! Không chỉ cần thầy thủ môn giỏi, có lẽ bóng đá Việt cần một chuyên gia tâm lý hay nữa!
Theo Anh Dũng (Nld.com.vn)