Mới đây, hàng trăm CĐV đã biểu tình chính CLB con cưng Arema FC vì cho rằng đội không đáp ứng được kỳ vọng. Cụ thể, Arema FC được cho không thực hiện được những lời hứa sau thảm họa giẫm đạp tại sân Kanjuruhan khiến hơn 100 người thiệt mạng hồi tháng 10/2022.
Kanjuruhan chính là sân nhà của Arema FC, và họ không còn cơ hội đá trên sân đấu này sau thảm họa đau lòng kể trên. Arema FC rất nỗ lực, nhưng nhiều CĐV vẫn không hài lòng, đặc biệt là những người có thân nhân thiệt mạng trong thảm họa giẫm đạp.
Vì thế, ban lãnh đạo Arema FC chịu áp lực khủng khiếp. Đỉnh điểm là vụ biểu tình mới đây, khi hàng trăm cổ động viên lao vào phá hoại văn phòng điều hành của CLB tại thành phố Malang. Nhiều nhân viên CLB phải chạy trốn cơn thịnh nộ từ CĐV, còn các đồ đạc bị hư hại, các cửa kính trong văn phòng vỡ vụn, logo của Arema bị thiêu rụi.
Cựu HLV Lalu Mara Satriawangsa của Arema FC đau lòng khi chứng kiến chính NHM nhà lại đang quay lưng với đội bóng. Ông nói: "Trên thế giới đã từng xảy ra một số bi kịch cướp đi sinh mạng của những CĐV. Giống như thảm kịch Heysel (diễn ra trong trận Liverpool gặp Juventus)".
"Nhưng sau vụ việc, những người ủng hộ Juventus không yêu cầu giải tán đội bóng. Tương tự như vậy là Liverpool. Họ đã cùng nhau nỗ lực để vươn lên, cả CLB lẫn người hâm mộ".
Ngay sau sự việc, Tatang Dwi Arifianto, quan chức cấp cao Arema FC, đã gửi thông điệp với hàm ý CLB đang sẵn sàng giải thể.
Thông điệp có đoạn: "Hội đồng quản trị và ban quản lý đã cùng nhau thảo luận về các bước tiếp theo. Trước đây, chúng tôi nghĩ rằng nhiều người Malang sống nhờ bóng đá, giống như những người bán hàng rong trên phố. Còn nếu người ta cảm thấy rằng Arema đang làm ảnh hưởng đến nhiều người thì tất nhiên, chúng tôi sẽ cân nhắc về sự tồn tại của CLB".
Sau thảm kịch giẫm đạp, Arema FC sa sút không phanh, tụt xuống thứ 8 sau 4 trận thua liên tiếp và đối mặt nguy cơ bị giải thể.
Hồng Duy (Nguoiduatin.vn)