Chuyển nhượng Ngoại hạng Anh kết thúc sớm lợi hay hại?

01/08/2018 09:43:59

Việc giải Ngoại hạng Anh (Premier League) đi tiên phong kết thúc kỳ chuyển nhượng sớm 24 giờ trước ngày khai mạc mùa bóng mới, xem ra chẳng thay đổi điều gì. Thậm chí, còn khiến các CLB rối ren hơn.

Chuyển nhượng Ngoại hạng Anh kết thúc sớm lợi hay hại?
(Từ trái qua) Ivan Perisic, Harry Maguire và Willian đang được M.U săn đuổi, nhưng giờ mua được cũng phải chi rất đậm

Trước đây, do HLV nhiều CLB kêu ca việc kỳ chuyển nhượng vẫn diễn ra giữa lúc mùa bóng mới cũng diễn ra song song trong ít nhất 4 vòng đấu khiến các cầu thủ thi đấu trong tâm trạng hoàn toàn bị mất tập trung. Vì vậy, 20 CLB Ngoại hạng Anh cuối mùa vừa qua đã bỏ phiếu với tỷ lệ 17/3 vội vã đồng ý kết thúc kỳ chuyển nhượng trước 1 ngày khi mùa giải mới khởi tranh. Mùa này đóng cửa kỳ chuyển nhượng vào cuối ngày 9.8.

Thế nhưng, dù lường trước nhưng bất cập xảy ra còn lớn hơn so với trước đây ở chỗ là khi giải Ngoại hạng Anh đóng cửa sớm (không mua), nhưng các CLB vẫn được phép bán cầu thủ đến các giải khác ngoài nước Anh. Do khi đó, giải Serie A (Ý) vẫn còn mở cửa đến ngày 17.8, các giải La Liga (Tây Ban Nha), Ligue 1 (Pháp) hay Bundesliga (Đức) cũng còn “sáng đèn” chuyển nhượng đến cuối tháng 8 sang ngày 2.9 mới kết thúc.

Chuyển nhượng Ngoại hạng Anh kết thúc sớm lợi hay hại? - 1
Sức ép phải mua sớm khiến các CLB Ngoại hạng Anh phải mua cầu thủ với giá cao như Everton phải chi tới 50 triệu bảng để mua một cầu thủ chỉ dạng tiềm năng như Richarlison

Diễn biến này khiến nhiều CLB như Chelsea “run nhất” vì đang có 2 ngôi sao là thủ môn Courtois và tiền vệ Eden Hazard úp mở việc gia nhập giải La Liga lâu nay với điểm đến là Real Madrid hay Barcelona cứ nhùng nhằng mãi chưa xong. Nên nếu sau ngày 9.8, Real hay Barcelona vung tiền tấn kéo 2 ngôi sao này rời khỏi sân Stamford Bridge thì Chelsea nguy to vì khi đó có tiền vẫn không thể mua ai thay thế. Tương tự, CLB Manchester United (M.U) cũng đối mặt việc mất tiền vệ Paul Pogba do có tin ngôi sao này đang bị người đại diện thuyết phục quay lại Juventus.

Điều này cho thấy, các CLB Ngoại hạng Anh từ chỗ nghĩ rằng kết thúc sớm kỳ chuyển nhượng sẽ tạo sự an tâm hơn, nhưng kỳ thực là lại rơi vào tình huống rất trớ trêu như phải vội vã mua khiến dễ bị ép giá, và khi đã đóng cửa mua sắm thì vẫn bị các CLB từ các giải khác bên ngoài nước Anh chèo kéo cầu thủ chuyển nhượng.

Thực tế diễn ra cho thấy, như Everton phải chi tới 50 triệu bảng để mua một cầu thủ chỉ dạng tiềm năng như Richarlison từ Watford, hay West Ham chi gần 40 triệu bảng mua Felipe Anderson từ Lazio (Ý)… đủ thấy sức ép phải mua sớm của các CLB Ngoại hạng Anh vì e ngại nếu nhùng nhằng sẽ không còn kịp thời gian mua. Các CLB hàng đầu như M.U, Man City, Liverpool, Chelsea hay Arsenal cũng sớm gút các thương vụ mua sắm và cũng đều mua cầu thủ có giá từ 50 triệu bảng trở lên.

Tuy nhiên, mua sớm và khi xảy ra vấn đề, như M.U đang bị khủng hoảng chấn thương buộc HLV Mourinho phải kêu ca ban lãnh đạo CLB cần đẩy nhanh việc mua thêm 1-2 cầu thủ nữa thì nay thời gian đã cận kề khiến mọi sự rối ren.

Chuyển nhượng Ngoại hạng Anh kết thúc sớm lợi hay hại? - 2
Riyad Mahrez (phải) được Man City mua tới 60 triệu bảng, nhưng hiện bị chấn thương

Trong khi đó, Man City mua Riyad Mahrez tới 60 triệu bảng, nhưng mới đấu vài trận giao hữu dính chấn thương giờ cũng phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm cầu thủ dự phòng.

Trong thời gian ít ỏi còn lại của kỳ chuyển nhượng, báo chí Anh dự đoán các CLB đang bị sức ép cần mua cầu thủ như M.U giờ đành bắt buộc phải chi rất đậm. Sức ép này dễ khiến xảy ra các bản hợp đồng “bom tấn” có giá từ 60 đến 70 triệu bảng trở lên như M.U đang quyết mua 2 cầu thủ là trung vệ Harry Maguire từ Leicester và Ivan Perisic từ Inter Milan.

Theo Giang Lao (Thanh Niên Online)

Nổi bật