Chuyện nhà vô địch Paralympic từng phải mong có…. 100 nghìn đồng/ngày

24/12/2016 10:07:00

Trước khi lập kỳ tích tại Paralympic và nhận sự tưởng thưởng xứng đáng, nhà vô địch Lê Văn Công và Á quân Võ Thanh Tùng đã phải làm đủ thứ việc để mưu sinh. Thậm chí, có thời điểm việc kiếm được 100 nghìn đồng/ngày đủ để duy trì cuộc sống với họ là cả thách thức.

Trước khi lập kỳ tích tại Paralympic và nhận sự tưởng thưởng xứng đáng, nhà vô địch Lê Văn Công và Á quân Võ Thanh Tùng đã phải làm đủ thứ việc để mưu sinh. Thậm chí, có thời điểm việc kiếm được 100 nghìn đồng/ngày đủ để duy trì cuộc sống với họ là cả thách thức.
 
 

Tự bản thân họ, với ý chí và nghị lực để vươn lên trong cuộc sống, đã là những người chiến thắng. Những câu chuyện rất ý nghĩa về Văn Công và Thanh Tùng, 2 ứng viên được vinh danh ở Cúp Chiến thắng...

Thợ dạo Lê Văn Công chỉ mong kiếm 100 nghìn đồng/ngày

Năm 2005, chàng trai sinh năm 1985 Lê Văn Công từ quê Hà Tĩnh vào Sài Gòn lập nghiệp với đôi chân teo do dị tật bẩm sinh.

Suốt 11 năm trước khi chinh phục đỉnh cao nhất thế giới, đô cử sinh năm 1984 không ngày nào không bị ám ảnh bởi một câu hỏi làm gì để có ít nhất 100 nghìn đủ tiền thuê nhà và ăn. Sau này, tình cảnh cũng có phần đỡ hơn khi Công lấy vợ, học được một nghề sửa chữa máy móc, điện tử, song gánh nặng cơm áo vẫn thường trực.

Cả gia đình anh ở trong căn phòng trọ chật hẹp chưa đến 10m2 và cứ buổi sáng, Công lại phải ra đường trên chiếc xe lăn cùng lỉnh kỉnh đồ nghề để đi khắp các nơi trên địa bàn quận Tân Bình rao mua hay sửa đồ cũ. Thi thoảng Công cũng có mối đặt sửa chữa tại nhà, song với số lượng rất nhỏ.

Thu nhập của cái nghề “sửa đồ dạo” này rất bấp bênh, cố gắng lắm Công cũng kiếm không quá 3 triệu đồng/tháng. Cộng thêm phần của vợ, tổng nguồn thu đủ trả tiền thuê nhà, ăn uống và nuôi con đã là may lắm. Kể từ lúc có con, vợ chồng anh vui lắm song lúc nào cũng chỉ lo con ốm hay phải đi viện thì thực sự không thể xoay sở. Đã vậy Công từng trải qua thời gian 2 năm phải nằm nhà dưỡng thương sau một tan nạn giao thông, tưởng như mất cả nghiệp thể thao lẫn nghề thợ dạo. Phải nhờ ý chí, nghị lực phi thường cộng thêm may mắn, anh mới vượt qua được tình thế hiểm nghèo ấy.

Cuộc sống của Công chỉ thay đổi 2 năm trở lại đây khi anh liên tiếp giành những chiến tích xuất sắc tại các giải đấu quốc tế, có được số tiền thưởng đáng kể.  Công việc của một thợ dạo chỉ còn là phụ thêm, bên cạnh nhiệm vụ chính là tập luyện thi đấu. Và tấm HCV cùng kỷ lục Paralympic đã thực sự giúp đô cử này “đổi đời”, với khoản thưởng lên tới trên 1 tỷ đồng.

Chuyện nhà vô địch Paralympic từng phải mong có…. 100 nghìn đồng/ngày ảnh 1
Gia đình Lê Văn Công. Ảnh: TL

Thanh Tùng nhặt từng đồng từ những chiếc điện thoại hỏng

Trước khi trở thành tuyển thủ người khuyết tật xuất sắc nhất nước, nổi bật là tấm HCB tại Paralympic, nghề chính từng nuôi sống kình ngư khuyết tật cùng nghiệp thể thao trong một thời gian dài lại là việc sửa chữa điện thoại di động.

Kình ngư bị teo hai chân từ nhỏ này là một cử nhân và kỹ sư “xịn” từng tốt nghiệp loại khá chuyên ngành điện tử viễn thông Đại học Công nghệ thông tin. Mất tới gần 20 năm, qua nhiều lần dang dở mới hoàn thành chương trình phổ thông, rồi có được tấm bằng đại học, song Tùng cầm hồ sơ xin việc đến đâu cũng bị từ chối, thậm chí muốn thử việc để khẳng định mình cũng không được chấp nhận.

Cực chẳng đã, anh đành phải xin làm thợ sửa chữa thuê cho các cửa hàng điện thoại di động tư nhân với mức lương vỏn vẹn chỉ có 2 triệu đồng. Mất 2 năm làm thuê, sau đó nhờ có được một khoản tích lũy mấy chục triệu đồng tiền thưởng thành tích, Tùng đã liều thuê địa điểm, mở một cửa hàng nhỏ của riêng mình. Rất may, nhờ tay nghề cao và luôn chu đáo nên cửa hàng của nhà vô địch khá đông khách, mỗi tháng cũng có thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng.

Mới đây, nhờ danh tiếng nên Tùng cũng xin được đi dạy thêm bơi cho trẻ em mỗi tuần vài buổi tối, có thêm 2 triệu nữa.

Chuyện nhà vô địch Paralympic từng phải mong có…. 100 nghìn đồng/ngày ảnh 2
VĐV Thanh Tùng. Ảnh: TL

Nếu Văn Công chỉ thực sự đột phá tại Paralympic thì từ lâu, Thanh Tùng đã đóng vai “máy gặt huy chương” của thể thao người khuyết tật. Từ mây năm nay, anh đã là tỷ phú tiền thưởng.

Văn Công và Thanh Tùng được đánh giá là 2 ứng viên sẽ tranh chấp quyết liệt ngôi đầu ở các cuộc vinh danh của thể thao Việt Nam, trong đó rõ nhất là ở Cúp Chiến thắng 2016, nơi những nhà vô địch đang chứng tỏ sự vượt trội của mình.

Theo Giang Anh (Lao Động)

Nổi bật