Video: Khoảnh khắc pencak silat mang về HCV thứ 4 cho Đoàn thể thao Việt Nam
HLV Indonesia giúp silat VN: 'Họ nói tôi không có tinh thần dân tộc' Ông Suhartono, cựu HLV đội tuyển pencak silat Việt Nam thừa nhận việc đưa Việt Nam vượt qua đội tuyển quê nhà khiến ông từng nhận nhiều chỉ trích từ phía người dân Indonesia. |
Đội tuyển pencak silat Việt Nam mới lập công lớn khi giành được 2 HCV, 7 HCB, 3 HCĐ, đóng góp vào thành tích vượt chỉ tiêu của Đoàn Thể thao Việt Nam. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, giới pencak silat Việt Nam không ai không nhớ đến sự giúp đỡ tận tình của chuyên gia Suhartono (người Indonesia) trong những ngày đầu.
Ông chính là người thầy của toàn bộ thế hệ vàng pencak silat Việt Nam như Trịnh Thị Mùi, Nguyễn Văn Hùng và đặt nền móng cho sự phát triển vượt bậc của môn thể thao này. Thậm chí có lúc pencak silat Việt Nam còn vượt rất xa quê hương môn võ này là Indonesia.
Ông gắn bó với pencak silat gần 23 năm qua, đi qua không biết bao nhiêu nước và đóng góp không thể đếm được cho môn võ cổ truyền của Indonesia phát triển như ngày hôm nay.
Suhartono làm việc cho Liên đoàn pencak silat thế giới (PERSILAT) với vai trò là chuyên gia đào tạo và phát triển. Từ năm 1995, người đàn ông sinh năm 1947 bắt đầu công tác tại Việt Nam và sau đó giúp đội tuyển quốc gia gặt hái thành công rực rỡ.
Pencak silat có giai đoạn trở thành “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games và Suhartono được biết đến như một “người đúc vàng” cho pencak silat Việt Nam.
Đối diện với chỉ trích từ quê hương
Ông Suhartono bắt đầu tập quyền anh và karatedo khi còn nhỏ trước khi bén duyên với pencak silat và trở thành một võ sư huyền thoại không chỉ ở Indonesia và trong khu vực. Ông làm việc ở nước ngoài nhiều hơn và dài hơn là trong nước.
Chuyên gia pencak silat thế giới từng đối diện chỉ trích từ quê nhà sau khi đi phát triển môn võ khắp khu vực. Ảnh: Quang Thịnh.
Công tác tại PERSILAT, Suahrtono được phân công theo yêu cầu đi mỗi nước khoảng 5 năm để phát triển môn võ truyền thống của Indonesia. Năm năm ở Việt Nam là giai đoạn đáng nhớ nhất với ông và cũng bắt đầu cho thời điểm ông đối mắt với chỉ trích từ quê nhà.
“Tôi rất nhớ Việt Nam. Ở đó, tôi có rất nhiều mối quan hệ, bạn bè và học trò. Sau này, khi phong trào ở Việt Nam phát triển, nhiều nước mời tôi qua đào tạo nhưng ấn tượng với tôi vẫn chỉ là Việt Nam”, ông nói.
Nếu như năm 1995, Việt Nam chỉ giành được 4 HCB và 7 HCĐ ở SEA Games tại Thái Lan thì sau đó hai năm tại Indonesia, đoàn pencak silat Việt Nam có 3 HCV, 2 HCB và 5 HCĐ. Những con số được ông thầy nhớ như in.
Liên tục trong các kỳ đại hội thể thao tiếp theo như SEA Games 1999 ở Brunei và 2001 tại Kuala Lumpur, pencak silat Việt Nam giành đến 7 HCV. Con số và thành tích đều được coi là vượt qua đất nước đã sản sinh ra môn võ này, Indonesia. Đến SEA Games 2003 tại Việt Nam, con số này còn lên đến 11 HCV, bỏ rất xa đất nước quê hương của môn võ này.
Pencak Silat trở thành 'mỏ vàng" của đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ đại hội thể thao sau khi được đào tạo bài bản, chỉn chu trong 5 năm đầu tiên. Ảnh: Quang Thịnh.
Công lao lớn nhất thuộc về người con ở Jakarta. Ông Suhartono bằng sự tâm huyết và tận tụy của mình đã truyền đạt tất cả kỹ năng, lên chương trình, giáo án và huấn luyện lẫn đào tạo nhiều thế hệ đi sau.
Chính vì việc giúp nước khác vượt qua phong trào pencak silat ở Indonesia nên chuyên gia Suhartono chịu không ít lời gièm pha, chỉ trích thậm tệ.
“Họ nói tôi không còn yêu đất nước này nữa”, ông chia sẻ tiếp. “Tôi chỉ im lặng và làm việc. Công việc của tôi là phát triển pencak silat trong khu vực và tôi cố gắng làm tốt nhất có thể trong khả năng của mình. Tôi không chỉ làm cho Việt Nam mà còn ở Thái Lan, Philippines, Brunei…”.
Đa số những người lên tiếng là làm chuyên môn ở Indonesia. Với họ thì thành công, bước tiến của các nước khác là một áp lực không hề nhỏ với môn võ ngay trên đất mẹ. Nhưng ông Suhartono không chỉ là người Indonesia, ông còn là một người truyền giáo.
Giờ đây không chỉ một mình Indonesia, các nước có tiềm năng phát triển môn võ này đều đã trở thành những thế lực, có thể không hơn nhưng cũng cạnh tranh sòng phẳng với các VĐV nước chủ nhà. Ông lấy ví dụ như Việt Nam, Malaysia và Singapore.
Vui với những gì đã làm cho pencak silat Việt Nam
Không khó để nhận ra người đàn ông râu kẽm trong nhà thi đấu Padepokan Pencak Silat, nơi diễn ra các nội dung chung kết pencat silat tại Asian Games 2018. Đoàn Việt Nam có sáu VĐV lọt vào chung kết.
Trong số sáu trận trận đấu đó, có đến 4 trận gặp các VĐV chủ nhà Indonesia. Chuyên gia và cũng là người thầy của nhiều thế hệ đi trước, ông Suhartono nhận định: “Về kỹ thuật giữa hai nước không có gì khác biệt. Tôi vừa cho đội tuyển quốc gia qua Bắc Ninh tập huấn trước khi dự ASIAD 18”.
Dù không còn làm việc ở Việt Nam nhưng “người đúc vàng” cho pensak silat Việt vẫn luôn nói về phong trào võ thuật truyền thống của Indonesia với một cách tự hào. Những huyền thoại pencak silat Việt Nam như Trịnh Thị Mùi hay Nguyễn Văn Hùng đều được ông xem như người nhà.
Việt Nam (giáp đỏ) thuộc nhóm các nước mạnh pencak silat. Ảnh: Quang Thịnh.
“Mùi là huyền thoại của pensak silat Việt Nam. Cô ấy là người phụ nữ đầu tiên thực hiện được động tác “cắt kéo” trong khu vực mà mãi về sau mới có người làm được”, ông nhớ lại và vẫn còn đó những điều tiếc nuối.
“18 năm đã trôi qua, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều từ kỹ thuật cho đến cách đào tạo. Tôi muốn mình có thể viết lại một chương trình mới, giáo án mới tốt hơn để có những kỹ thuật tốt hơn trước”.
Pencak silat trở thành niềm hy vọng vàng còn lại của Đoàn thể thao Việt Nam ở ASIAD 18 sau khu hàng loạt sự kỳ vọng khác đều gây thất vọng. Nhìn thấy điều ấy, ông Suhartono không thể không vui mừng dù lúc này ông trở về Indonesia làm việc.
Tuy nhiên, với tư cách là một thành viên của PERSILAT, công việc của ông còn rất nhiều. Không phải ở đất nước nào mà ông đặt chân tới, dành thời gian và tâm huyết và sau khi ông ra đi thì ở đó đều thành công.
Brunei là một ví dụ với xuất phát điểm thấp như Việt Nam hồi đầu những năm 1990. Pencak silat thoạt đầu có người dẫn dắt còn có hiệu quả nhưng theo ông Suhartono thì sau khi ông ra đi mọi thứ đã đi xuống.
Thái Lan, Malaysia hay Singapore và Việt Nam là câu chuyện khác với tiềm năng và cơ hội phát triển. “Họ cho thấy sự quan tâm đúng mực để đẩy mạnh phong trào”, ông Suhartono nhớ lại khi ông Hoàng Vĩnh Giang – Nguyên giám đốc sở thể thao Hà Nội làm việc với mình những ngày đầu.
“Tôi hạnh phúc khi thấy ban đầu chỉ có 400 người tập luyện nhưng sau này đã lên đến hơn 70 nghìn người. Quan trọng nhất chính là pencak silat đã đến với các trường học và câu lạc bộ”, chuyên gia pencak silat này cho hay.
Với những tấm huy chương vàng mà các VĐV Việt Nam giành được tại Asian Games lần này, trong đó chắc chắn có niềm vui của ông Suhartono dù cho suốt nhiều năm cống hiến cho pencak silat ông đã chịu nhiều thiệt thòi.
Theo Lê Minh (Tri Thức Trực Tuyến)