Chuyện gì đang xảy ra với "cơn lốc màu cam" Hà Lan

28/03/2017 14:01:00

Sau Euro 2016, một trong số ít nền bóng đá vĩ đại nhất thế giới đang đối diện nguy cơ phải vắng mặt ở giải đấu lớn thứ hai liên tiếp, do chỉ đứng thứ tư vòng loại World Cup 2018.

Sau Euro 2016, một trong số ít nền bóng đá vĩ đại nhất thế giới đang đối diện nguy cơ phải vắng mặt ở giải đấu lớn thứ hai liên tiếp, do chỉ đứng thứ tư vòng loại World Cup 2018.

Thất bại dưới tay Bulgaria là cái tát giáng thẳng vào niềm tự hào của bóng đá Hà Lan. Ảnh: Reuters.

Chiến dịch vòng loại của Hà Lan ở World Cup 2018 đang diễn ra như thế nào. Họ chịu thua 0-2 tại Bulgaria cuối tuần qua. Sau năm lượt trận tại bảng A, đội bóng quê hương của những Johan Cruyff, Marco van Basten, Dennis Bergkamp thua hai, hòa một, thắng hai, và đứng tận vị trí thứ tư với sáu điểm kém đầu bảng Pháp. Họ cũng ít hơn ba điểm so với đội nhì bảng Thụy Điển.

Kết quả yếu kém sau nửa chặng đường vòng loại buộc Liên đoàn bóng đá Hà Lan (KNVB) phải sa thải HLV trưởng Danny Blind với hy vọng có thể vượt qua hiểm cảnh để giành vé tới Nga hè năm sau. Giải đấu lớn liền trước đó, Euro 2016, cũng đã vắng mặt đội bóng áo cam.

Với cục diện bảng đấu và thực lực hiện nay của các đội, Hà Lan còn rất ít cơ hội chiếm được vị trí đầu bảng từ tay Pháp. Mục tiêu thực tế hơn với họ là giành lấy vị trí thứ hai của Thụy Điển trong năm trận còn lại. Chín đội dẫn đầu các bảng vòng loại giành quyền vào thẳng vòng chung kết tại Nga. Tám đội nhì bảng có thành tích tốt nhất bước tiếp vào vòng đấu loại thứ hai (chia bốn cặp đấu sân nhà sân khách để xác định bốn đội thắng chung cuộc giành vé vớt tới Nga).

Video Hà Lan thua Bulgaria 0-2

Trước hai kỳ vòng loại thất vọng liên tiếp, bằng cách nào Hà Lan có mặt ở chung kết World Cup 2010, và đứng thứ ba World Cup 2014. Cố huyền thoại Johan Cruyff trong suốt kỳ World Cup 2010 nhiều lần chỉ trích đội tuyển quê hương vì đã từ bỏ lối chơi truyền thống “bóng đá tổng lực”. Thời điểm đó, HLV Bert van Marwijk đã lựa chọn đấu pháp gây tranh cãi nhưng cũng rất hợp lý với dàn cầu thủ có trong tay. Ông nhận thấy rằng có những lỗ hổng trong mối liên kết giữa các cầu thủ, và quyết định cho triển khai lối chơi thiên về phòng ngự khi gặp các đối thủ mạnh.

Chiến thuật đó có lẽ là phần nguyên nhân dẫn tới việc một số cầu thủ Hà Lan chơi thô bạo ở trận chung kết, trong đó có tình huống Nigel de Jong tung cú đá kung-fu vào ngực Xabi Alonso của Tây Ban Nha. Nhưng cũng nhờ tư duy đấu pháp phản truyền thống “tấn công tổng lực” đó, Hà Lan vào tới chung kết World Cup 2010 và thậm chí còn suýt trở thành đội thắng cuộc.

chuyen-gi-dang-xay-ra-voi-con-loc-mau-cam-ha-lan-1

Hà Lan từng chuyển mình theo lối chơi thực dụng khi vào trận chung kết World Cup 2010 và về ba ở World Cu 2014.

Hè 2014, Louis van Gaal cũng nhận thấy những hạn chế trong đội hình mà ông mang tới Brazil. Và ông buộc phải tạo ra một hệ thống để khắc phục điểm yếu. Sơ đồ chiến thuật 3-5-2 đã tạo điều kiện cho các tuyển thủ Hà Lan khi ấy phát huy khả năng, dù nhiều người trong số họ trước đó không đạt phong độ tốt ở các CLB.

Ở Hà Lan tồn tại quan niệm rằng triết lý bóng đá đứng trên mọi thứ khác. Một ví dụ điển hình là Ruud Gullit từng khăng khăng về cái gọi là “sexy football” (bóng đá quyến rũ) thời còn làm HLV Chelsea. Nhưng rồi những người làm bóng đá Hà Lan cũng phải hiểu rằng những sáng tạo, đổi mới của họ đã dần được những người khác áp dụng theo và cải tiến. “Bóng đá tổng lực” chỉ mang tính xu hướng trong  thời gian nhất định, chứ không thể mãi mãi thành công trong mọi hoản cảnh.

Robin van Persie, Arjen Robben, Wesley Sneijder giờ ra sao. Những cái tên này không còn tạo được ảnh hưởng lớn tới đội tuyển Hà Lan hiện nay, và đó là một vấn đề của họ. Wesley Sneijder được FIFA bình chọn là một trong ba tiền vệ hay nhất thế giới năm 2010, đứng thứ tư cuộc bình chọn giải thưởng Quả Bóng Vàng 2010, giành danh hiệu Quả Bóng Bạc tại World Cup 2010. Nhưng anh bây giờ không còn như xưa, khi ở cấp CLB anh chỉ thi đấu cho Galatasaray (Thổ Nhĩ Kỳ).

Tiền đạo Van Persie có pha bay người đánh đầu tuyệt đẹp ghi bàn vào lưới Tây Ban Nha ở World Cup 2014. Nhưng cựu ngôi sao Man Utd và Arsenal đã không được triệu tập vào đội tuyển kể từ sau khi họ không vượt qua vòng loại Euro 2016.

chuyen-gi-dang-xay-ra-voi-con-loc-mau-cam-ha-lan-2

Các ngôi sao như Sneijder, Robben và Van Persie đã qua thời đỉnh cao, không còn đủ sức vực dậy cả tập thể Hà Lan.

Chỉ còn Arjen Robben vẫn thỉnh thoảng có màn trình diễn đúng đẳng cấp vốn có. Những cái tên đáng chú ý còn lại của Hà Lan cũng đều xuống dốc phong độ ở đội tuyển. Ngay cả những gương mặt từng là niềm hy vọng của tương lai cũng đang chật vật trong màu áo cam. Tiền vệ trung tâm Kevin Strootman mới chỉ tìm thấy lại cảm giác của đôi chân, sau gần hai năm phải ngồi ngoài vì gãy chân trước World Cup 2014. Cầu thủ chạy cánh Memphis Depay đã trở lại với phong độ tốt tại Lyon, nhưng sau 18 tháng gây thất vọng ở Man Utd, anh chỉ là cầu thủ dự bị không được sử dụng phút nào trong trận thua tại Sofia hôm 25/3.

Ai phải chịu trách nhiệm chính cho thành tích yếu kém của Hà Lan. Thật khó nói cụ thể đó là ai. Thực tế là cả hai HLV được bổ nhiệm thời gian qua đều không hoàn thành nhiệm vụ. Guus Hiddink nhiều kinh nghiệm, giàu thành tích, có khả năng vực dậy tinh thần cho một đội bóng đang hụt hơi, nhưng ông thuộc nhóm các HLV bị chê là đã lỗi thời về chiến thuật.

Sau khi Hiddink phải rời ghế HLV trưởng vào hè 2015 vì các trận thua trước CH Czech, Iceland và hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Danny Blind kế nhiệm cùng kỳ vọng có thể cứu chiến dịch vòng loại Euro 2016, nhưng không thành công. Blind tiếp tục không tạo được chút ấn tượng nào ở vòng loại World Cup 2018. Có lẽ KNVB đã sai lầm khi trao công việc dẫn dắt đội tuyển quốc gia cho một người mới chỉ có kinh nghiệm một năm làm HLV trưởng tại Ajax từ tận mùa giải 2005–2006.

Những ứng viên tiềm năng cho vị trí tân HLV trưởng. HLV tạm quyền là Fred Grim, người trước đó là trợ lý của Blind và là cựu thủ môn Ajax. Nhưng KNVB mới chỉ có kế hoạch tìm kiếm tân HLV khi quyết định sa thải Blind, chứ xem ra chưa tiến hành đàm phán với bất kỳ ứng viên nào. Hôm 26/3, Giám đốc thương mại của KNVB Jean-Paul Decossaux cho biết: “Chúng tôi có ý tưởng và kế hoạch dự phòng cho việc tìm kiếm một HLV trưởng mới cho đội tuyển quốc gia. Chúng tôi muốn giải quyết công việc này càng nhanh càng tốt”.

chuyen-gi-dang-xay-ra-voi-con-loc-mau-cam-ha-lan-3

Blind có kinh nghiệm học hỏi từ Van Gaal nhưng vẫn không đủ giúp Hà Lan chặn đà suy thoái.

Có vẻ như Hà Lan lần này sẽ tiến hành cách tiếp cận khác. Họ chưa bổ nhiệm một HLV ngoại nào kể từ sau thời Ernst Happel vào năm 1978, nhưng thói quen đó có thể thay đổi sau giai đoạn thất bại vừa qua.

Khi được hỏi về khả năng chọn một HLV nước ngoài, Giám đốc Decossaux trả lời: “Tất cả các lựa chọn đều có thể được cân nhắc”. Hà Lan sẽ phải chọn được HLV trưởng mới cho kịp chỉ đạo ở trận gặp Luxembourg vào tháng Sáu tới.

Bóng đá Hà Lan sẽ khởi sắc trở lại? Mọi thứ ngay lúc này dường như tồi tệ với đội tuyển Hà Lan, nhưng họ có lý do để suy nghĩ tích cực – ít nhất là trên lý thuyết. Lò đào tạo Ajax vẫn cung cấp nhiều tài năng như truyền thống.

Vấn đề là Hà Lan vẫn có thói quen tung các cầu thủ vào sân ở đấu trường lớn khi còn quá trẻ. Ở trận đấu vòng loại hôm 25/3, họ lặp lại điều đó với Matthijs de Ligt, một trung vệ 17 tuổi còn non kinh nghiệm. Cầu thủ này mới chỉ có 13 trận ra sân cho đội một Ajax trước khi HLV Blind quyết định lựa chọn anh để có thể củng cố hàng phòng thủ. Nhưng De Ligt đã phán đoán sai trong tình huống bóng dài của đối phương, tạo điều kiện cho Spas Delev mở tỷ số ngay phút thứ năm. Phút 20, Hà Lan thủng lưới bàn thứ hai. Đó giống như một cú đấm mạnh vào cầu thủ mới bắt đầu sự nghiệp đỉnh cao.

Nhưng Hà Lan có thể sớm được chứng kiến sự tỏa sáng của những niềm hy vọng mới khác, trong đó có Daley Sinkgraven, tiền vệ 21 tuổi tài năng của Ajax. Depay cũng đang dần trở lại với hình ảnh của một cầu thủ mà mọi người từng dự đoán sẽ trở thành ngôi sao.

Nhưng điều quan trọng nhất với Hà Lan vẫn là ai sẽ được bổ nhiệm làm HLV trưởng mới.

Theo Nguyễn Phát (VnExpress.net)

Nổi bật