Chuyện cổ tích hai mặt của “những chú lính chì” Đan Mạch tại Euro 1992

05/04/2016 20:28:27

“Stefan Effenberg gọi điện cho tôi vào tối hôm trước trận chung kết rằng liệu tôi có muốn đổi áo với anh ấy sau trận hay không. Tôi đáp rằng mình hoàn toàn sẵn sàng. Sau đó tôi nghe thấy những tiếng cười của vài cầu thủ Đức vang lên,” Brian Laudrup, cầu thủ xuất sắc nhất của đội tuyển Đan Mạch vô địch Euro 1992 hồi tưởng lại câu chuyện xung quanh trận chung kết giải đấu năm đó. “Nhưng sau khi trận đấu kết thúc, tôi tìm mãi mà không thấy anh ấy đâu cả. Stefan đã rời khỏi sân tự bao giờ.”

“Stefan Effenberg gọi điện cho tôi vào tối hôm trước trận chung kết rằng liệu tôi có muốn đổi áo với anh ấy sau trận hay không. Tôi đáp rằng mình hoàn toàn sẵn sàng. Sau đó tôi nghe thấy những tiếng cười của vài cầu thủ Đức vang lên,” Brian Laudrup, cầu thủ xuất sắc nhất của đội tuyển Đan Mạch vô địch Euro 1992 hồi tưởng lại câu chuyện xung quanh trận chung kết giải đấu năm đó. “Nhưng sau khi trận đấu kết thúc, tôi tìm mãi mà không thấy anh ấy đâu cả. Stefan đã rời khỏi sân tự bao giờ.”
Không chỉ riêng Stefan Effenberg mà chắc chắn không một tín đồ nào của túc cầu giáo dám tin vào chiến thắng của “những chú lính chì” tại Euro 1992. Đan Mạch dẫn dắt người hâm mộ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trải qua 2 trận đầu tiên không thể ghi bàn, Đan Mạch đã lần lượt đánh bại Pháp, Hà Lan và Đức, ba đội bóng mạnh nhất châu Âu khi đó, để bất ngờ đăng quang tại Euro lần đầu tiên trong lịch sử. Thậm chí cho đến khi đã lọt tới trận chung kết, đội bóng nhỏ bé vùng Bắc Âu cũng nhận được niềm tin từ những người hâm mộ. Chỉ đến khi trọng tài Bruno Galler nổi tiếng còi mãn cuộc, tất cả mới nhận ra rằng “những chú lính chì” vừa làm nên lịch sử.

Đội tuyển Đan Mạch lọt vào vòng chung kết một cách rất bất ngờ và không thể lường trước. Đan Mạch chỉ đứng thứ hai ở vòng loại bảng 4, tức là họ phải ngậm ngùi nhìn Liên bang Nam Tư, đội bóng dẫn đầu bảng, đi tới Thuỵ Điển tham dự vòng chung kết. Khi mà đang chuẩn bị tham dự trận giao hữu với đội tuyển Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), chỉ 11 ngày trước ngày khai mạc Đan Mạch nhận được tin rằng họ sẽ thay thế Nam Tư theo dạng suất dự phòng để tham dự giải đấu danh giá nhất châu Âu. Brian Laudrup chia sẻ: “Hôm đó HLV Richard Nielsen triệu tập các cầu thủ lại, ông đứng giữa và nói: ‘Các cậu hãy nghe đây. Chúng ta sẽ tới Thuỵ Điển để vô địch giải đấu này’. Tôi đã không thể nhịn cười.”

Đan Mạch bất ngờ vô địch Euro 1992 bằng lối chơi phòng ngự đổ bê tông

Từ một đội bóng chỉ có thể tham dự giải qua suất dự phòng, Đan Mạch đã đi liền một mạch đến chức vô địch mà càng lúc họ càng chơi hay hơn. Câu chuyện của “những chú lính chì” nghe không khác gì một câu chuyện cổ tích. Nhưng điều đó không có nghĩa là Đan Mạch đã trình diễn một thứ bóng đá bắt mắt và lôi cuốn người xem. Họ có sáng tạo? Không! Có gì đổi mới? Không. Lối chơi tấn công đẹp mắt? Càng không. Đội bóng của HLV Nielsen đã sử dụng lối chơi phòng ngự đổ bê tông, với chiếc xe bus 2 tầng xuyên suốt giải đấu. Tất nhiên phòng ngự cũng là một nghệ thuật nhưng không phải khán giả nào cũng cảm thấy hài lòng.

Thực tế thì Đan Mạch đã trung thành với bộ tứ vệ gồm 4 người giăng ngang vốn đang dần trở thành một “mốt” mới trong thời kỳ đó. Có điều “những chú lính chì” đã bổ sung thêm một lớp phòng ngự như vậy nữa nhằm đảm bảo sự chắc chắn tuyệt đối cho khung thành của Peter Schmeichel. Trên lý thuyết, Đan Mạch chơi 4-4-1-1 nhưng thực tế, đó chẳng khác nào sơ đồ 8-1-1 giống như cái cách Hy Lạp đã sử dụng để tạo nên câu chuyện thần thánh không kém tại Euro 2004. Mọi sự sáng tạo, tổ chức tấn công và cả ghi bàn đều được HLV Nielsen trao cả cho Brian Laudrup, cầu thủ khi đó đang chơi cho Bayern Munich và cũng là ngôi sao sáng nhất trong đội hình Đan Mạch thời bấy giờ.

Sẽ là hơi quá nếu như coi khả năng tấn công của Đan Mạch là không có gì đáng xem. Laudrup cùng những tiền vệ cánh như John Jensen và Hendrik Larsen thường xuyên hoán đổi vị trí cho nhau bằng óc sáng tạo và kỹ chiến thuật rất tốt của mình. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong 3 trận đấu cuối giải trước những đội bóng mạnh, họ đã ghi được tới 6 bàn thắng. Song hàng thủ mới là điểm nhấn đáng chú ý của “những chú lính chì”. Họ đã khiến Jurgen Klinsmann hoàn toàn tắt điện trong trận chung kết bằng cách bố trí trung vệ Piechnick theo sát anh như hình với bóng trong cả trận đấu. Với đội hình lùi sâu và vị trí giữa các tuyến là tương đối hẹp, Đan Mạch có đủ cầu thủ để bọc lót cho nhau khi cần, giúp cho các trung vệ thoải mái rời bỏ vị trí của mình để theo kèm đối thủ.

Nhắc đến thế hệ vàng của Đan Mạch, người ta sẽ nghĩ ngay đến những cầu thủ như Michael Laudrup, Jan Molby hay Preben Elkjaer. Đó là một Đan Mạch của những năm 80, đầy tính cống hiến với lối đá tấn công đẹp mắt. Thực tế thì vào năm 1992, Michael Laudrup đang ở đỉnh cao phong độ tại Barcelona, nhưng anh đã phủ quyết lời mời vào đội tuyển của HLV Nielsen đơn giản bởi cầu thủ khi đó 28 tuổi hiểu rằng lối chơi mà Nielsen áp dụng không hề phù hợp với phong cách tấn công phóng khoáng của ông. Điều đó cho thấy rằng Đan Mạch của những năm 1992 đề cao phòng ngự đến nhường nào.

Dĩ nhiên câu chuyện cổ tích của “những chú lính chì” vẫn là rất xứng đáng được ghi nhận. Nhưng cái cách mà Stefan Effenberg đã phải rời khỏi sân mà quên đi lời hứa đổi áo với người đồng đội ở cấp độ CLB cũng phần nào tô đậm thêm lối chơi phòng ngự tiêu cực của người Đan Mạch năm đó. Nếu không, cũng giống như Hy Lạp của 2004, họ khó có thể làm nên bất ngờ lớn bậc nhất lịch sử bóng đá thế giới như vậy.

Theo Thể thao Việt Nam