MƯỜI TUỔI ĐÃ BỎ NHÀ ĐI "TẦM SƯ HỌC ĐẠO"
Võ sư Vũ Trường Giang sinh ngày 27/5/1972 tại thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Gia đình ông có 10 anh chị em, cuộc sống nghèo khổ nên thường bị khinh thị. Chính việc bị những đứa trẻ nhà giàu coi thường đã khiến Vũ Trường Giang dù còn rất nhỏ đã luôn đau đáu suy nghĩ phải làm sao để thoát khỏi khó khăn.
Vốn đam mê võ thuật cổ truyền, Vũ Trường Giang đã tâm niệm đấy sẽ là cách để ông thay đổi số phận. Mới 10 tuổi, Vũ Trường Giang đã "cả gan" bỏ nhà theo một người anh họ lên Hà Nội "tầm sư học đạo".
Trải qua muôn vàn khó khăn, có lúc cả ngày chỉ được ăn một ổ bánh mỳ, võ sư Vũ Trường Giang đã rèn nên một thân Vịnh Xuân quyền đầy ảo diệu. Sau này, cơ duyên đưa ông đến với môn phái Thiêu Lâm Bạch Hổ. Sau 3 năm rèn luyện môn võ này, ông đã có nền tảng để tạo nên phong cách của riêng mình.
Đấy là sự kết hợp cái "nhu" của Vịnh Xuân và cái "dũng" của Bạch Hổ. Nhờ sự kết hợp này, lối đánh của võ sư Vũ Trường Giang linh hoạt, uyển chuyển nhưng cũng cực kỳ cương mãnh, bá đạo. Và từ đấy, nhiều "bi kịch" của bè lũ côn đồ xuất hiện.
HỌC VÕ ĐỂ HÀNH HIỆP TRƯỢNG NGHĨA
Tháng 10/1994, võ sư Vũ Trường Giang bất ngờ gặp người chị dâu đang mặt mũi sưng vù, vừa khóc vừa kể chuyện bị lũ côn đồ ngăn chặn không cho bán hàng ở chợ. Thậm chí, chúng còn ra tay đánh phụ nữ vì không chịu nộp tiền bảo kê.
Tình thân lẫn tính hiệp nghĩa nổi lên, võ sư Vũ Trường Giang chạy ngay ra khu chợ sau khi đã cho người đưa chị dâu tới bệnh viện. Tại đây, ông thấy một tên côn đồ tay vẫn cầm dao chọc tiết lợn, đang hoành hành bá đạo.
Khi võ sư Vũ Trường Giang lại gần, tên côn đồ lập tức vung dao chém. Với phản xạ kinh người của một võ sư đẳng cấp, Vũ Trường Giang nhanh chóng bước chân trái, tỳ vào phía sau còn tay trái tỳ cổ tay phải chộp dao, quật ngã tên côn đồ xuống đường. Sau đó, ông tung cú đá úp mu vào thẳng mặt, hạ đo ván kẻ địch. Sau sự việc lần ấy, chị dâu của ông không còn bị lũ côn đồ gây rối thêm nữa.
Bẵng đi gần 5 năm, Vũ Trường Giang khi ấy đang làm bảo vệ ở bến phà Bãi Cháy. Vô tình, ông nghe được chuyện xe khách chạy từ Nghệ An ra Hà Long thường bị một hãng xe khác bắt chẹt. Tinh thần thượng võ nổi lên, ông nhận lời trợ giúp và ngày hôm sau đã cùng một học trò tới gặp hãng xe nọ để nói chuyện. Tại đây, đối phương có ý đồ mờ ám khi hẹn ông ở một địa điểm khác.
Dù nghi ngờ nhưng võ sư Vũ Trường Giang và học trò không hề e ngại. Không ngoài dự đoán, ở "địa điểm khác" kia, đối phương đã gọi 5, 6 tên côn đồ tay cầm hung khí chờ sẵn. Khi ông và học trò vừa đến, đối phương liền lao vào chém.
Khi đang chống trả lại đối phương, Vũ Trường Giang bỗng thấy một tên thanh niên cầm xẻng và sắp chặt xuống cổ của học trò mình. Không kịp suy nghĩ nhiều, ông dùng bàn tay không để bắt lấy lưỡi xẻng. Lực chặt xuống mạnh đến mức cán xẻng gãy đôi, nhưng may là Vũ Trường Giang sử dụng kĩ thuật khéo léo nên dù rướm máu, bàn tay của ông đã không bị chặt làm hai.
Nén đau, Vũ Trường Giang quật ngã tên côn đồ cầm xẻng, rồi tiếp tục cùng học trò chống lại cũ hung ác. Sau khi chống lại lũ côn đồ, ông tới gặp bác sĩ và mới biết tay mình bị đứt gân, cần nối lại nêu không sẽ hỏng hẳn.
Từng bị thương nặng như thế nhưng Vũ Trường Giang không hề ngại tiếp tục làm việc nghĩa. Năm 2001, ông vô tình hình thấy 2 tên côn đồ đang bắt nạt du khách ở Hạ Long. Lập tức, ông tung cú Bàng Long cước khiến một tên bay xa gần 5m, ngã xuống hố ga bất tỉnh. Tên còn lại hoảng sợ nên lập tức bỏ chạy.
Tên côn đồ bị đánh bất tỉnh sau này nhớ lại, đã tìm gặp võ sư Vũ Trường Giang, xin lỗi và được ông giảng đạo nghĩa giang hồ. Sau này, hai người cũng trở thành bạn bè.
Nhiều lần hành hiệp trượng nghĩa, Vũ Trường Giang kết oán với không ít băng đảng ở Hạ Long. Thậm chí, chúng còn thuê người thủ tiêu ông, nhưng do cũng có nhiều bạn bè nên Vũ Trường Giang luôn biết trước để chống trả lại.
Sau này, ông thành lập Công ty bảo vệ Hoàng Bảo Ngọc, từng nhiều lần kết hợp với công an để vây bắt bè lũ trộm cướp tại Hạ Long. Ngoài ra, ông cũng luôn nỗ lực để góp phần chăm sóc người già ốm đau trong cộng đồng, hay giúp đỡ các thanh niên từng lạc lối tìm về con đường thiện.
Vào năm 2007, ông cũng xin phép chính quyền và Chi hội võ thuật thành phố Hà Long, mở CLB Võ Đức Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền.
Theo Đoàn Dự (Pháp luật và Bạn đọc)