Trong thế kỷ 20, làng võ cổ truyền Việt Nam có một huyền thoại từng được ca ngợi "thiên hạ đệ nhất cao thủ", sở hữu công phu thượng thừa và là người sáng lập ra môn phái Võ Lâm Chánh Tông Thập Bát La Hán Quyền. Ông là đại lão võ sư Đoàn Tâm Ảnh (1900-2008).
TUYỆT KỸ THẤT THẬP NHỊ HUYỀN CÔNG VÀ THẬP BÁT LA HÁN QUYỀN TRỨ DANH
Đại lão võ sư Đoàn Tâm Ảnh (nhiều người gọi ông là đại sư) có tên thật Tô Văn, biệt danh Sáu Nhỏ (cùng biệt danh với võ sĩ Sáu Cường nổi tiếng ở miền Nam). Ông sinh ngày 24/12/1900 tại cầu Ba Cẳng, Bình Tây, tỉnh Chợ Lớn (nay là TP.HCM).
Đoàn Tâm Ảnh là con út của một nhà đình trung lưu chuyên bán tạp hóa. Cha của ông là Tô Nghiêm, người Tiều, Trung Quốc. Mẹ ông là La Thị Muối, người gốc Nghệ An.
Vốn say mê võ thuật từ thuở thiếu thời, đến năm Qúy Sửu (1913), Đoàn Tâm Ảnh được Mộc Đức thiền sư, một người Trung Quốc lưu lạc ở Việt Nam nhận làm đệ tử và đưa về Phi Lai Tự (Trung Quốc).
Trong những năm tháng xa quê hương, ông được học Phật pháp, Thiền và một số tinh hoa của Côn Luân Bắc phái. Cũng trong thời gian này, ông còn học Thiếu Lâm Nam phái do thầy Trường Giang Mạnh Vũ, cũng người Trung Quốc truyền dạy.
Khổ luyện dòng dã suốt 11 năm dưới sự chỉ dạy tận tình của hai vị chân sư, Đoàn Tâm Ảnh mới trở lại quê nhà. Một thời gian sau, ông lập gia đình, vợ ông cũng là con gái một vị võ sư. Thế nhưng, vì hoàn cảnh riêng, Đoàn Tâm Ảnh phải bôn ba, phiêu bạt khắp nơi.
Trong thời gian này, ông tham gia tranh tài quốc tế trên khắp các võ đài Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Mã Lai… với thành tích bất khả chiến bại. Đoàn Tâm Ảnh sớm được coi là một đại cao thủ trong làng võ thuật miền Nam. Ông nổi tiếng với nhiều bí kíp võ công có nguồn gốc Thiếu Lâm, được truyền dạy bởi hai vị chân sư người Trung Quốc.
Trong hệ thống công phu của Đoàn Tâm Ảnh, nổi bật hàng đầu phải kể tới các tuyệt kỹ Thất Thập Nhị Huyền Công (72 tuyệt kỹ của Thiếu Lâm) và Thập Bát La Hán Quyền (18 chiêu thức chiến đấu), La Hán Thần Công (18 chiêu thức tuyệt kỹ)… Đáng chú ý, ông là vị cao thủ duy nhất ở Việt Nam tinh thông những bí kíp này.
Nhờ lĩnh hội được hầu hết những tinh hoa của võ Thiếu Lâm, Đoàn Tâm Ảnh vận dụng Thất Thập Nhị Huyền Công, 18 thế quyền La Hán kết hợp với quyền của bên Bắc phái sáng chế ra 18 bài quyền.
Trong 18 bài quyền này, ông lấy Thất Thập Nhị Huyền Công làm căn bản, lấy Thập Bát Chưởng Công, Lục Bộ Thần Công để hết hợp thành 18 bài quyền theo thứ tự từ thấp lên cao.
Riêng bộ La Hán Thần Công, ông để vào chương trình thượng đẳng và đặt tên cho môn võ này là môn Võ Lâm Chánh Tông Thập Bát La Hán Quyền.
Vào năm 1954, võ sư Đoàn Tâm Ảnh thành lập võ đường Võ Lâm Chánh Tông rồi tiếp tục thành lập Tổng hội Võ lâm Việt Nam tại Cần Thơ. Tiếng tăm của Đoàn Tâm Ảnh ngày càng vang dội.
Ngoài hai bộ bí kíp Thất Thập Nhị Huyền Công và Thập Bát La Hán Quyền thì võ sư Đoàn Tâm Ảnh còn để lại nhiều chiêu thức độc đáo khác như: Chu Long Song Kiếm, Tru Tiên Song Trùy, Thập Nhị Xà Quyền, Tam Tinh Quyền…
VỊ CAO THỦ TỪNG NƯƠNG NHỜ CỬA PHẬT
Làng võ miền Nam có nhiều giai thoại nói về võ sư Đoàn Tâm Ảnh. Nhiều người nói rằng sinh thời, Đoàn Tâm Ảnh thường hành hiệp trượng nghĩa, từng tham gia ám sát nhiều tên quan lại, cường hào ác bá chuyên hà hiếp dân lành.
Có câu chuyện kể rằng cứ thi thoảng, người ta lại thấy có một tên quan lại gian ác bị ám sát trong đêm, hiện trường luôn tìm thấy hình một ngôi sao năm cánh, và người thực hiện những phi vụ này không ai khác chính là Đoàn Tâm Ảnh.
Một giai thoại khác lại kể về bí kíp võ công trị giá hơn… 200 cây vàng của võ sư Đoàn Tâm Ảnh. Võ sư Băng Sơn (Chưởng môn phái Thiết Lâm Phật Gia) cũng là một trong 12 đại đồ đệ của võ sư Đoàn Tâm Ảnh từng kể rằng trước kia, võ sư Đoàn Tâm Ảnh luôn mang theo mình một cuốn cẩm nang bí kíp võ công. Đây là cuốn sách ghi lại đầy đủ những kỹ thuật đỉnh cao của môn phái Thiếu Lâm Côn Luân do tự tay võ sư Đoàn Tâm Ảnh ghi chép.
Nhiều thập kỷ trước, rất nhiều người từng muốn sở hữu cuốn bí kíp này. Có nhiều nhà xuất bản đến gặp võ sư Đoàn Tâm Ảnh thuyết phục để mua lại bản thảo với số tiền khổng lồ.
Riêng nhà sách Khai Trí ở Sài Gòn đã trả cho đại sư 200 cây vàng nhưng lão võ sư vẫn không chịu bán, với lý do: "Sách quý, không bán được. Nhưng gặp ai, thấy thích, tôi sẽ tặng ngay!" Về sau, võ sư Đoàn Tâm Ảnh đã tặng lại cuốn bí kíp đặc biệt này cho đại đồ đệ Băng Sơn.
Võ sư Đoàn Tâm Ảnh từng có lần nói rằng: "Võ lâm Chánh tông là lối đánh võ có khí, lực, có nhu, có cương, có bộ mã sanh mã tử, đủ đòn thế quyền cước để tránh né, luồn lách khéo léo, phản công nhanh lẹ". Ông cũng thường nhắc nhở các đệ tử của mình rằng: "Dạy võ mà hướng dẫn không rõ, phân thế không rành, dạy đòn không đúng là vô tình xô người tập vào chỗ chết!".
Sinh thời, võ sư Đoàn Tâm Ảnh sau chặng đường bôn ba với nhiều trận tỉ thí trên giang hồ, ông từng nương nhờ cửa Phật, sống ẩn dật ở nhiều ngôi chùa với pháp danh Thiện Tâm. Cũng chính vì vậy, nhiều người quen gọi ông là thiền sư Thiện Tâm hay thiện sư Đoàn Tâm Ảnh. Trong khi đó, các đệ tử thường gọi ông với danh xưng là Đại tôn sư Thiện Tâm hoặc Đại tôn sư Đoàn Tâm Ảnh.
Sau nhiều thập kỷ gắn bó với nghiệp võ thì đến ngày 3/11/2008, đại lão võ sư Đoàn Tâm Ảnh đã tạ thế vì tuổi cao, hưởng thọ 109 tuổi. Ông trở thành một trong những huyền thoại sống thọ nhất trong làng võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Cho đến nay, với nhiều người mến mộ thì Đoàn Tâm Ảnh giống như một tượng đài, một bậc kỳ tài võ học hiếm có của nền võ thuật cổ truyền nước nhà.
Theo Tiểu Mã (Pháp luật và Bạn đọc)