Messi là một chú chó
Chín năm về trước, nhân dịp sinh nhật lần thứ 28 của Messi, nhà báo thể thao người Argentina - Hernán, đã có một bài viết về siêu sao này với tựa đề gây sốc: "Messi is a dog" - Messi là một chú chó.
Trong bài viết mất khoảng 7 phút để đọc từ đầu đến cuối, nhà báo này đã lý giải vì sao ông lại gọi Messi là một chú chó:
"Thuở còn bé, tôi có một con chó tên là Totin. Nó không phải là một con chó khôn ngoan gì. Trộm có vào nhà khuân TV đi thì nó cũng chỉ ngồi nhìn, người ta có bấm chuông cửa thì nó cũng chả buồn nhúc nhích, tôi có bệnh gần chết thì nó cũng chẳng quan tâm.
Ấy vậy mà khi có ai đó (như mẹ tôi, chị tôi hay làm) cầm miếng bọt biển lên, Totin như phát điên. Nó muốn cái miếng bọt biển màu vàng ấy hơn bất cứ thứ gì trên đời. Nó luôn muốn mang cái miếng bọt biển ấy cùng đi ngủ. Tôi cầm miếng bọt biển lên là mắt nó dán chặt vào. Tôi chuyển từ tay này sang tay khác, mắt nó luôn dõi theo, không bỏ qua bất cứ một cử động nào.
Chiếc cổ của Totin di chuyển theo miếng bọt biển trên tay tôi, đôi mắt ánh lên sự thông minh, say mê tột độ. Nó như đôi mắt của Messi khi nhìn thấy quả bóng vậy. Trong thoáng chốc, bạn sẽ có cảm giác đấy là ánh nhìn đầy sự tập trung của Sherlock Holmes vậy.
Tôi phát hiện ra khi xem đoạn video kia: Messi là một con chó, một con chó chơi bóng - xin bạn đừng hiểu điều này theo nghĩa sỉ nhục. Bởi vì con chó không biết giả vờ đau đớn, nó cũng không đến phàn nàn với trọng tài là con mèo thoát khỏi nó như thế nào, nó không chờ chiếc thẻ vàng được rút ra. Thuở ban đầu, người ta chơi bóng theo cách ấy. Họ đuổi theo quả bóng và không quan tâm đến những điều khác: không có thẻ vàng, không có vị trí chiến thuật, không có treo giò, không có luật bàn thắng sân khách. Trước đó, mọi người chơi bóng như Messi và Totin vậy".
"Đoạn băng kia" mà Hernán Casciari nhắc đến ngay ở trên, là đoạn clip ghi lại hàng trăm pha phạm lỗi mà Messi phải nhận, mỗi pha dài từ 2-3 giây. Với Hernán Casciari, "Điều tuyệt vời là trong hàng trăm pha bóng ấy, Messi không ngã, anh không phàn nàn, cũng không đòi một quả phạt. Mắt gắn chặt vào quả bóng, anh cố giữ thăng bằng và chạy tiếp. Xoạc bóng, kéo áo, ôm lại, tì vai, ngáng chân, đủ mọi kiểu để ngăn Messi lại. Tôi sửng sốt khi nhận ra một nét chung trong những hình ảnh ấy, buộc tôi phải xem lại từng pha một: mắt Messi không hề rời khỏi quả bóng".
Quang Hải có còn là một chú chó?
Hơn 6 năm về trước, người viết từng có dịp nói chuyện với mẹ Quang Hải , ngay trước trận bán kết giải U23 châu Á 2018. Người mẹ ấy kể rằng khi cậu con trai đã lên chơi chuyên nghiệp cho CLB Hà Nội, cứ mỗi dịp Tết là cậu lại về nhà với mẹ. Đầu xuân, sân bóng trước nhà cậu sẽ tổ chức giải bóng đá của xã. Bạn của Hải, lứa sinh năm 1997 sẽ í ới gọi cậu ra đá. Nhưng Hải không được đá, bởi quy định của đội, và mẹ sợ cậu chấn thương.
Những lúc ấy, khi các trận đấu diễn, mẹ Hải bảo cậu luôn bồn chồn không yên. Không ra sân xem, nhưng cứ chốc lại đứng ra cổng ngóng, rồi lại lủi thủi vào nhà thở dài. Rốt cuộc, không thể chịu được, Hải vào phòng xếp quần áo vào túi, rồi lên đội sớm.
Với Quang Hải, quả bóng như miếng bọt biển màu vàng của chú chó Totin mà Hernán Casciari nhắc đến. Cũng như Messi, thứ đem lại niềm vui sướng vô hạn cho Quang Hải là được chơi bóng.
Trận đấu gần đây nhất mà Quang Hải được điền tên vào danh sách đăng ký của đội tuyển Việt Nam, cũng là trận đấu cuối cùng mà HLV Troussier cầm quân trước khi rời khỏi Việt Nam trong tủi hổ bởi thành tích 3 trận liền để thua trước Indonesia, ngôi sao người Đông Anh khiến người hâm mộ bóng đá nước nhà phải tiếc nuối, đau xót với đôi tay bưng lấy mặt, đá văng chai nước cũng như ném thẳng chai nước xuống sân trong bất lực khi đội tuyển Việt Nam phải nhận trận thua trắng 0-3, trong khi bản thân bị "giam" trên băng ghế dự bị.
Sau trận đấu ấy, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là: "Quang Hải đã làm gì mà bị HLV Troussier ghét đến thế?". Về mặt khách quan, Quang Hải là mẫu cầu thủ phù hợp với tất cả các triết lý bóng đá lẫn đội hình chiến thuật, bởi tài năng và khả năng xoay chuyển cục diện trận đấu bằng khả năng tạo đột biến của mình. Nói nôm na, chỉ cần Quang Hải chơi được với 60% phong độ, không HLV nào lại để tiền vệ này phải ngồi trên băng ghế dự bị cả trận. Đằng này Quang Hải còn đang có phong độ rất tốt trước đó ở V.League, trong màu áo nhà đương kim vô địch CLB Công an Hà Nội.
Còn nhớ trận đấu cuối cùng của Quang Hải trong màu áo CLB Hà Nội, giữa muôn trùng bủa vây của những tin đồn "đi hay ở", khi được tung vào sân để "cứu" đội nhà, tiền vệ người Đông Anh đã có bàn thắng tuyệt đẹp đem về chiến thắng trước Đông Á Thanh Hóa. Từ cú phạt góc của Văn Quyết, ở một góc khá hẹp, Quang Hải băng vào quăng chân trái một chạm đẫm chất siêu phẩm "xâu kim" thủ thành đối phương. Ngày ấy, Quang Hải như một "chú chó con" thực sự, bỏ mặc mọi thị phi, toan tính bên ngoài sân cỏ, để được chơi bóng và tận hưởng cảm giác chơi bóng thực sự.
Trở lại với câu hỏi lớn sau trận thua 0-3 của đội tuyển Việt Nam trước Indonesia. Hẳn nhiên HLV Troussier không quá kém đến mức không biết được tầm quan trọng của Quang Hải, nhất là trong trận đấu "quyết định số phận" của mình. Nhưng nhà cầm quân người Pháp nhất quyết không tung Quang Hải vào sân, dù chỉ một phút? Có khi nào ông có lý do của riêng mình, và lý do này đến từ chính Quang Hải?
Cũng hơn 6 năm về trước, người viết từng hỏi bố của Quang Hải về lý do con ông từ chối học viện HAGL để đầu quân cho CLB Hà Nội - dù đã từng vào tận Gia Lai "thi thử", ông Thuần - bố Hải, giải thích ngắn gọn: "Đá ở Hà Nội gần nhà, với cháu nó quen với các thầy, các bạn rồi nên cũng không muốn rời đi".
Song lý do thực sự, có lẽ nằm ở lời tâm sự Quang Hải nói với mẹ nuôi của mình: "Mẹ ơi, 90% con ở lại đội là vì trước đấy thầy nói với con: 'Hải ơi, con định bỏ thầy thật à?'. Chính vì con nghe thầy nói với con như thế, con về con nghĩ nhiều quá, và con quyết định sẽ không vào HAGL nữa. Con không biết sẽ ở dưới sự dẫn dắt của thầy bao nhiêu lâu, nhưng khi nghe thầy nói như thế, con đã chùn bước và quyết định sẽ không đi nữa. Chỉ cần có đam mê và có duyên với trái bóng thì dù ở đâu con cũng sẽ phát huy được mẹ ạ".
Người thầy mà Quang Hải nhắc đến trong lời tâm sự với mẹ nuôi, chính là HLV Vũ Minh Hoàng - người thầy đầu tiên của Quang Hải, cũng là bố nuôi của cậu. là người đã tặng cho cậu chiếc áo đội tuyển quốc gia số 23 từ ngày cậu còn bé tý, chưa thể khoác nổi chiếc áo rộng thùng thình, với ước mong ngày nào đó đưa con nuôi - cậu học trò mà mình hết mực yêu thương khoác lên mình chiếc áo tuyển thủ quốc gia Việt Nam.
Quang Hải là mẫu cầu thủ đam mê trái bóng như Messi, nhưng lại là một người con giàu tình cảm. Từ khi rời CLB Hà Nội, hơn một lần những quyết định của ngôi sao này được đưa ra mang hơi hướm gia đình, hơn là chuyên môn. Cũng khá dễ hiểu khi dưới triều đại của HLV Park Hang-seo, ngôi sao này dường như đã có được rất nhiều thứ mà một cầu thủ hằng mơ ước: danh hiệu, tiền tài và sự nổi tiếng.
Không chỉ Quang Hải, đây còn là "tình trạng" chung của lứa cầu thủ "thế hệ vàng" từng sát cánh cùng HLV Park Hang-seo đem về không ít vinh quang cho bóng đá Việt Nam. Vị thế trong sân cỏ, cũng như ngoài xã hội của những Hoàng Đức, Phan Văn Đức, Công Phượng, Xuân Trường... đều được tăng cao, và nằm trong top đầu. Có rất nhiều thứ họ được quyền lựa chọn.
Bóng đá Việt Nam nói chung và đội tuyển Việt Nam nói riêng đang "chạm đáy" sau thất bại thảm hại của HLV Troussier. Lúc này, khi lứa cầu thủ trẻ với những Đình Bắc, Minh Trọng, Khuất Văn Khang, Thái Sơn... vẫn còn non yếu khá nhiều so với lứa "đàn anh" của Quang Hải, Hoàng Đức, thì vai trò của những "học trò cưng" dưới thời HLV Park Hang-seo là cực kỳ quan trọng để vực dậy đội tuyển Việt Nam. Nói cho cùng, Quang Hải cũng chỉ mới có 27 tuổi - độ tuổi được đánh giá là "độ chín" của sự nghiệp cầu thủ.
Đội tuyển Việt Nam sẽ sớm có người dẫn dắt mới thay HLV Troussier. Song dù cho ai có ngồi lên "chiếc ghế nóng" của bóng đá Việt Nam đi nữa, thì việc quan trọng nhất vẫn là phải làm được cho những cầu thủ như Quang Hải ra sân gánh trách nhiệm quốc gia trên vai với một tinh thần rực lửa, để xốc dậy một đội tuyển Việt Nam đã quá quen với thất bại bấy lâu nay.
Nhược bằng không, khi những trụ cột ngày nào của thầy Park vẫn còn ra sân với những "đôi chân tỷ phú", với tâm lý "tròn vai là đủ", thì khi ấy bóng đá Việt Nam sẽ thực sự rơi vào cơn khủng hoảng đáng sợ hơn nhiều, để rồi không hẹn ngày trở lại.
Theo Kim Thiền (Nguoiduatin.vn)