Sau 20 năm “đắp chiếu”, dự án Khu liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc (quận 2) vừa được tái khởi động để phục vụ kế hoạch đăng cai SEA Games 31 dự kiến diễn ra vào năm 2021. Tuy nhiên, trong khi các tuyến metro còn thiếu tiền để hoàn thiện, tỉ lệ nợ công của đất nước quá cao, thì con số 34.000 tỉ ném vào dự án thể thao lại là dấu hỏi lớn? Mặt khác, việc đăng cai SEA Games 31 Chính phủ vẫn chưa “chốt” là diễn ra ở Hà Nội hay TPHCM. Tại sao lại vội vàng đến thế?
Chạy đua
Việc TPHCM khởi động công trình thể thao nghìn tỉ này đặt ra nhiều dấu hỏi: Phải chăng địa phương này đã được đồng ý đăng cai SEA Games 31? Trong khi, cả Hà Nội và TPHCM đều có công văn gửi Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT xin nhận đăng cai SEA Games 31.
Năm 2015 khi Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) chính thức giao quyền đăng cai SEA Games 31 cho Việt Nam, đã có thông tin cho rằng Đại hội TDTT Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ diễn ra tại TPHCM. Bởi trước đó, Thủ tướng Chính phủ từ chối quyền đăng cai ASIAD 18 năm 2019 dự kiến tổ chức ở Hà Nội.
Một trong những lý do thời điểm đó, theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng là “việc đem SEA Games vào TPHCM sẽ giúp đầu tư thêm cơ sở vật chất cho thể thao TPHCM - nơi có tiềm lực kinh tế mạnh nhất cả nước nhưng cơ sở vật chất thể thao chưa tương xứng”. Tuy nhiên, nếu vậy thì TPHCM phải chi một khoản khổng lồ để đầu tư cơ sở vật chất.
Vào tháng 8.2015 khi Bộ VHTTDL trình đề án đăng cai SEA Games, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã truyền đạt ý kiến Thủ tướng là “không đầu tư xây dựng mới từ nguồn ngân sách nhà nước, chủ yếu tận dụng cơ sở vật chất sẵn có và nâng cấp, sửa chữa”.
Vì vậy, Bộ VHTTDL đã chuyển sang phương án đề nghị đăng cai ở Hà Nội - nơi đã có sẵn hai công trình đồ sộ là Khu Liên hợp Thể thao Mỹ Đình và Cung Thể thao dưới nước.
Trong dự thảo đề án sửa đổi lần 4 với dự kiến là tổ chức tại Hà Nội, tổng chi dự kiến là 1.742,2 tỉ đồng, trong đó 957 tỉ đồng dành cho công tác tổ chức, 785,2 tỉ đồng chi phí đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình, tập trung chủ yếu cho Khu Liên hợp Thể thao Mỹ Đình (108 tỉ đồng) và Cung thể thao dưới nước (48 tỉ đồng).
Hiện trạng Khu Liên hợp Thể Thao hàng trăm hécta tại trung tâm quận 2 sau hơn 20 năm quy hoạch. Ảnh: G. MIÊU |
Tiền đâu?
Dù vậy, TPHCM vẫn tiếp tục theo đuổi tham vọng đăng cai SEA Games, ngày 23.6.2017 trong buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Thành uỷ, UBND TPHCM, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - đã nêu hàng loạt kiến nghị đến người đứng đầu Chính phủ. Trong đó, có kiến nghị cho phép TPHCM đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31 - vào năm 2021. Ông Lê Thanh Liêm cho biết, hiện UBND TPHCM và Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch đã có những bước nghiên cứu, chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho kế hoạch tổ chức kỳ đại hội thể thao mang tầm cỡ khu vực này.
Đương nhiên, trọng tâm của hệ thống cơ sở vật chất cho SEA Games là khu thể thao Rạch Chiếc.
Theo Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM, tổng vốn đầu tư của dự án Khu Liên hợp Thể dục thể thao Quốc gia Rạch Chiếc khoảng 34.000 tỉ đồng. UBND TPHCM sẽ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2017-2020 với tổng chi phí gần 7.000 tỉ đồng để các nhà đầu tư triển khai dự án. Dự án này đã được quy hoạch từ tháng 2.1994. Đến nay, đã hơn 20 năm nhưng mới chỉ làm được con đường chính dẫn vào Khu Liên hợp Thể dục thể thao Quốc gia Rạch Chiếc.
Theo thông tin từ UBND TPHCM, vào tháng 8 năm nay, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi làm việc với Công ty Bouygues Batiment International nhằm bàn về dự án sân vận động 50.000 chỗ ngồi tại Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc. Đây là dự án quan trọng trong đề án đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) của TPHCM.
Sân vận động này sẽ có quy mô hiện đại nhất nước với 50.000 chỗ ngồi (sân Mỹ Đình chỉ có 40.000 chỗ). TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ giải tỏa mặt bằng ở khu Rạch Chiếc và dự kiến đến hết quý I/2018 sẽ hoàn tất.
UBND TPHCM cũng chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Trung tâm Thể dục thể thao Rạch Chiếc làm việc với Công ty Nikken Sekkei Ltd để trao đổi những nội dung còn vướng mắc, đi đến thống nhất thực hiện nhanh Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc.
Theo quy hoạch, Khu liên hợp có quy mô 466ha, có các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic như: Sân vận động 50.000 chỗ thi đấu bóng đá và thi điền kinh, nhà thi đấu thể thao tổng hợp, hồ bơi... có thể tổ chức các giải đấu quốc tế lớn. Ngoài ra, nơi đây còn có công viên giải trí phục vụ nhu cầu của người dân. Sau hơn 20 năm, hiện giờ dự án chỉ còn 180ha, được dự kiến xây dựng trong năm nay.
Đất vàng
Một câu hỏi đặt ra là sau SEA Games, công trình mấy chục ngàn tỉ lại để không, hoặc hoạt động không hết công suất, xuống cấp sẽ vô cùng lãng phí.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa phân tích: “Về lâu dài, TPHCM cũng nên có một tổ hợp thể thao tầm cỡ khu vực, nhưng vào thời điểm này là chưa thích hợp. Nếu làm bằng tiền từ ngân sách nhà nước thì không nên, còn nếu có nhà đầu tư, các tập đoàn lớn muốn xây để kinh doanh thì có thể. Nhưng mảnh đất hơn 180ha ở quận 2 đó hiện đang là đất vàng, chỉ vài năm nữa thôi sẽ không còn quỹ đất để xây những công trình cần thiết hơn như trường học, bệnh viện… Và chẳng ai xây một khu liên hợp ở trung tâm vì như thế sẽ gây kẹt xe, kéo theo nhiều dự án xung quanh cùng nhiều hệ quả khác. Theo tôi, cứ để đất trống ở đó, khi có đủ tiền hẵng xây. Nếu chúng ta chưa xây thì đời con cháu sẽ thực hiện; chứ nếu xây vội, xây manh mún, lẻ mẻ thì không chỉ mất đất trống mà còn tạo ra một công trình không đủ tầm. Còn phương án hay nhất là nên quy hoạch những khu tổ hợp thể thao lớn ở phía hướng TP đang phát triển như khu Tây Bắc, ở Củ Chi chẳng hạn. Nên phát triển tập trung về một phía tránh rời rạc, manh mún. Còn phương án cho nhà đầu tư đổi đất thì đã xưa rồi, và thực tế chứng minh là không hiệu quả, không nên làm, kẻo mất hết đất vàng”.
Chưa quyết địa phương đăng cai SEA games 31 Trao đổi với Lao Động, ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho biết: “Hiện nay vẫn chưa có quyết định chính thức Hà Nội hay TPHCM đăng cai SEA Games 31. Trong các cuộc họp trước đây, TPHCM có nguyện vọng xin đăng cai SEA Games 31. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn chưa trình đề án chính thức lên Bộ VHTTDL. Bởi để lựa chọn địa phương đăng cai, Bộ phải căn cứ vào đề án cụ thể của địa phương để trình Chính phủ. Theo kế hoạch, trong năm 2017 sẽ phải chốt địa phương đăng cai để đảm bảo công tác chuẩn bị cũng như việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng”. Đ.H |
Theo Nhóm PV (Lao Động)