“Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng vẫn theo sát thời sự của bóng đá Việt Nam!”

06/09/2017 10:09:00

Sau thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam, nhiều người đang muốn có sự cải tổ trong công tác điều hành ở VFF, đặc biệt là vai trò của chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã trao đổi với uỷ viên thường trực VFF Trần Anh Tú về những vấn đề được quan tâm.

Sau thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam, nhiều người đang muốn có sự cải tổ trong công tác điều hành ở VFF, đặc biệt là vai trò của chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã trao đổi với uỷ viên thường trực VFF Trần Anh Tú về những vấn đề được quan tâm.

Theo ông thì nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của đội tuyển U22 VN tại SEA Games 29 là gì?

Trước hết, nói về những điều ngoài chuyên môn, VFF đã làm hết khả năng của mình. Các đội tuyển bóng đá nam, nữ quốc gia và đội tuyển U22 được VFF dành cho những chế độ tốt nhất có thể. Tất cả các yêu cầu của HLV trưởng đều được VFF đáp ứng.

Còn nói về chuyên môn, theo tôi cần phải đánh giá nguyên nhân ngay tại chỗ và nguyên nhân sâu xa. Đầu tiên ở riêng giải này, tôi cảm giác thể lực của các cầu thủ chưa tốt, đội tuyển cũng chưa sẵn sàng khi rơi vào tình thế khó khăn. Điều này thể hiện rõ trong trận gặp Thái Lan.

Ngoài ra cũng phải nói đến yếu tố may mắn khi chúng ta bỏ lỡ những cơ hội mười mươi và bị trọng tài từ chối tình huống phạt đền trong trận gặp Indonesia.

Uỷ viên thường trực, kiêm trưởng Ban futsal VFF Trần Anh Tú (phải) - ảnh: Anh Hải

Uỷ viên thường trực, kiêm trưởng Ban futsal VFF Trần Anh Tú (phải) - ảnh: Anh Hải

Vậy thì sau SEA Games, VFF sẽ làm gì để mổ xẻ thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam, đồng thời VFF có định hướng gì trong thời gian tới như nguyên nhân sâu xa mà ông muốn nói, nhằm cải thiện chất lượng của các đội tuyển?

Chắc chắn Hội đồng HLV sẽ có buổi làm việc để xác định các nguyên nhân thất bại, báo cáo với Ban chấp hành (BCH) và thường trực VFF để nhanh chóng tìm HLV mới cho đội tuyển. Theo tôi, có lẽ VFF nên cân nhắc việc dùng 2 HLV khác nhau cho từng đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 quốc gia.

Về lâu về dài, nhìn từ thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games, chúng ta chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp mà mình có. Bóng đá Việt Nam chưa khi nào có nhiều cầu thủ trẻ tài năng như hiện nay, họ cần được sử dụng nhiều hơn để được trau dồi. Chúng ta cũng thấy là giữa cầu thủ Việt Nam và cầu thủ Thái Lan vẫn có sự chênh lệch về đẳng cấp.

Những lúc khó khăn, cầu thủ Thái Lan rất điềm tĩnh còn cầu thủ Việt Nam lại không được như vậy. Để giải quyết vấn đề này thì phải giải quyết ngay từ gốc, tức là ngay từ khâu đào tạo trẻ. Còn lên đội tuyển, nếu gặp môi trường tốt thì cũng chỉ cải thiện được phần nào, chứ khó thay đổi hoàn toàn.

Thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 29 sẽ sớm được VFF mổ xẻ (ảnh: Q.H)

Thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 29 sẽ sớm được VFF "mổ xẻ" (ảnh: Q.H)

Tôi cũng xin nói thêm, U22 Việt Nam vẫn là một đội trẻ. Thất bại của U22 Việt Nam không có nghĩa là bóng đá Việt Nam thất bại. Và từ thất bại của đội tuyển U22, cần các nhà chuyên môn khi mổ xẻ thẳng thắn, chạm được tận gốc, sẽ giúp cho các nhà quản lý chúng tôi có sự điều chỉnh tốt hơn cho các đội tuyển. Đấy cũng là nguyên nhân sâu xa và giải pháp lâu dài mà tôi muốn nói.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng vẫn đang trực tiếp điều hành VFF

Nhiều người thắc mắc về vai trò của chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, rằng ông Dũng vắng bóng quá lâu xung quanh các vấn đề thời sự của bóng đá Việt Nam, đặc biệt là trong thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games? Theo ông thì ông Dũng có thật sự làm việc, làm đúng chức năng của mình thời gian qua?

Có lẽ do việc ông Lê Hùng Dũng ít xuất hiện, cũng như ít phát biểu trước truyền thông, nên mọi người cảm giác rằng ông ấy vắng mặt ở tất cả các vấn đề thời sự của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, mọi công việc của VFF đều được TTK Lê Hoài Anh hoặc PCT Trần Quốc Tuấn báo cáo cho ông Dũng hàng ngày và thực hiện theo chỉ đạo của ông Dũng. Ngay như môn futsal, tuy không phải là môn trọng tâm nhưng ngay sau mỗi sự kiện, ông Dũng đều gọi điện cho tôi chỉ đạo công việc.

Ông Lê Hùng Dũng vẫn đang trực tiếp điều hành VFF, theo tiết lộ của uỷ viên thường trực VFF Trần Anh Tú (ảnh: Trọng Vũ)

Ông Lê Hùng Dũng vẫn đang trực tiếp điều hành VFF, theo tiết lộ của uỷ viên thường trực VFF Trần Anh Tú (ảnh: Trọng Vũ)

Còn trong thời gian SEA Games diễn ra, sau mỗi trận đấu của các đội tuyển bóng đá và futsal, chúng tôi đều báo cáo tình hình cho ông Dũng, nên không thể nói rằng ông ấy đứng ngoài các sự kiện thời sự bóng đá. Tất cả các ông việc quan trọng của VFF đều phải thông qua Thường trực BCH hoặc qua chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.

Có nghĩa là việc ông Lê Hùng Dũng bị bệnh không gây ảnh hưởng đến công tác điều hành VFF của ông ấy, thưa ông? Và một thắc mắc nữa là thường trực VFF họp ra sao trong thời gian ông Dũng bị bệnh?

Các công việc đều được báo cáo hoặc trao đổi qua điện thoại, email. Còn tài liệu khi cần phải ký thì VFF đã có văn phòng đại diện tại TPHCM trình đến cho ông Dũng ký. Tôi nghĩ việc này cũng không có gì lạ. Ngay bản thân tôi, tôi thường xuyên đi nước ngoài do công việc kinh doanh hoặc đi với các đội tuyển futsal, nhưng nhiều năm qua tôi vẫn điều hành doanh nghiệp của mình rất bình thường.

Riêng chuyện họp BCH hoặc họp thường trực VFF, thường thì VFF họp tại TPHCM và ông Lê Hùng Dũng vẫn là người điều hành các cuộc họp này.

Dù vậy thì vẫn có ý kiến cho rằng ông Dũng không đủ sức khoẻ để điều hành VFF? Vậy theo ông VFF có nên đại hội bất thường để tìm chủ tịch mới, như đòi hỏi của dư luận hiện nay?

Tôi thực sự không hiểu sao lại có luồng dư luận đòi VFF phải tổ chức đại hội bất thường để bầu chủ tịch mới. Bản thân tôi đánh giá ở thời điểm hiện tại, cũng như suốt thời gian từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, ông Dũng ngoài việc thực hiện chức trách của chủ tịch VFF, ông còn có vai trò giữ sự cân bằng và ổn định cho cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam. Việc thay chủ tịch khi chưa hết nhiệm kỳ sẽ gây sự bất ổn cho VFF, từ đó có thể gây ảnh hưởng xấu cho bóng đá Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Theo Trọng Vũ (Dân Trí)

Nổi bật