Trên trang chủ của FAT, lời chia tay đã được ông Somyot gửi đi: "Chủ tịch FAT sẵn sàng làm theo mệnh lệnh từ ngài Prawit (chủ tịch ủy ban Olympic Thái Lan). Sau đó, ông Somyot sẽ thông báo lý do từ chức cho AFF, AFC và FIFA. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp với ông Patis Supapong, thư ký của Liên đoàn".
Có nhiều lý do dẫn đến thay đổi tại FAT. Nhưng lý do quan trọng nhất chính là vụ ẩu đả tại chung kết SEA Games 32 với Indonesia. Trong sự vụ, phía Thái Lan là bên bị chỉ trích nhiều hơn, đặc biệt khi trợ lý của họ tấn công trưởng đoàn bên phía Indonesia, người được cho là lao ra để ngăn cản các cầu thủ xô xát.
Trong cuộc họp hôm qua, chủ tịch ủy ban Olympic nước này đã chỉ trích kịch liệt những gì mà đội U22 Thái Lan đã thể hiện. Ông cho rằng đây là "nỗi xấu hổ của thể thao Thái Lan, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia".
Do vậy, ông muốn người đứng đầu cơ quan quản lý bóng đá của Thái Lan phải chịu trách nhiệm bằng hình thức từ chức. Ông cũng nhấn mạnh rằng trước đó, các bên đã thống nhất rằng nếu Thái Lan không thể vô địch SEA Games 32 thì ông Somyot phải rời ghế. "Tôi hỏi lại, anh có chịu từ chức không?", câu nói đầy sức nặng từ ông Prawit.
Đây chính là lời tuyên bố đanh thép, khiến ông Somyot phải chấp nhận rời bỏ nhiệm kỳ trước nửa năm. Trước đó, vị quan chức này cũng nhận nhiều chỉ trích vì những thay đổi bị cho là "cải lùi" của ông. Đầu tiên là quyết định chia tay Kiatisuk, một nhân vật có tiếng nói và đang làm tốt nhiệm vụ của mình với đội tuyển Thái Lan.
Sau đó, ông đã cắt vai trò giám đốc thể thao của liên đoàn, đồng thời hạn chế khâu đào tạo trẻ. Người hâm mộ Thái Lan cho rằng đó là lý do lớn nhất dẫn đến những thất bại liên tiếp của các đội trẻ Thái Lan trên đấu trường Đông Nam Á và cả châu Á. Chưa dừng lại ở đó, nhiều đội bóng còn tố cáo vị quan chức này không minh bạch về tài chính. Tất cả khiến hầu hết người hâm mộ Thái Lan đều rất ủng hộ việc ông rời vai trò dẫn dắt nền bóng đá nước nhà.
Theo Đặng Lai (Tiền Phong)