BBC dẫn một nguồn tin giấu tên từ FIFA hôm 25.4 tiết lộ ông Infantino đã có một số "chỉ đạo" thành viên Ban giám định nói trên phải tìm bằng chứng loại Ma Rốc trước cuộc bỏ phiếu chạy đua đăng cai World Cup 2026 với liên minh Mỹ - Canada - Mexico. Điều đáng nói là đây không phải là lần đầu tiên Infantino bị cáo buộc cố gắng gây tổn hại đến cuộc đấu thầu của Ma Rốc. Đầu tháng này, ủy ban đấu thầu đăng cai World Cup 2026 của Ma Rốc tuyên bố rằng FIFA đã có chủ đích thay đổi hệ thống chấm điểm chỉ 24 giờ trước khi quốc gia châu Phi đệ trình hồ sơ dự thầu nhằm cản trở nỗ lực của họ.
Theo đó, những thay đổi đối với hệ thống tính điểm chủ yếu nằm ở tiêu chí cơ sở hạ tầng (bao gồm cả sân vận động và khách sạn) khi chiếm 70% số điểm để đủ điều kiện lọt vào vòng bỏ phiếu. Bởi theo báo giới quốc tế, ông Infantino được cho là người ủng hộ hồ sơ dự thầu đăng cai World Cup 2026 của liên minh Canada, Mỹ và Mexico thuộc khu vực Bắc Trung Mỹ và Caribbean vì sẽ đem lại doanh thu lớn hơn so với một quốc gia châu Phi nếu được đăng cai sự kiện. Một nguyên nhân khác là Infantino không ủng hộ quốc gia châu Phi vì xuất hiện những xung đột lợi ích với Tổng thư ký FIFA Fatma Samoura (quan chức có gốc gác Senegal), người được cho là có mối quan hệ họ hàng với El Hadji Diouf (cựu danh thủ người Senegal và đang là một trong những đại sứ của Ma Rốc ở chiến dịch chạy đua đăng cai World Cup 2026).
Trước các cáo buộc, người phát ngôn của FIFA lập tức phủ nhận các cáo buộc đối với ông Infantino và cho rằng việc tố cáo như “chuyện phiếm”. “Quá trình đấu thầu cho World Cup 2026 đã được thiết kế để đánh giá các giá thầu theo tiêu chí khách quan nhằm tránh được những quyết định mờ ám và chủ quan từng xảy ra quá khứ. Quá trình này là công bằng, khách quan và minh bạch vì nó có thể được chứng minh bằng việc công bố các hồ sơ dự thầu, tất cả các tài liệu đấu thầu và hệ thống chấm điểm”, người phát ngôn FIFA nói với BBC Sport. Người phát ngôn này cho biết thêm rằng những đánh giá được hướng dẫn theo các tiêu chí rõ ràng, khách quan và báo cáo sẽ được công khai để đảm bảo tính minh bạch đầy đủ của quy trình. Và dĩ nhiên Chủ tịch FIFA không tham gia vào quá trình nói trên cũng như sẽ không tham gia bỏ phiếu.
Trong khi đó, phía Ma Rốc cũng phản ứng kịch liệt về khiếu nại liên quan đến mối quan hệ giữa Samoura và Diouf đồng thời cho rằng cáo buộc nhằm mục đích phá hoại quá trình đấu thầu của quốc gia này. Quyết định quốc gia nào sẽ đăng cai tổ chức World Cup 2026 (sự kiện dự kiến tăng số đội tham gia từ 32 lên 48) sẽ được công bố sau cuộc bỏ phiếu tại Đại hội FIFA diễn ra ở Moscow (Nga) vào ngày 13.6, một ngày trước lễ khai mạc World Cup 2018 tại quốc gia này.
Theo Tây Nguyên (Thanh Niên Online)