Evergrande (tức Tập đoàn Hằng Đại) chính là tập đoàn chống lưng giúp CLB Quảng Châu Evergrande trở thành đội bóng hùng mạnh nhất giải VĐQG Trung Quốc (Chinese Super League) với 8 lần giành chức vô địch. Với sự hiện diện của Evergrande, đội bóng này không ngớt tay mang về những bản hợp đồng đắt giá. Đó đều là những ngôi sao đương thời.
Evergrande cũng chính là tập đoàn đứng sau chính sach “Trung Quốc hoá” các ngoại binh nhằm phục vụ cho ĐTQG nước này. Theo báo giới Trung Quốc, tập đoàn này chi trả khoản tiền lương lên đến 49 triệu USD/năm cho 6 cầu thủ nhập tịch và ngoại binh trong đội hình. Trong đó có 4/6 cầu thủ hiện khoác áo ĐT Trung Quốc tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á gồm Aloisio, Alan, Tyias Browning và Elkeson. Do vậy, người hâm mộ Trung Quốc có quyền nghi ngờ lòng trung thành của những “ngoại binh” của ĐT Trung Quốc.
Trong số 4 cầu thủ nhập tịch, chỉ có Tyias Browning (tên Trung Quốc là Guangtai) có bà ngoại là người Trung Quốc. Anh tuyên bố sẽ cống hiến cho đội tuyển Trung Quốc. Còn lại đều chưa đưa ra bất kỳ một phát ngôn nào. Truyền thông Trung Quốc chỉ ra rằng chính Evergrande đã trả lương cao cho họ. Đổi lại, họ nhập tịch vì tiền. “Một câu hỏi rất thực tế được đặt ra, khi không thể nhận được mức lương cao, liệu họ có sẵn sàng trở thành tuyển thủ Trung Quốc? Khi trái tim của họ thay đổi, điều gì sẽ xảy ra với đội Trung Quốc?”, tờ PP Sport đặt câu hỏi.
Tập đoàn Evergrande là một trong những doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Tập đoàn này hiện nằm trong danh sách Global 500 do tạp chí Fortune xếp hạng hằng năm. Theo Đài CNN, được niêm yết tại Hồng Kông và có trụ sở tại TP.Thâm Quyến (Trung Quốc đại lục), Evergrande có khoảng 200.000 nhân viên, về mặt gián tiếp giúp duy trì hơn 3,8 triệu việc làm mỗi năm.
Nhà sáng lập tập đoàn là tỉ phú Hứa Gia Ấn, từng là người giàu nhất Trung Quốc. Tính đến tháng 9.2021, tạp chí Forbes ước tính tổng tài sản ròng của tỉ phú Hứa là 10,7 tỉ USD (243.542 tỉ đồng). Evergrande tạo dựng tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản dân cư, với tuyên bố đang sở hữu hơn 1.300 dự án tại hơn 280 thành phố trên khắp Trung Quốc. Năm 2010, Evergrande đã mua CLB Quảng Châu và xây dựng trường dạy bóng đá được cho lớn nhất thế giới với chi phí lên đến 185 triệu USD. Hiện CLB này đang xây dựng sân vận động lớn nhất thế giới với kinh phí 1,7 tỷ USD, dự kiến hoàn tất vào năm sau với sức chứa khoảng 100.000 chỗ ngồi. Doanh thu năm ngoái của tập đoàn là 7 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những con số hào nhoáng hiện diện trên báo giới thì theo giới thạo tin của Trung Quốc, Evergrande dần lún sâu vào nợ nần vì liên tục vay mượn để chi trả và bù đắp cho tham vọng đầu tư ở nhiều lĩnh vực. Tờ The Guardian ngày 22/9 dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng Evergrande hiện là tập đoàn phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới, với tổng số nợ vượt ngưỡng 300 USD (tương đương 2% GDP Trung Quốc).
Trước tình trạng tài chính của Evergrande, nhiều nhà đầu tư đã tổ chức biểu tình tại trụ sở tập đoàn ở TP.Thâm Quyến. Truyền thông nước ngoài đã ghi lại hình ảnh về các cuộc biểu tình và sự phẫn nộ của những người mất trắng khi đầu tư vào công ty này. Những đoạn clip trên mạng xã hội cho thấy biểu tình xảy ra ở các thành phố Hải Nam, Nam Xương, Thành Đô…
Trở lại câu chuyện của 4 cầu thủ nhập tịch Trung Quốc, liệu với sự lao đao của Evergrande, họ có tâm trí để thi đấu cùng ĐT Trung Quốc với ĐT Việt Nam vào ngày 7/10 tại SVĐ Shajah (UAE) hay không nữa. Chẳng ai đo được lòng trung thành khi tiền đã dần vơi bớt cả...
Theo Đam San (Bongdaplus.vn)