1. Tính đến thời điểm này, trước loạt trận quyết định chiếc vé dự vòng loại cuối cùng mà Kaitisuk cùng đội tuyển Thái Lan từng đoạt được một cách đầy xứng đáng hơn 4 năm về trước, thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn đang có được vị trí cao nhất ở bảng G, song những gì diễn ra tiếp theo sẽ là thử thách thực sự đầy cam go.
Ở vòng loại thứ hai World Cup 2018, đội tuyển Thái Lan của "Zico Thái" rơi vào bảng F, cùng tương quan khá tương đồng với đội tuyển Việt Nam ở bảng G 4 năm sau đó. Năm ấy, với việc Indonesia bị FIFA cấm thi đấu, họ chung bảng với đội bóng Trung Đông là Iraq - được đánh giá mạnh hơn, cùng Việt Nam và Trung Hoa Đài Bắc. Trên lý thuyết, Thái Lan sẽ cạnh tranh với Việt Nam để tranh chiếc "vé vớt" dành cho đội nhì xuất sắc.
Nhưng năm ấy, đội tuyển Thái Lan của Kiatisuk làm được hơn thế rất nhiều. Với tổng cộng 6 trận đấu, họ kiếm được 14 điểm, chỉ hòa 2 trận trước Iraq và thắng tất cả 4 trận còn lại, xuất sắc đoạt ngôi đầu bảng.
Nếu như trận lượt đi, đội tuyển Thái Lan của Kiatiusk phải "rượt đuổi trối chết" mới có được trận hòa 2-2 với Iraq sau khi để đối phương dẫn trước đến 2-0 ngay tại Bangkok, thì ở trận lượt về trên sân khách, họ khiến đội chủ nhà phải "đua trối chết" mới có được trận hòa 2-2.
Càng đá, Thái Lan chơi càng hay, với lối chơi tấn công đậm chất tiki-taca khi gặp cái đội "chiếu dưới" như Việt Nam, đồng thời cực kỳ vững vàng nhưng không kém phần nguy hiểm khi gặp Iraq.
Trận lượt đi, cũng là trận mở màn, họ chơi áp đảo hoàn toàn trước đội tuyển Việt Nam của HLV Miura, song chỉ thắng cách biệt duy nhất 1 bàn từ pha sút xa bất ngờ, khi đối thủ chỉ còn chơi với 10 người trên sân, thì ở trận lượt về trên sân Mỹ Đình, họ chơi một trận đầy hứng khởi để có được chiến thắng áp đảo đến 3-0 cực kỳ xứng đáng.
Năm ấy, sau 6 trận, thầy trò HLV Kiatisuk ghi được đến 14 bàn thắng. Trong khi đó ở thời điểm hiện tại, sau 5 trận đã đá, thầy trò HLV Park Hang-seo chỉ mới ghi được có 5 bàn.
2. Sự khác nhau ấy đến từ lối chơi mà HLV Park Hang-seo chọn cho đội tuyển Việt Nam từ đầu. Sơ đồ 3-4-3 mà nhà cầm quân người Hàn Quốc này áp dụng khiến đội tuyển Việt Nam sở hữu lối chơi cực kỳ khó chịu, lấy phòng ngự làm tiêu chí hàng đầu. Dù mới ghi được có 5 bàn, trong đấy có 3 bàn vào lưới đội "lót đường" Indonesia, song các học trò của thầy Park chỉ mới để lọt lưới có duy nhất 1 bàn, giữ sạch lưới ở cả 4 trận gặp Thái Lan, Malaysia và UAE.
Nhưng lối chơi ấy, về mặt tấn công lại phải dựa rất nhiều vào sự tỏa sáng đột biến của các cá nhân. Ngoài 3 bàn thắng ghi được vào lưới Indonesia, hai bàn thắng ghi được trước UAE và Malaysia đều đến từ những khoảnh khắc xuất thần của Quang Hải và Tiến Linh. Nói cách khác, hàng công của thầy Park chưa từng đủ mạnh để áp đảo đối phương, như cái cách mà "Zico Thái" từng làm được với đội tuyển Thái Lan.
Đấy cũng là chính là lý do suốt hơn một năm qua, HLV Park Hang-seo từng rất nhiều lần than thở rằng mình đã "lộ bài", và tìm cách điều chỉnh chiến thuật cho các học trò. Quả tình, với những gì đang diễn ra, đội tuyển Việt Nam đang "lột xác" từ 3-4-3 với biến thể 4-5-1 sang 3-5-2 để chơi kiểm soát bóng. Mục đích của thầy Park quá rõ ràng, bởi chỉ có lối chơi này mới có thể chủ động được việc ghi bàn, thay vì đặt phòng ngự lên vị trí ưu tiên như suốt giai đoạn trước.
Nhưng quá trình ấy là không dễ dàng, một phần bởi dịch bệnh khiến các đợt tập trung của đội tuyển Việt Nam không được như ý. Sau trận giao hữu cùng U22 Việt Nam hồi tháng 12 năm ngoái, một tuyển thủ từng chia sẻ: "Quả thật sơ đồ 3-4-3 thầy Park áp dụng quá lợi hại. Tuyển Việt Nam tập chơi 3-5-2 để kiểm soát bóng nhưng hầu như không gây được áp lực đáng kể lên các đàn em U22 mới tập chơi 3-4-3.
Điều này đến từ việc U22 Việt Nam đã học cách phòng ngự rất nhanh và tuyển Việt Nam vẫn đang rất gượng với sự tư duy bóng đá từ bị động sang áp đặt. Bàn thắng chỉ đến khi tuyển Việt Nam trở về 3-4-3 trong hiệp hai, sự nhuần nhuyễn và linh hoạt trở lại giúp lối chơi sinh động và hiệu quả hẳn lên".
Dĩ nhiên, chơi 3-4-3 hay 3-5-2 là còn tùy vào đối thủ, tùy vào thời điểm nhất định trong trận đấu. Thầy Park đã cực kỳ chính xác khi muốn các học trò của mình bứt ra khỏi lối chơi "một màu", thay vào có có đến 2 "bài" để liên tục gây bất ngờ cho các đối thủ.
Nhưng tính là một chuyện, làm được không lại là chuyện khác. Bản thân nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng cực kỳ bảo thủ trong việc chọn nhân sự, nói thẳng ra là ông chỉ thích dùng những cầu thủ mà mình quen thuộc. Chính điều là là trở lực lớn nhất khi muốn "đảo bài" cho các học trò, bởi họ đã quá quen với sơ đồ chiến thuật từng "chơi mãi" dưới tay thầy Park.
Bên cạnh đó, "người tính không bằng trời tính" khi đúng lúc cần nhất, thì ông Park lại mất đi những nhân tố quan trọng nhất cho lối chơi mới của mình. Lối chơi kiểm soát bóng cần như tiền vệ trung tâm cực kỳ xuất sắc, công thủ toàn diện, vừa nghệ sĩ lại vừa chiến binh. Sự mất mát mang tên Hùng Dũng là đòn đánh chí mạng vào sự thay đổi mang tính cách mạng của HLV Park Hang-seo, thêm vào đó là việc Tuấn Anh chưa lấy lại được phong độ, thầy Park đang bối rối thực sự.
Lịch thi đấu đang ủng hộ thầy trò HLV Park Hang-seo, khi họ sẽ lần lượt gặp Indonesia, Malaysia rồi mới đến UAE, nhưng điều khiến ông thầy người Hàn Quốc lo lắng nhất lại nằm ở nội tại đội tuyển. Thêm sự mất mát mang tên Văn Lâm, liệu ông có dám liều lĩnh để các học trò chuyển sang lối chơi kiểm soát còn khá lạ lẫm, một khi không có được thủ thành số 1 "chống lưng" trước khung thành.
E rằng là không, và thầy Park lại phải đi trên con đường cũ của mình, con đường ngược hướng với những gì Kiatisuk đã từng làm để đưa bóng đá Thái Lan đến với đỉnh cao lịch sử.
Theo Lam Chi (Pháp luật và Bạn đọc)