- Modric, chiến tranh tác động thế nào tới tinh thần của anh và đồng đội?
- Perisic, anh chuyển tới Sochaux năm anh 17 tuổi. Mấy năm ở đó tác động tới anh thế nào?
Câu hỏi đầu tiên dành cho Luka Modric ngay trong họp báo trước trận chung kết với Pháp ở Luzhniki ngày hôm nay. Câu hỏi thứ hai dành cho Perisic ngay sau trận bán kết với chiến thắng lịch sử trước tuyển Anh cách đó ba ngày – trận đấu Perisic được bầu là cầu thủ hay nhất trận đấu.
Mô hình thành công: Hỗn loạn
Xuất hiện tại các cuộc họp báo, câu hỏi mà các phóng viên thường đặt ra với các cầu thủ Croatia là chiến tranh ảnh hưởng thế nào tới tính cách và tư duy thi đấu của họ hoặc những câu chuyện họ rời khỏi Croatia diễn ra biến động ra sao.
Sự tan rã của Nam Tư và cuộc chiến dai dẳng cách đây hơn 10 năm vẫn là di sản lớn với những cầu thủ tới từ xứ Balkan này. Mỗi khi nhận câu hỏi từ các nhà báo Serbia, dù là về Novak Djokovic ở Wimbledon, các cầu thủ áo carô trắng đỏ cũng luôn đặc biệt thận trọng.
Với những đội bóng các nước rất nhỏ ở World Cup, mọi người thường nói về công thức đặc biệt trong huấn luyện của họ: Iceland đào tạo rất nhiều huấn luyện viên chất lượng cho nhóm cầu thủ trẻ ít ỏi của mình; Uruguay thì HLV trưởng Oscar Tabarez sẽ tham gia vào rất nhiều quá trình huấn luyện của các đội nhỏ, cứ nơi nào có ngôi sao từ bé ông đã biết để có thể để ý và lưu ý phát triển; Bỉ thì tổng hợp công thức từ các nước như Đức, Pháp, thay đổi cách huấn luyện 5x5 thường của các đội sang 4x4 để các cầu thủ ý thức hơn về chiến thuật, đổi từ phòng thủ sang tư duy tấn công,…
Riêng Croatia thì chẳng có công thức gì. Mọi người chỉ thấy một đất nước hỗn loạn, kinh tế khó khăn, còn các cầu thủ thì được bán như các món hàng trao tay từ khi rất nhỏ. Nhưng đây là đất nước của nhiều tài năng túc cầu, và họ đã trở thành đất nước nhỏ nhất trong 50 năm qua để vào tới chung kết World Cup – kỳ tích lịch sử với đất nước chỉ có vẻn vẹn 4,5 triệu dân.
Trở lại với họp báo trước chung kết, Luka Modric đã từ chối trả lời câu hỏi, nói rằng anh “không muốn nhắc lại quá khứ” dù có thêm rằng, “Đương nhiên, mọi thứ ảnh hưởng tới bạn. Nó làm bạn kiên cường hơn, đất nước bạn kiên cường hơn”.
Chiến tranh đã tác động tới Modric và nhiều đồng đội của anh. Ông anh bị bắn chết, gia đình phải di tản và sống ở nhà trọ trong nhiều năm. Cậu bé Modric lúc nhỏ tập đá bóng ở bãi xe và hành lang nhà trọ gia đình anh trú tạm ở Zadar. Có những lúc cậu bé tập bóng mà có thể nghe tiếng lựu đạn nổ ngay bên cạnh.
Tiền vệ Perisic ngay khi nổi tiếng thì được Sochaux dùng máy bay riêng “bốc đi” ngay trước mũi CLB Hadjuk Split ở quê nhà để cứu trang trại gà của người bố. Sochaux sau đó cũng không dùng anh mà tống anh cho CLB của Bỉ mượn mấy năm trước khi bán với giá rất hời cho Inter Milan.
Luka Modric cùng hậu vệ Dejan Lovren thì được bán bí hiểm bởi bố già Zdrako Mamic, cựu chủ tịch CLB Dinamo Zagreb, lần lượt cho Tottenham và Lyon. Mamic tháng trước đã bị tuyên án 6 năm tù rưỡi vì tội lừa đảo và tham nhũng (ngụy tạo hợp đồng để kiếm chác hàng triệu euro riêng từ CLB và né thuế).
Bóng đá của những kẻ nghèo khó
Modric cũng liên quan và có thể đối mặt án tù vì tội khai man trước tù – vụ án đang gây chia rẽ chính các cổ động viên nhiệt tình của Croatia.
Các CLB ở Croatia đã luôn sống trong cảnh bần cùng: Hajduk Split, một trong những CLB lớn nhất ở nước này, đã hai lần suýt phá sản. Mô hình của Dinamo Zagreb của Mamic trong giai đoạn dài là dùng Champions League để quảng bá các cầu thủ trẻ của mình rồi bán đi với giá cao.
Dường như số phận của hầu hết cầu thủ Croatia cũng đều có một biến động nào đó. Số thì biến động từ là chiến tranh, số thì bị “bán” từ rất sớm (tuyển Croatia chỉ có 5 cầu thủ trong nước).
Ở Balkan, cảm xúc của những người dân ở đó cũng rất khác nhau về thành tích của Croatia đã đạt được tại World Cup – căng thẳng chính trị ở đây có thể giảm nhưng những cảm xúc về cạnh tranh thể thao thì vẫn rất lớn như những di sản hậu chiến.
Bóng đá của Croatia do đó, như anh bạn Slobodan Kadic từ BHPutovanja nói với tôi, là bóng đá những kẻ nghèo khó, yếu thế, của Chiến tranh Lạnh, của bi kịch thế kỷ 20.
Đội tuyển quốc gia U17 của Croatia thường tập hợp ở nhà ga chính của Zagreb trước mỗi trận đấu loại ở châu Âu thay vì tập trung ở một trung tâm huấn luyện. “Ở Croatia chúng tôi vẫn chưa có sân vận động cho đội tuyển quốc gia, thậm chí là chưa có trung tâm huấn luyện cho tuyển quốc gia”, cựu HLV Igor Stimac nói.
Còn nói như HLV Zlatko Dalic hay nói tại họp báo thì ông “huấn luyện không phải mọi thứ có sẵn trên mâm cho tôi”. Nhưng điều đó chẳng làm các cầu thủ này nản chí. Họ luôn muốn đại diện cho đất nước của mình để làm nên lịch sử.
“Thể thao nằm trong máu chúng tôi”, HLV Niko Kovac của Bayern Munich nói với FAZ. “Người Croatia thích cạnh tranh và muốn giỏi hơn những người khác”.
“Và cũng vì kinh tế chúng tôi không mạnh, chơi thể thao là cách kiếm tiền, và thậm chí là cách để đi tìm hạnh phúc ở nước ngoài”, ông nói. “Điều đó khiến các cầu thủ trẻ có động lực để phấn đấu”.
"Không chơi bóng đá nước nhỏ"
Thể thao là một phần lớn của lịch sử và bản sắc Croatia. Theo Kovac, người Croatia thậm chí sẽ hạnh phúc nếu giành huy chương vàng thể thao hơn là giải Nobel vật lý. “Chúng tôi là những người rất nhiều cảm xúc, và tình cảm yêu nước rất mạnh. Khi bạn mặc chiếc áo tuyển quốc gia, điều đó cho bạn thêm sức mạnh”.
“Ở Croatia, giống như ở Nam Mỹ, bạn vẫn còn những đứa trẻ đá trên đường phố, vẫn muốn trêu tức đối thủ, muốn rê dắt qua đối thủ, làm điều gì đó đặc biệt. Bạn không thấy điều này ở Đức”.
Cựu tiền đạo Gary Lineker của tuyển Anh sau bán kết cũng ca ngợi các cầu thủ Croatia dù rời đi ra nước ngoài rất sớm nhưng vẫn giữ được tình cảm gắn bó với đội tuyển của mình: “Các cầu thủ Croatia vẫn giữ được tình cảm với đội tuyển quốc gia, đó là điều rất hiếm, nhất là khi bạn đã chuyển ra nước ngoài thi đấu. Cảm xúc bạn thường không còn như cũ nữa”.
Miguel Delaney của Independent viết lối đá của Croatia ấn tượng khi họ “không chơi bóng đá nước nhỏ”, không tìm cách vượt qua vòng knock-out nhờ hàng hậu vệ mạnh hay chăm nhờ vào các tình huống bóng chết kiểu như Hy Lạp hồi Euro 2004.
“Họ không hạ mình dù đất nước khó khăn. Họ làm điều ngược lại. Họ chơi thứ bóng đá của nước lớn, của CLB lớn, thứ bóng đá áp đặt mọi thứ theo ý của mình”, ông viết.
Pháp có lẽ là đội nhỉnh hơn Croatia với đội hình đồng đều hơn ở ba tuyến và không phải vất vả vượt qua ba trận đấu knockout 120 phút như cách Croatia đã phải trải qua.
Nhưng nếu trong bóng đá chúng ta luôn yêu các câu chuyện thần kỳ và những kẻ yếu thế, tôi sẽ mong muốn một điều thần kỳ cho Croatia. Họ xứng đáng là cái tên mới bên cạnh 8 đội đã thay nhau vô địch trong lịch sử của World Cup.
Theo Thanh Tuấn (Tri Thức Trực Tuyến)