Sau bàn thắng đánh đầu tung lưới U23 Malaysia mở tỉ số cho ĐT Việt Nam, Tiến Linh đã chạy ra đường biên, cởi áo ăn mừng. Thế nhưng lần này, thay vì soi body xịn sò, dân mạng lại chỉ chú ý đến chiếc áo đen như áo crop top mà chân sút mang áo số 9 mặc bên trong.
“Áo crop top Tiến Linh”, “áo lót cầu thủ”… trở thành những từ khóa được nhiều người tìm kiếm trên các trang mạng. “Ai giải thích hộ về chiếc áo lót của Tiến Linh”, “Nhìn giống áo tập quá nhưng không biết công dụng” là thắc mắc của các khán giả sau trận bán kết giữa U23 Việt Nam và Malaysia.
Thực tế, chiếc áo màu đen trông giống áo lót thể thao này vốn không còn là món đồ quá lạ đối với các VĐV thể thao nói chung và giới cầu thủ nói riêng khi luyện tập. Công nghệ "áo ngực" này đã được hàng loạt CLB bóng đá như Borussia Dortmund, AC Milan, Atletico Madrid, Chelsea, Bayern Munich áp dụng cho cầu thủ của mình.
Theo Washington Post, những chiếc áo đen này thật ra là một thiết bị thông minh, dùng để đo hiệu suất của cầu thủ trên sân làm bằng neoprene. Với hệ thống GPS, chiếc áo ghi lại mọi thông tin cần thiết về cầu thủ như tốc độ, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, quãng đường di chuyển, khả năng bứt tốc và lập tức truyền đến máy tính. Nhờ vậy, ban huấn luyện đưa ra phương pháp luyện tập hợp lý, hướng dẫn cầu thủ sửa chữa các lỗi di chuyển để phòng tránh chấn thương.
Với đội tuyển Việt Nam, chiếc áo này bắt đầu được sử dụng từ năm 2019, trang bị cho các cầu thủ từ giải King's Cup 2019. Việt Nam là 1 trong những nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á sử dụng công nghệ này. Ở thời điểm hiện tại, các chiến binh áo đỏ đang đang sử dụng áo GPS của hãng Catapult. Hãng thể thao này đang là đối tác của Bayern Munich FC và PSG.
Trong các trận thi đấu chính thức, các cầu thủ được phép sử dụng áo ngực "công nghệ" này và họ cũng thường mặc loại áo ngực đen mỏng hơn áo lúc luyện tập để có thể mặc lót bên trong áo thi đấu.
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)