Đó là viễn cảnh hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn vào bản chất của công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) là để giảm những quyết định gây tranh cãi của các trận đấu bóng đá.
Đế chế thống trị Champions League kéo dài suốt nửa thập kỷ qua của Real Madrid (vô địch 4 lần) được kiến tạo nên từ không ít những quyết định khó hiểu của các vị vua sân cỏ.
Có VAR, Real có thể thống trị Champions League?
Đó là câu hỏi có thể sẽ bị chỉ trích vì đối tượng được nhắm tới (Real Madrid, CLB có rất nhiều người hâm mộ), song không hề sai về mặt cách thức đặt vấn đề nhất là khi Real đã được hưởng không ít những quyết định có lợi của trọng tài trong hành trình vô địch Champions League ba mùa liên tiếp.
Mùa 2016/17, Real Madrid đã vượt qua Bayern Munich ở trận tứ kết lượt về với tỷ số 4-2 trong 120 phút, qua đó thắng chung cuộc 5-3 sau hai lượt trận. Song 120 phút tại Santiago Bernabeu thực sự khiến giới mộ điệu phải bức xúc, thậm chí đặt câu hỏi rằng liệu có thế lực nào đứng đằng sau Real Madrid hay không.
Trên tờ Radio Marca, cựu trọng tài Angel Oliver đã thẳng thắn chỉ ra 5 sai lầm mà các trọng tài thực hiện trong trận đấu này, qua đó giúp Real Madrid hưởng lợi. Đầu tiên việc Casemiro không phải nhận thẻ vàng thứ hai sau khi phạm lỗi với Arjen Robben trong vòng cấm vào phút thứ 40. Tới phút thứ 80, tiền vệ Brazil tiếp tục phạm lỗi nghiêm trọng với tiền vệ người Hà Lan nhưng bị ngó lơ.
Sau đó 4 phút, ông Viktor Kassai đuổi Arturo Vidal khỏi sân vào phút thứ 84 dù tiền vệ người Chile vào trúng bóng trong chân Asensio. Bước vào thời gian hiệp phụ, tổ trọng tài này tiếp tục công nhận hai bàn thắng của Real do công của Ronaldo đều được ghi trong những tư thế việt vị rất rõ ràng. Báo chí châu Âu đã gọi chiến thắng này của Real trước Bayern là scandal thực sự.
Mùa trước, vẫn là Bayern đóng vai nạn nhân của các ông vua áo đen khi đối mặt với Real Madrid. Lần này “Hùm xám” bị từ chối 2 quả phạt đền trong trận lượt về trong những tình huống bóng chạm tay Marcelo, và Sergio Ramos phạm lỗi với Robert Lewandowski trong vòng cấm.
Trên Cadena SER, cựu trọng tài Iturralde Gonzalez nổi tiếng thân Real Madrid bình luận Bayern Munich đã bị tước 2 pha phạt đền rõ ràng. Tới trận chung kết, Ramos sau khi phạm lỗi với Mohamed Salah nhưng cũng không bị thẻ phạt.
Nói lại chuyện cũ để thấy, chiến tích ba lần vô địch Champions League của Real Madrid không lung linh như tưởng tượng. Và trên lý thuyết, nếu toàn bộ những quyết định đáng ngờ kia được đặt dưới lăng kính VAR, câu chuyện hoàn toàn có thể rẽ sang hướng rất khác.
Real Madrid sẽ không vô địch Champions League ba lần liên tiếp, Cristiano Ronaldo có thể không phải chủ nhân của “Quả bóng vàng châu Âu” trong những năm đó, Bayern Munich có thể mới là đội phá lời nguyền Champions League.
Nhưng VAR có thực sự công bằng?
Trên lý thuyết, VAR với sức mạnh công nghệ sẽ giúp những trận đấu bớt tranh cãi và mang sự thật. Song liệu có phải quá vội vã khi khẳng định đây sẽ là “liều thuốc tiên” giúp bóng đá nói chung chứ không chỉ Champions League trở nên công bằng?
Câu trả lời là cực khó. Về bản chất, VAR vẫn được vận hành bởi con người, và trong giải đấu lớn nhất mà công nghệ này từng góp mặt, World Cup 2018, những chỉ trích về tính minh bạch là không ít.
Bằng nhiều cách, những đội tuyển lớn như Argentina, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đều đã hưởng lợi từ VAR, còn những đội tuyển yếm thế như Morocco, Iran, Croatia hay Nigeria đều chịu thiệt từ VAR. Trận chung kết World Cup đã thay đổi hoàn toàn cũng bởi một tình huống sử dụng công nghệ này.
Trọng tài Nestor Pitana đã sử dụng VAR để tặng quả phạt đền cho Pháp khi cho rằng bóng chạm tay Ivan Perisic trong vòng cấm. Antoine Griezmann thực hiện thành công cú đá từ chấm 11 m để đưa Pháp vượt lên hẳn trước Croatia trong trận chung kết. Dựa vào tình thế khi đó, nếu VAR không giúp Pháp có phạt đền, chưa chắc "Les Bleus" đã có được chiến thắng cách biệt trước Croatia.
Huyền thoại của MU Roy Keane lập tức lên tiếng chỉ trích quyết định này trên kênh ITV sau trận đấu. “Thật ghê tởm” và “đáng hổ thẹn” là một trong những từ ngữ mạnh mẽ mà cựu thủ quân MU sử dụng để nói về quyết định sử dụng VAR này. Trên RT, thủ thành Peter Schmeichel nhấn mạnh trọng tài đã “cướp” đi chiến thắng của Croatia.
Tờ The Economist uy tín nói rằng VAR giảm tới 80% những sai lầm của các trọng tài. Song cũng khẳng định rằng VAR vẫn mang nguyên những thiên lệch của con người vào trong các quyết định. Bởi bản chất công nghệ này vẫn được vận hành bởi con người, và nếu những con người này “bị tác động”, tiếng còi trên sân cũng sẽ bị méo mó đi ít nhiều.
Việc Champions League sử dụng VAR sẽ là cú đấm vào đế chế Real Madrid? Chưa đủ cơ sở để khẳng định điều này. Thậm chí có thể tin nếu Real Madrid đúng là có được hậu thuẫn đủ lớn (để có được lợi thế từ những quyết định sai lầm của các trọng tài trong suốt những năm qua), thì họ cũng thừa đủ tiềm lực để “mua” luôn cả VAR (nếu cần thiết).
Có quá nhiều cách để những kẻ có quyền lực bẻ cong sự thật nếu họ thực sự muốn, VAR sau cùng cũng chỉ là công cụ góp phần gia tăng thêm tính kịch tính của cuộc chơi. Real Madrid hay bất kỳ đại gia nào sẽ bị ảnh hưởng bởi VAR? Đó là câu chuyện của tương lai, và được đặt trong những hoàn cảnh rất cụ thể.
Với giới quan sát nói chung lúc này, việc Champions League áp dụng VAR chỉ nên được nhìn như một hành động tích cực của UEFA trong việc bắt kịp xu hướng đưa công nghệ vào thể thao. Tính công bằng cửa VAR với những siêu CLB như Real Madrid vẫn sẽ là nằm trong tấm màn bí mật.
Theo Nhật Anh (Tri Thức Trực Tuyến)