CĐV Hải Phòng không đốt pháo sáng ở Lạch Tray vì an ninh siết chặt

23/04/2019 07:54:00

CĐV Hải Phòng mang tới bầu không khí đáng sợ với màn ăn mừng bằng pháo sáng (Video: Linh Miêu)

Vòng 6 V.League 2017, CĐV Hải Phòng có hành động xấu xí khiến sân Lạch Tray bị "treo" sau đó 2 vòng. Dẫu vậy, người ta không thấy sự xuất hiện của pháo sáng trên khán đài.

CĐV Hải Phòng dùng nhiều lời lẽ lăng mạ, chửi bới quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), trọng tài và CLB Hà Nội; ném nhiều vật cứng xuống sân. Hết trận, đám đông quá khích còn tập trung bên ngoài phòng họp báo để chửi bới, dọa dẫm tổ trọng tài và CLB Hà Nội.

Dù có nhiều hành động quá khích trong suốt 90 phút trên sân, nhưng sự quá khích đó chỉ dừng lại ở những lời nói thô tục, lăng mạ. Không có quả pháo nào được đốt trên khái đài sân Lạch Tray.

CĐV Hải Phòng không đốt pháo sáng ở Lạch Tray vì an ninh siết chặt
Lực lượng an ninh luôn được bố trí dày đặc trên sân Lạch Tray.
 

Siết chặt an ninh khiến CĐV phải sợ

Chẳng phải tự nhiên mà những CĐV có tiếng cuồng nhiệt nhưng cũng dễ quá khích lại "ngoan lạ" ngay trên sân nhà. Nguyên nhân là do cách làm việc của lực lương an ninh.

Mỗi trận CLB Hải Phòng thi đấu trên sân nhà, luôn có hàng trăm chiến sĩ cảnh sát (Cơ động và Phòng cháy Chữa cháy) túc trực, sẵn sàng ứng cứu khi có pháo sáng. Đó là chưa kể lực lượng cảnh sát hình sự luôn được bố trí ngồi xen kẽ với CĐV đội nhà và sẵn sàng ra tay khi có những thành phần quá khích.

"Cứ khoảng 5 đến 7 hàng ghế sẽ có một cảnh sát hình sự. Họ bố trí dày đặc và cả trận chỉ quan sát những động thái lạ. Ai đốt pháo sáng thì bị phát hiện rất dễ", anh Bút, một thành viên Hội CĐV Hải Phòng cho hay.

Không ít trường hợp CĐV Hải Phòng bị bắt tại trận vì hành vi gây rối, đốt pháo. Thậm chí, có những người còn bị tạm giam hoặc xử phạt hành chính ở mức rất nặng.

Hồi tháng 9/2016, 3 CĐV quá khích đã bị bắt với tội gây rối trật tự ở trận CLB Hải Phòng giành ngôi Á quân V.League. Mỗi trường hợp bị bắt giữ phải đóng 15-20 triệu đồng tiền phạt.

CĐV Hải Phòng không đốt pháo sáng ở Lạch Tray vì an ninh siết chặt - 1
Sân Lạch tray hiếm khi có pháo sáng ở những trận đấu của CLB Hải Phòng.

Hồi tháng 5/2015, Hội CĐV Hải Phòng khi đó phải phát động phong trào "chỉ điểm", bởi một học sinh THPT chuẩn bị tới kỳ thì tốt nghiệp bị vạ lây và tạm giam, có nguy cơ không thể tham dự kỳ thi.

Anh Đoàn Hậu, admin diễn đàn HPFC, cho hay: "Cậu bé đó lần đầu đi xem bóng đá, chưa đủ hiểu biết và chót dại cầm quả pháo lên thì bị bắt". Theo anh Hậu, thời điểm xảy ra ở trong giờ nghỉ giữa giờ trận đấu vào chiều 19/4.

Sau đó, Hội CĐV và diễn đàn này đã tìm đủ bằng chứng, chứng minh cậu học sinh tên Quang nói trên không phải là thủ phạm. Tiếp tục câu chuyện về việc "bắt pháo sáng", anh Hậu cho hay lực lượng an ninh tại đây làm việc rất hiệu quả và những thủ phạm đều bị xử lý tương đối nặng. Có trường hợp phải nộp phạt tới 30 triệu cho một lần đốt quả pháo trị giá khoảng 120 ngàn.

Ngăn chặn từ cửa soát vé

Đó chỉ là những động thái mang tính đề phòng theo kiểu "kế hoạch B". Lực lượng an ninh sân Lạch Tray còn thể hiện rõ quyết tâm ngăn chặn nạn đốt pháo sáng ngay từ khâu soát vé.

Toàn bộ khán giả muốn vào sân đều phải qua bước khám người và đồ dùng. Công an TP Hải Phòng luôn bố trí cả cảnh sát nữ chịu trách nhiệm kiểm soát nữ CĐV theo đúng quy định và trình tự khám xét của pháp luật.

Một yếu tố khác cần ghi nhận trong việc đối phó với nạn đốt pháo sáng là cách thức xử trí khi pháo sáng bùng lên. Ngoài việc phản ứng nhanh thì lực lượng PCCC cũng rất "có nghề". 

CĐV Định "Rồng", người nổi tiếng với những trò khuấy động trên sân Lạch Tray, trong lần chia sẻ cùng Zing.vn năm 2018 đã chỉ rõ cách thức lực lượng chức năng xử lý khi phát hiện pháo sáng.

"Pháo sáng được chế tạo phục vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển. Nó vẫn cháy nếu thiếu oxy. Nước bình thường không thể dập tắt. Vì thế cách chữa cháy thông thường không giải quyết được vấn đề", ông Định mở đầu.

CĐV Hải Phòng không đốt pháo sáng ở Lạch Tray vì an ninh siết chặt - 2
Hàng dài người hâm mộ xếp hàng chờ vượt qua cổng an ninh để vào sân Lạch Tray.

"Ở Hải Phòng, người ta thường dùng hộp kim loại có hình dạng giống phích nước, bên trong chứa cát và nước. Khi có pháo sáng đốt lên, chiến sĩ PCCC chỉ cần cầm vào phần cán đút thật sâu vào chiếc hộp đó rồi mang ra ngoài", CĐV này nói tiếp.

Theo lý giải của Định "Rồng", việc nhét pháo sáng đang cháy vào hỗn hợp cát và nước thực ra không nhằm mục đích dập tắt chúng. Tuy vậy, hỗn hợp nói trên có tác dụng giảm thiểu sức nóng, khói và ngăn chặn ánh sáng chúng phát ra ngay lập tức. Sau đó, lực lượng chức năng mang ra ngoài SVĐ khắc phục sau.

Còn theo anh Bút, một cách chữa cháy nữa mà lực lượng an ninh tại sân Lạch Tray hay dùng là ngâm chăn dạ vào nước đá. "Chăn ướt, lạnh, sẽ giảm tác hại của pháo sáng. Còn xử lý như cách PCCC Hà Nội thường dùng không những vô hiệu, mà còn khiến chăn dù ướt cũng có thể bị cháy", người này nói.

Theo Đỗ Hải (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật