Ở vòng 36, Liverpool dễ dàng vượt qua đội bóng đã xuống hạng Huddersfield Town với tỉ số 5-0 ở trận đá sớm. Điều này khiến cho Man City buộc phải giành chiến thắng trong chuyến làm khách trước Burnley để tái lập lại khoảng cách 1 điểm và đòi lại ngôi đầu bảng.
Pep Guardiola và các học trò đã phải trải qua một trận đấu không hề dễ dàng trên sân Turf Moor. Mãi đến phút 63, Aguero mới khai thông được bế tắc với một tình huống mà trọng tài phải sử dụng đến công nghệ Goal-line để xác định xem bàn thắng đã được ghi hay chưa.
Xem lại pha quay chậm, trái bóng trên đã vượt vạch vôi chỉ 1,16 inch (2,951 cm) và có lẽ chỉ nhờ có Goal-line thì bàn thắng của Aguero mới được công nhận, bởi trọng tài biên khi đó không hề đưa ra bất cứ phản ứng nào về việc bàn thắng đã được ghi cho Man City.
Man City đã bị từ chối một quả penalty khi hậu vệ Burnley để bóng chạm tay trong vòng cấm. Ngoại hạng Anh chưa áp dụng VAR, nhưng may cho Man City khi Goal-line thì đã có từ lâu.
Nhưng đó vẫn chưa phải điểm thú vị nhất của câu chuyện về Man City và Goal-line.
Lùi lại thời điểm đầu tháng 1, Man City khi đó vẫn kém Liverpool 4 điểm và buộc phải giành chiến thắng trong trận đối đầu trực tiếp để nuôi hi vọng bám đuổi.
Đội bóng của Pep cuối cùng giành chiến thắng với tỉ số 2-1, nhưng người hùng của trận đấu không chỉ có hai cầu thủ ghi bàn là Aguero và Sane. Ở trận đấu đó, trung vệ John Stones khiến tất cả phải nhắc tên mình, khi có tình huống cứu thua ngay trên vạch vôi cho Man City. Những đo đạc cho thấy trái bóng chỉ cần lăn thêm 0,44 inch (1,1176 cm) nữa thì bàn thắng sẽ được ghi cho Liverpool.
Cả Man City và Liverpool đều chi ra hàng trăm triệu bảng cho cuộc đua vô địch. Nhưng rất có thể khoảng cách xấp xỉ 4cm của hai tình huống Goal-line mới là điều tạo nên sự khác biệt giữa nhà vô địch và kẻ thất bại.
Và còn gì cay đắng hơn với Liverpool, đội bóng đã mất gần 30 năm để chờ đợi nhưng rồi lại mất chức vô địch chỉ bởi 4cm giữa hai bên vạch cầu môn.
Kiều Phong (SHTT)